Giáo dục

Nhiều giáo viên chấp nhận tai tiếng, chống 'lệnh' cấp trên vì tiền?

Một trong những điểm nhấn năm học này là việc siết lại tình trạng dạy thêm học thêm ở các tỉnh, thành phố lớn... Nhưng lỗi có phải ở học thêm?.


Không học thêm không thi nổi?

Tại TP HCM, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã tuyên bố, địa phương này sẽ chấm dứt dạy thêm, học thêm ngay trong năm học mới này. Cũng ngay từ trong hè, những trường đã “trót” thu tiền học thêm của học sinh (HS) đều buộc phải thông báo trả lại và không tiến hành dạy thêm trong hè theo đúng yêu cầu của Sở GD-ĐT TP.HCM.

Mới đây nhất, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có văn bản gửi các Phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã và các trường trực thuộc nhắc nhở tuân thủ 12 nguyên tắc cơ bản trong tổ chức dạy thêm, học thêm. Trong đó quy định, hoạt động dạy thêm, học thêm phải phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý của HS về thời lượng, thời gian và khối lượng kiến thức.

Không dạy thêm trước chương trình không cắt giảm nội dung trong chương trình chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; nội dung dạy thêm không được quá sức tiếp thu của HS. Không xếp thời khóa biểu học thêm vào buổi học chính khóa hoặc giờ học tự chọn; số giờ học thêm không vượt quá số giờ học chính khóa trong ngày; mỗi HS không học thêm quá 5 môn học; không dạy thêm đối với HS tiểu học, HS đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Sở cũng yêu cầu không được ép gia đình HS và HS học thêm; HS chỉ học thêm khi có nhu cầu, tự nguyện và được gia đình đồng ý…

Ở góc độ người trong cuộc, cô giáo Nguyễn Hồng Cúc, TP HCM thẳng thắn bày tỏ: “Tôi không ủng hộ cho HS học thêm vì HS không có giờ tự học, tự sáng tạo. Điều này không đúng với mục đích giáo dục chân chính. Nhưng nếu chỉ dạy và học theo đúng chương trình trong SGK thì có thể đậu trong các kỳ thi chuyển cấp không?.

Nếu phải học chương trình nâng cao hơn mới trúng tuyển được thì lỗi là do cách ra đề. Vậy nên rà sóat lại chương trình học, sửa đổi cách soạn đề thi và chấm thi. Làm thế nào để giáo viên dạy các kiến thức trong trường cần đảm bảo lên lớp và đậu chuyển cấp. Thứ 2 là nâng lương cho giáo viên đủ sống, yên tâm dạy dỗ trẻ. Nếu thay đổi 2 điều này thì sẽ hạn chế học thêm. Không phụ huynh nào muốn con “chạy sô” điên cuồng cũng như không giáo viên nào thích dạy 12/ngày/tuần cả”.

Cùng quan điểm này, chị Mộc Lan, TP Hồ Chí Minh chia sẻ, dạy thêm học thêm tồn tại và chịu nhiều tai tiếng suốt những năm qua là lương không đủ sống nên giáo viên dạy qua loa trên lớp để buộc HS học kiếm thêm tiền. Chương trình học quá cao siêu và quá tải, HS không học nổi trên lớp, cha mẹ cũng chẳng kèm nổi nên phải học thêm. Và đề thi nằm ngoài chương trình học nên HS phải đi học nâng cao với hy vọng có thể đậu các cuộc thi chuyển cấp và vào đại học.

Không chấp nhận thầy cô “ép” học sinh

Tuy vậy, theo các chuyên gia giáo dục, cần phân biệt học thêm xuất phát từ nhu cầu thực sự với học thêm theo kiểu trào lưu, chạy đua hoặc bị ép buộc. Việc dạy thêm học thêm không có gì xấu nếu nhằm mục đích trang bị cho người học thêm hiểu biết về những vấn đề chuyên sâu phục vụ nhu cầu phát triển, phù hợp mỗi cá nhân. Đây là nhu cầu có thật và người dạy thêm đáp ứng nhu cầu đó là hoàn toàn chính đáng.

Tuy nhiên, việc học thêm dạy thêm tràn lan theo cách các thầy cô đang thực hiện hiện nay thì lại đem đến nguy cơ khiến cho nền giáo dục càng tụt hậu, người học mất hẳn tính tự học, độc lập sáng tạo, thụ động chờ đợi được làm hộ, chỉ sẵn, mớm thêm thay vì phải tự mình vận động, tư duy. “Việc dạy thêm học thêm tràn lan ở bậc phổ thông đang dẫn tới tình trạng HS mất hẳn tính độc lập, sáng tạo, là những yêu cầu rất cần thiết khi học lên đại học” - TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội chia sẻ.

Có một thực tế, việc giáo viên chạy theo cơ chế thị trường khi đeo đuổi dạy thêm khiến một số thầy cô vi phạm đạo đức nghề nghiệp khi ăn bớt kiến thức trên lớp, dùng thủ đoạn để ép buộc HS học thêm. Có thể nói không quá là việc học thêm trên lớp hiện nay chủ yếu là do phụ huynh HS chịu sức ép từ thầy cô.

Nhiều phụ huynh chỉ đánh trống ghi tên, đóng tiền nhưng không cho con đi học thêm ở trường vì không muốn con mất thời gian, công sức trong khi đã tầm sư học đạo bên ngoài. Dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học còn đem lại nhiều tác động xấu hơn nữa. Hiện có tình trạng thu nhập của giáo viên tiểu học cao hơn giáo viên THPT vì nhà nhà đều cho con đi học thêm.

Trong khi đó, lứa tuổi tiểu học lại là lứa tuổi tránh tạo áp lực học tập, cần khuyến khích HS tiểu học phát triển toàn diện như tăng cường hoạt động thể chất, kỹ năng, lối sống, hội họa, âm nhạc...

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, nhà trường phải mạnh dạn đấu tranh với tiêu cực, chịu trách nhiệm với các hoạt động trong và ngoài trường liên quan đến giáo viên, HS của mình. Những nơi xảy ra dạy thêm học thêm phải quy trách nhiệm cho hiệu trưởng. Ở đây cần loại bỏ những kiểu thoả hiệp cho giáo viên dạy thêm không đúng quy định bởi không thể chỉ quy là lương thấp mà cố tình tổ chức dạy thêm học thêm, nghề nào cũng đều có cái khó phải chấp nhận nếu đã lựa chọn. Còn việc giáo viên giỏi có thể tham gia dạy thêm tại các trung tâm theo dạy nhu cầu thực thì không ai cấm.

Và trong buổi làm việc với 5 địa phương mới đây của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội bày tỏ: “Quy định về dạy thêm học thêm chưa nêu rõ chế tài xử lý với giáo viên vi phạm nên đôi khi các địa phương rất lúng túng”.

Trước những băn khoăn này, ông Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Đây là vấn đề khó nhưng khó vẫn phải làm chứ không phải nêu ra rồi để đấy. Tại sao bản thân giáo viên kêu vất vả nhưng khi cấm dạy thêm thì lại cũng không đồng ý. Chủ trương dứt khoát là không tổ chức dạy thêm vào chương trình chính khóa. Dạy thêm học thêm trong trường chỉ nên áp dụng với học sinh yếu kém, bồi dưỡng HS giỏi theo nhu cầu; chứ không phải dùng chương trình bắt buộc nhưng chỉ dạy chính khóa 4 tiết rồi để lại 2 tiết để dạy thêm. Cán bộ quản lý cần tăng cường quản lý về đạo đức nghề nghiệp giáo viên. Giáo viên đưa thêm kiến thức khó vào đề thi, kiểm tra để học sinh buộc phải đi học. Đó là những điều không thể chấp nhận”.

Ông Nhạ cũng cho rằng, chủ trương cấm triệt để dạy thêm tràn lan là đúng nhưng phải nhìn thẳng vào thực tế là không thể cấm ngay một lúc được mà cần có lộ trình, giảm dần việc dạy thêm song song với việc đổi mới chương trình, cách thức thi cử và chế độ đãi ngộ với giáo viên.

TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục:

Không gây áp lực học thêm từ lớp 1-l2


Nếu chỉ nêu chỉ thị “cấm” là không đủ mà Bộ cần xây dựng cơ chế để tất cả cùng theo đó mà làm. Thứ nhất là phải làm rõ vai trò của người học, HS phải biết tự học, chỉ khi nào học yếu kém hay muốn bồi dưỡng bậc cao hơn. Phải phát huy tính tự chủ cho HS chứ không gây áp lực học thêm từ lớp 1 đến lớp 12. Bộ phải làm rõ, tuyên truyền để phụ huynh hiểu khi nào cần phải học thêm.

Cơ chế 2 là ý thức trách nhiệm của người dạy, không được giấu kiến thức để gò ép HS học thêm, phải làm sao để học sinh tự học, học sinh tự phát triển, khuyến khích sáng tạo chứ không phải GV cứ áp đặt, nhồi nhét kiến thức.

Cơ chế thứ 3 là cách tổ chức kiểm tra đánh giá phải phù hợp, không nặng về hàn lâm. Hiện nay đề thi cũng đã có những đổi mới mà ở đó học sinh kết nối và đưa ra nhận định, tôn trọng suy nghĩ, sáng tạo của HS chứ không phải chỉ chấm đủ ý là điểm cao. Thi cử và dạy học không được áp đặt mà phải giảm để HS tìm sự độc đáo sáng tạo.

Cơ chế thứ 4, trong nhà trường cũng phải dân chủ. HS được dân chủ không bị áp đặt bắt học thêm. Cần có bộ phận thanh tra độc lập xuống xử lý nhanh chóng. Quy trách nhiệm rõ từ giáo viên, đặc biệt Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm nếu giáo viên của mình vi phạm.

Tác giả bài viết: Nguyễn Mỹ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP