Những điểm mới cần lưu ý trong tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội

Admin
Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, học sinh được đăng ký nhập học trực tuyến và chỉ có 6 ngày để thay đổi nguyện vọng trên hệ thống.

Sở GD&ĐT Hà Nội mới đây đã tổ chức hội nghị hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 - 2020. Trong đó, kỳ thi sẽ có nhiều đổi mới trong cách thức đăng ký và nội dung thi.

Hình thức đăng ký nhập học trực tuyến

Sau khi có kết quả thi, học sinh muốn được học theo nguyện vọng nào phải thực hiện thao tác xác nhận nhập học bằng hai hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Với hình thức trực tuyến, học sinh phải đăng nhập tài khoản sổ liên lạc điện tử, chọn tên trường trúng tuyển, chọn xác nhận nhập học. Lưu ý, học sinh chỉ có quyền thay đổi nguyện vọng trong vòng 6 ngày (từ 20/6 đến 26/6). Sau thời gian đó, tài khoản của học sinh sẽ được hệ thống tự động khóa, học sinh không thể thay đổi nguyện vọng trúng tuyển.

Bên cạnh đó, Sở cũng duy trì hình thức đăng ký nhập học trực tiếp. Như mọi năm, thí sinh nộp bản sao phiếu kết quả tuyển sinh tại trường có nguyện vọng trúng tuyển. Học sinh trúng tuyển trường nào phải học hết 3 năm THPT ở trường đó, trường hợp đặc biệt có nguyện vọng thay đổi phải được sự đồng ý của Giám đốc Sở GD&ĐT.

Bên cạnh đó, học sinh đăng ký dự thi vào các trường THPT công lập phải có bố hoặc mẹ có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội. Học sinh dự tuyển vào các trường THPT công lập tự chủ tài chính, trường ngoài công lập thì bố mẹ chỉ cần có hộ khẩu tạm trú Hà Nội có thể đăng ký dự thi.

 Học sinh và phụ huynh cần lưu ý những điểm mới trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. (Ảnh: Tiền Phong) 

Thi 4 môn bắt buộc

Kỳ thi năm nay thí sinh sẽ phải làm 4 môn gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử trong hai ngày 2 và 3/6.

Theo đó, Ngữ văn và Toán sẽ thi theo hình thức tự luận. Lịch sử thi theo hình thức trắc nghiệm. Riêng Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm kết hợp tự luận.

Tất cả học sinh đều phải đăng ký và dự thi Ngoại ngữ, trừ số học sinh hưởng chế độ tuyển thẳng. Học sinh có thể đăng ký ngoại ngữ bất kỳ trong số: Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Đức, không bắt buộc phải là môn ngoại ngữ đang theo học ở bậc THCS.

Các trường THPT dạy ngoại ngữ nối tiếp chương trình THCS do đó, khi đăng ký học sinh phải chọn trường có môn ngoại ngữ đã học đủ 4 năm ở bậc THCS. Còn học sinh học tiếng Pháp song ngữ và ngoại ngữ 2 là tiếng Anh ở bậc THCS sẽ được đăng ký tiếng Pháp song ngữ hoặc tiếng Anh ở bậc THPT.

Số lượng tuyển sinh vào trường chuyên

Năm học này, Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam tuyển 12 lớp chuyên, THPT chuyên Nguyễn Huệ tuyển 11 lớp chuyên, THPT Chu Văn An tuyển 10 lớp chuyên và THPT Sơn Tây tuyển 9 lớp chuyên.

Về học lực, học sinh đăng ký dự thi các trường chuyên phải có học lực các năm học khá trở lên, xếp loại tốt nghiệp THCS khá trở lên. Học sinh không được đổi nguyện vọng môn chuyên đã đăng ký, do đó phải xem xét năng lực để đăng ký môn thi phù hợp. Học sinh được chọn tối đa 2 trong 4 trường chuyên để dự thi.

Để đăng ký tuyển sinh vào THPT Chu Văn An, học sinh từ Thanh Hóa trở ra phải có học lực giỏi, hạnh kiểm tốt, đoạt giải chính thức trong kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh mới được dự thi.

Thí sinh phải dự 4 bài gồm: Văn, Toán, Ngoại ngữ và môn chuyên. Riêng Ngoại ngữ, học sinh thi theo hình thức trắc nghiệm kết hợp tự luận đánh giá cả 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết.

Bên cạnh đó, chương trình đào tạo song bằng tú tài tại trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam và THPT Chu Văn An cũng thông báo tuyển sinh 2 lớp, mỗi lớp 50 học sinh. Học sinh tốt nghiệp THCS, đủ điều kiện đăng ký dự tuyển vào lớp 10 các trường công lập đều có thể đăng ký dự thi.

Lưu ý thêm, chương trình yêu cầu học sinh có điểm trung bình cả năm lớp 9 các môn Toán, Vật lý, Hóa học từ 8 điểm trở lên, điểm trung bình cả năm lớp 9 môn Tiếng Anh đạt 8,5 trở lên, điểm trung bình cả năm lớp 9 môn Ngữ văn đạt từ 6,5 trở lên.