Thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ việc tiền gửi ở sổ tiết kiệm, tiền để trong thẻ ATM của người dân bỗng dưng "không cánh mà bay" đã gây nên nhiều lo lắng cho người gửi tiền.
Đề cập tới vấn đề này, TS.Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng cho hay: "Trong thời gian quan có nhiều thông tin xấu về bảo mật. Phải đặt câu hỏi về hệ thống bảo mật của ngân hàng đang thế nào? Xấu đi hay tốt hơn?".
Dù không đưa ra câu trả lời cho những nghi vấn của mình nhưng ông Hiếu nói: "Tôi vẫn xác định việc gửi tiền ngân hàng vẫn là an toàn nhất. Bởi ngay việc để tiền ở két sắt trong nhà cũng có nhiều nguy cơ mất an toàn cao hơn việc gửi tiền ở các ngân hàng - nơi có hệ thống bảo vệ, bảo mật, kiểm soát, hệ thống hạch toán, những két sắt lớn và an toàn để bảo vệ tài sản tốt hơn ở nhà".
Đánh giá về vấn đề an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán của ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh nhiều vụ tiền không cánh mà bay, TS.Nguyễn Trí Hiếu khẳng định gửi tiền ngân hàng vẫn là an toàn nhất. |
Đánh giá về vấn đề an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán của ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh nhiều vụ tiền "không cánh mà bay", TS.Nguyễn Trí Hiếu khẳng định "gửi tiền ngân hàng vẫn là an toàn nhất".
Ông Hiếu cho rằng, có 2 lý do chính làm thiệt hại cho khách hàng: nguyên nhân về kỹ thuật và nguyên nhân từ con người.
Nguyên nhân về kỹ thuật có thể do các “tường lửa” chưa đảm bảo, hạ tầng công nghệ (phần cứng, phần mềm) chưa được cập nhật… Còn nguyên nhân từ con người thì có thể do khách hàng không tuân thủ các yêu cầu bảo mật của ngân hàng, hoặc do cán bộ ngân hàng cấu kết với tội phạm để chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Và theo ông Hiếu, "nguyên nhân về con người đang chiếm phần lớn hơn nguyên nhân về công nghệ. Nhưng nguyên nhân từ con người dễ điều chỉnh hơn nguyên nhân từ công nghệ, vì nguyên nhân công nghệ đòi hỏi đầu tư rất lớn".
Ông Hiếu cho rằng, các ngân hàng của Mỹ không dám đầu tư nhiều vào hạ tầng công nghệ còn các ngân hàng của Việt Nam thì lại đầu tư hạ tầng công nghệ rất lớn.
Trong các vụ việc vừa qua có những sai phạm do cán bộ ngân hàng cấu kết với tội phạm để chiếm đoạt tài sản của khách hàng, điều này cho thấy việc kiểm soát đạo đức nghề nghiệp của ngân hàng còn nhiều thiếu sót. Sau những vụ việc này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra những khuyến cáo các ngân hàng rà soát bảo mật, quy trình…
Nhưng theo đánh giá của ông Hiếu là chưa đủ. Do đó, vị chuyên gia này đề xuất NHNN phải ra quy chế không cho cán bộ ngân hàng đến nhà làm giao dịch tiền mặt, việc phục vụ hồ sơ khác thì được. Ở Việt Nam cho phép như vậy tạo ra rủi ro cả về kỹ thuật và con người. Ở Mỹ việc này không được phép. Ngay các hãng bảo hiểm cũng không nhận bảo hiểm việc này vì rủi ro rất lớn trên đường vận chuyển và các hoạt động khác phát sinh từ con người trong quá trình giao dịch ngoài hệ thống.
Trước đó, đề cập tới bảo mật tiền gửi qua thẻ ATM, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định: "Rủi ro thẻ của Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với khu vực".
"Đối với Việt Nam cũng như các nước, mức độ rủi ro trong sử dụng thẻ đều có. Tháng 9/2016, theo số liệu thống kê của Tổ chức thẻ quốc tế như Visa và Mastercard, mức độ rủi ro của thẻ tại Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với mức trung bình các nước và trên thế giới", bà Hồng cho biết.