Giáo dục

Nhiều người đang hiểu sai về cách thi trắc nghiệm

Theo TS. Lê Viết Khuyến, đề thi trắc nghiệm không thể hiểu theo một cách khô cứng giống như “yes” hay “no” mà lâu nay nhiều người vẫn nghĩ.

Đừng hiểu thi trắc nghiệm chỉ là lựa chọn “có” hay “không”

Chia sẻ với phóng viên sau khi Bộ GD&ĐT công bố phương án thi quốc gia chính thức năm 2017, TS. Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết:

Phương án mà Bộ chốt xuất phát từ chủ trương học toàn diện, với các mục tiêu của giáo dục phổ thông là học toàn diện, từ học toàn diện nên phải thi tất cả chứ không phải thi một số môn để dẫn tới việc học lệch như hai năm vừa qua. Do đó, phải sửa như phương án mà Bộ vừa công bố.

Lúc này, dư luận băn khoăn rằng phải chờ 3 năm sau khi công bố hay triển khai ngay từ năm học tới? TS. Lê Viết Khuyến cho rằng, sai thì phải sửa ngay, nhưng sửa có lộ trình, và phương án thi năm 2017 là hợp lý.

Trước đó dư luận cũng cho rằng, việc thi trắc nghiệm môn Lịch sử sẽ xé nát môn học này, nhưng quan điểm của TS. Lê Viết Khuyến, mục đích của kỳ thi là làm nhẹ cho học sinh, và hơn nữa nếu các môn khác cũng đề nghị thi đơn môn thì thời gian sẽ kéo dài và gây mệt mỏi cho học sinh và phụ huynh.

Theo Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ có 5 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (tổ hợp Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học Xã hội (tổ hợp Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân). Thí sinh sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm, trừ môn Ngữ văn.

Đánh giá phương án này, TS. Lê Viết Khuyến cho rằng, đề thi trắc nghiệm không thể hiểu theo một cách “khô cứng” giống như “yes” hay “no”, lâu nay nhiều người vẫn nghĩ.

Bởi, kết quả thi trắc nghiệm dựa trên một phương pháp luận đề đo lường và đánh giá trong giáo dục. Đề thi được xây dựng dựa trên các câu hỏi, câu hỏi đã được thử nghiệm trên chính người học dựa trên độ khó, dễ; và sau đó mới cấu trúc thành đề.

Ngược lại, với đề thi tự luận lâu nay được làm theo kiểu dựa vào kinh nghiệm của người thầy, tập hợp thầy và tự nghĩ ra đề, người thầy cảm thấy đề phù hợp nhưng không được thử nghiệm trên người học, do đó phổ điểm năm thì lệch phải, năm thì lệch sang trái.

“Còn kỳ thi để chọn nhân tài (số ít) thì có thể phải thi tự luận, thậm chí phải thi cả vấn đáp. Ở những nước chọn vào các trường top cao thì có hai vòng, vòng thi viết và vấn đáp. Nhưng không phải các trường đều như thế” TS. Khuyến lưu ý.

Môn Văn cũng có thể thi trắc nghiệm

Nhìn nhận về phương án thi này, GS. TSKH Lâm Quang Thiệp – Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng:

“Tôi ủng hộ phương án này. Phương án này chính là phương án mà Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đã đề nghị trước đó.

Hiệp hội cũng đề nghị môn Ngữ văn trắc nghiệm, trong đó dành ra 1 câu tự luận khoảng 30 phút, hạn chế số từ để đo năng lực khác của học sinh như kiến thức văn học, kiến thức ngôn ngữ, tiếng việt…, đối với môn Toán cũng vậy”.

GS. TSKH Lâm Quang Thiệp (Ảnh: Thùy Linh)


GS. Lâm Quang Thiệp cũng cho biết thêm, với hình thức thi trắc nghiệm như phương án của Bộ thì đề thi đã được thiết kế ngay từ đầu để có được nội dung từng ý, từng ý lại xen lẫn nội dung cần diễn đạt để đo từng năng lực của học sinh.

Trước đó, Hội Toán học có kiến nghị không nên thi trắc nghiệm môn Toán, GS. Lâm Quang Thiệp nhắc lại rằng, hội có thể chưa hiểu được mục tiêu của kỳ thi. Theo đó, mục tiêu của kỳ thi THPT Quốc gia 2017 không phải để chọn ra người tài, mà mục tiêu chỉ là sàng lọc sơ bộ (số người có thể học được đại học và chưa học được).

GS. TSKH Lâm Quang Thiệp minh chứng thêm đối với các kỳ thi ở nước ngoài chủ yếu được thiết kế dưới dạng trắc nghiệm và kỳ thi SAT của Mỹ đối với môn Toán cũng là thi trắc nghiệm và tất cả các trường đại học của Mỹ đều sử dụng kết quả đó để tuyển sinh.

Với những ưu thế của việc thi trắc nghiệm, GS. Lâm Quang Thiệp nhấn mạnh vào tính chính xác của việc chấm thi.

Tác giả bài viết: Thùy Linh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP