Hội đồng định giá và Công an quận Đồ Sơn tiến hành định giá tài sản bị huỷ hoại. |
Thửa đất 83 có phải đất công ích?
Như PLVN đã phản ánh, ngày 12/8/1989, cụ Hoàng Đăng Cử (bố bà Nguyệt) có đơn xin bao thầu bãi đất hoang và con mương bỏ hóa khoảng 5 mẫu Bắc bộ tại TDP Bàng Đông (phường Bàng La), được ông Nguyễn Đắc Trụ - Chủ tịch UBND xã Bàng La ký duyệt. Sau đó, cụ Cử chia cho một số người trong tổ nuôi trồng thủy sản (NTTS) cùng sử dụng, còn cụ Cử sử dụng một phần nay là thửa đất số 83 tờ bản đồ số 15 thuộc TDP Bàng Đông. Năm 2013, cụ Cử để lại diện tích này cho bà Nguyệt quản lý, sử dụng.
Tháng 5/2016, bà Tô Thị Hân (TDP Bàng Thượng, phường Bàng La) dựa vào Hợp đồng thuê đất NTTS do ông Bùi Hữu Nuôi - nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Bàng La ký năm 1998 để gây ra tranh chấp với bà Nguyệt. Sau đó, ông Cao Văn Bé, nguyên Chủ tịch UBND phường Bàng La thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai giữa bà Hân và bà Nguyệt. Sau hơn 18 tháng hòa giải không thành, Chủ tịch UBND phường Bàng La lại tiến hành xử phạt hành chính đối với bà Nguyệt về hành vi chiếm đất công ích.
Luật sư Trần Hồng Lĩnh, Văn phòng luật sư Lĩnh Chí Thắng, Đoàn Luật sư Hải Phòng cho rằng: Chủ tịch UBND phường Bàng La xử phạt hành chính bà Nguyệt về hành vi chiếm đất công ích (thửa đất số 83 tờ bản đồ số 15 TDP Bàng Đông) là không có căn cứ, bởi vì thửa đất này không phải là đất công ích.
Người khởi kiện và người bị kiện tại phiên toà sơ thẩm. |
Theo Điều 132 Luật đất đai 2013 quy định: Mỗi xã, phường được lập quỹ đất công ích không quá 5% diện tích đất nông nghiệp và phải được UBND phường “quản lý, sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.”
Tuy nhiên, tại Tòa, lãnh đạo phường Bàng La cho rằng: theo bản đồ giải thửa và sổ mục kê của UBND xã Bàng La năm 1990 thì toàn bộ diện tích trên là mương. Theo bản đồ đất nông nghiệp năm 1996 có ký duyệt của Sở địa chính) xác định thửa đất trên là thửa số 69 và 47, là đất công ích do địa phương quản lý.
Tuy nhiên, ngày 29/7/2017, Thanh tra quận Đồ Sơn đã có Kết luận số 04/KL-TTQ ghi rõ: bản đồ giải thửa và sổ mục kê của UBND xã Bàng La năm 1990 chưa được cơ quan có thẩm quyền ký duyệt. Trong khi đó, Bản đồ địa chính lập năm 2013 do Xí nghiệp Trắc địa 203 đo vẽ đã được Cục đo đạc và bản đồ Việt Nam – Bộ TN&MT ký duyệt kiểm tra tháng 6/2013; Sở TN&MT ký duyệt ngày 12/11/2013 là một trong hệ thống tài liệu phục vụ cho cập nhật, chỉnh lý đất đai trên địa bàn. Sổ mục kê gồm 02 quyển đã được Xí nghiệp Trắc địa bản đồ 203 ký ngày 18/6/2013, UBND phường ký ngày 20/6/2013.
Từ những viện dẫn nêu trên Luật sư Lĩnh đã quả quyết: “Theo Bản đồ địa chính lập năm 2013: Thửa đất số 83 tại TDP Bàng Đông đứng tên bà Hoàng Thị Nguyệt đã được các cấp có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương ký duyệt hợp pháp, đến nay vẫn còn hiệu lực pháp luật. Do đó, thửa đất 83 không thể là đất công ích”.
Khu đất Nuôi trồng thủy sản đang tranh chấp. |
Hợp đồng “ba không” chỉ để vay vốn
Được biết, bản hợp đồng mà ông Bùi Hữu Nuôi, nguyên Phó Chủ tịch xã Bàng La ký cho bà Hân thuê đất NTTS từ năm 1998 đến năm 2018 là bản hợp đồng “ba không”: không ghi số, ngày tháng năm ký, không vào sổ sách theo dõi, không có bản lưu tại UBND phường. Trong hợp đồng có ghi diện tích đất được thuê: chiều dài 150m, chiều rộng 30m, diện tích 4.500m2 nhưng thực tế TDP Bàng Đông, cũng như bản đồ địa chính của Phường không có thửa đất nào có kích thước như vậy.
Trao đổi với PLVN, ông Bùi Hữu Nuôi, người đã ký hợp đồng với bà Hân xác nhận: “Việc tôi ký hợp đồng cho bà Hân thuê đất chỉ là hình thức, thủ tục để vay vốn làm kinh tế, chứ không có việc giao đất cho bà Hân. Còn cụ Cử là bố đẻ bà Nguyệt đã kê khai cho bà Nguyệt thửa đất số 83, tờ bản đồ số 15 diện tích 3.669,6 m2 tại TDP Bàng Đông, đã ghi tên trên bản đồ và sổ mục kê là đúng, hiện tại thửa đất này nằm trong khu dân cư TDP Bàng Đông”.
Không chỉ ông Nuôi, ông Nguyễn Đắc Trụ, nguyên Chủ tịch xã và ông Nguyễn Khắc Cập, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Bàng La thời kỳ đó cũng xác nhận: “Tuyến mương trước kia để hoang hóa, ông Hoàng Đăng Cử đã khai thác thủy sản. Tới năm 1989, Sở Thủy sản Hải Phòng kết hợp nuôi thí điểm tôm sú. Kết thúc vụ tôm, chúng tôi đã giao cho ông Hoàng Đăng Cử quản lý, tiếp tục nuôi trồng thủy sản”.
Trái với quan điểm của của các lãnh đạo xã Bàng La thời kỳ đó, trái với Kết luận của Thanh tra quận Đồ Sơn, hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm ở Hải Phòng lại cho rằng Sổ mục kê được lập năm 2013 ghi tên bà Nguyệt là chủ sử dụng đối với thửa đất số 83 nói trên chỉ là sổ mục kê tạm thời, không phải hồ sơ địa chính!
Ông Bùi Hữu Nuôi thừa nhận ký hợp đồng cho bà Hân thuê đất chỉ là hình thức. |
Luật sư Trần Hồng Lĩnh cho rằng: Tòa án còn căn cứ vào việc bà Hân cung cấp được bản Hợp đồng thuê đất có dấu đỏ, bà Nguyệt không cung cấp được Đơn xin bao thầu của cụ Cử có dấu đỏ để chứng minh về hoạt động quản lý và sử dụng thửa đất số 83 là không đầy đủ. Bởi chính bản tự khai của bà Tô Thị Hân (người tranh chấp với bà Nguyệt) cũng thừa nhận: “Thừa đất số 83, tờ bản đồ số 15 Bàng Đông trước năm 1990 thuộc khu đất mương hoang hỏa do cụ Hoàng Đăng Cử nuôi trồng thủy sản, sau đó cụ Cử chia cho mỗi người một phần đất này.”
Ngày 21/4/2021 bà Hoàng Thị Nguyệt có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án số 01/2021/HC-PT ngày 21/01/2021 của TAND TP Hải Phòng và bản án số 01/2020/HC-ST ngày 15/9/2020 của TAND quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng.
Ngày 04/10/2021 VKSND cấp cao tại Hà Nội có Thông báo số 31/TB-VC1-HC về việc không kháng nghị giám đốc thẩm. Ngày 19/10/2021 bà Hoàng Thị Nguyệt có đơn đề nghị TAND tối cao, VKSND tối cao xem xét hủy Thông báo số 31 của VKSND cấp cao tại Hà Nội và xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.
Tác giả: Nhóm PV
Nguồn tin: phapluatplus.vn