Nhu cầu du lịch lễ hội tăng đột biến, nhiều dịch vụ khan hiếm

Lợi Trần
Ngay sau Tết Nguyên đán là thời điểm bắt đầu mùa lễ hội hằng năm, nhu cầu du lịch lễ hội của người dân tăng cao.
Đông đảo du khách trẩy hội đền Thượng (Lào Cai) trong ngày khai hội. (Ảnh: Lục Hương Thu/TTXVN)

Theo đánh giá của các hãng lữ hành Hà Nội, năm 2016, với điều kiện kinh tế đang dần được cải thiện, nhu cầu du lịch lễ hội của người dân Thủ đô tăng đột biến dẫn đến nhiều loại dịch vụ khan hiếm, nhất là dịch vụ vận chuyển.

Hà Nội có trên 5.800 di tích và hơn 1.000 lễ hội lớn nhỏ, trong đó nhiều di tích, lễ hội có sức hút đặc biệt với du khách gần xa như: Lễ hội chùa Hương, lễ hội gò Đống Đa, lễ hội Gióng đền Sóc Sơn và đền Phù Đổng, lễ hội Cổ Loa hay các di tích: Phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc, tứ trấn Thăng Long (gồm đền Quán Thánh, đền Voi Phục, đền Kim Liên, đền Bạch Mã), đền Thượng, đền Và.

Ngoài ra, nhiều điểm tâm linh và lễ hội khác ở các tỉnh lân cận cũng là điểm đến của người dân Hà Nội trong những ngày đầu năm như: Đền Bảo Hà (Lào Cai), Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), đền Trần (Nam Định), lễ hội Yên Tử và lễ hội Ngọa Vân (Quảng Ninh), lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình).

Thông thường, khách đi du lịch lễ hội thường có hai hình thức, tự tổ chức đi hoặc đặt tour qua các công ty du lịch. Các đoàn khách tự tổ chức đi thường chủ động đặt ôtô tại các công ty vận chuyển hoặc nhờ các công ty du lịch hỗ trợ đặt xe. Mọi điều kiện về ăn trưa, lưu trú các đoàn này đều tự túc. Đối với những đoàn mua tour qua các công ty du lịch, mọi dịch vụ được các đơn vị này lo trọn gói.

Tuy nhiên, theo các công ty lữ hành, lượng khách đặt tour trọn gói cũng như đặt dịch vụ vận chuyển qua công ty đều tăng cao.

Ông Hà Minh Phong, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn lữ hành và dịch vụ quốc tế Ánh Dương (Anhduongtour), cho biết mỗi tuần công ty cung cấp dịch vụ từ 5-6 đoàn đi du lịch lễ hội trong đó khoảng 2 đoàn phục vụ tour trọn gói, còn lại là cung cấp dịch vụ vận chuyển. Các đoàn chủ yếu khởi hành vào ngày nghỉ cuối tuần.

Theo ông Nguyễn Hồng Đài, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Du lịch châu Á Thái Bình Dương (APT Travel), lượng khách đặt tour qua công ty dịp đầu năm nay chủ yếu đi du lịch lễ hội, với mức tăng tới 25% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, điểm đến Sa Pa-Lào Cai được nhiều du khách lựa chọn do tại đây mới khai trương tuyến cáp treo lên đỉnh Fansipan.

Ngoài ra, các điểm tâm linh như chùa Bái Đính cũng thường xuyên quá tải khách. Năm nay, ngoài những điểm lễ hội, điểm tâm linh truyền thống, du khách cũng chuyển sang nhiều điểm tâm linh khác như đền Thượng (huyện Ba Vì), đền Trần (Nam Định).

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet tại Hà Nội, cho biết trong dịp đầu năm nay, công ty tổ chức cho 20 đoàn khách tham quan, đa phần đi du lịch lễ hội với lượng khách khoảng 1.000 người. Năm nào lượng khách du lịch lễ hội cũng tăng cao trong ngày đầu năm nhưng năm nay thời tiết tốt nên lượng khách càng tăng cao hơn.

Cũng do lượng khách du lịch lễ hội năm nay tăng đột biến, nhiều dịch vụ du lịch, đặc biệt là dịch vụ vận chuyển trở nên khan hiếm.

Đại diện các hãng lữ hành đều khẳng định dịch vụ thuê ôtô hiện đang trong tình trạng căng thẳng, nhất là trong tháng Giêng này.

Các công ty du lịch thường đặt dịch vụ vận chuyển trước nhiều tháng và được các công ty vận chuyển ưu tiên nhưng vào những dịp cao điểm, khi khách tăng cao thì việc đặt xe cũng trở nên khó khăn.

Theo đại diện các hãng lữ hàng, do khan hiếm xe vận chuyển nên giá xe tăng cao hơn so với ngày thường, thậm chí tăng theo ngày. Ví dụ, giá thuê xe đi chùa Ba Vàng-Côn Sơn nếu ngày thường chỉ khoảng 4,5 triệu/ngày thì dịp này tăng lên từ 5,5-6 triệu đồng. Ngoài ra, tại các điểm du lịch, do lượng khách tăng cao nên dịch vụ lưu trú, ăn uống cũng trở nên căng thẳng, giá đắt đỏ./.

Tác giả bài viết: Đinh Thị Thuận