Những nét đặc sắc ở Ma-rốc, đất nước vừa lần đầu tiên lọt vào Bán kết World Cup

Admin
Với cộng đồng đa số là người Berber và người Ả Rập, người Ma-rốc có sự đa dạng văn hoá rất lớn, đặc biệt là các nghi thức, lễ kỷ niệm và phong tục truyền thống.

Vì hầu hết người Ma-rốc theo đạo Hồi, nên Ma-rốc sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ các phong tục Hồi giáo. Tuy nhiên, có một số điểm đặc biệt mà bạn sẽ không thể tìm được ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

Trang phục: Djellaba bziwiya và takchita

Djellaba là một loại trang phục có thiết kế dài, rộng rãi, tay áo dài và phần mũ trùm đầu nhọn, thường được mặc bởi cả nam giới và nữ giới của quốc gia này. Loại quần áo truyền thống này bắt nguồn từ người Berber, do đó có thể được tìm thấy ở một số vùng đất Bắc Phi khác như Algeria và Tunisia.

 Djellaba bziwiya và takchita là hai loại trang phục truyền thống chỉ có ở Ma-rốc

Trong khi đó, djellaba bziwiya lại có nguồn gốc từ thị trấn Bzou của Ma-rốc và là trang phục độc nhất của nước này. Thiết kế loại áo này thường có phần vải mỏng hơn nhiều so với những chiếc Djellaba thông thường và phải mất cả tháng để có thể làm ra một chiếc áo như vậy.

Có thiết kế rộng rãi tương tự như kaftan, takchita là một loại trang phục dài và rộng dành cho nữ giới, thường được mặc trong các lễ kỷ niệm và sự kiện đặc biệt. Nó được làm từ hai mảnh, gồm một chiếc váy dài bên trong và một áo choàng bên ngoài, được trang trí lộng lẫy bằng hạt cườm, sequin và các chi tiết thêu tỉ mỉ khác.

Âm nhạc: Malhun

 Những người biểu diễn nhạc truyền thống alhun

Malhun là thể loại âm nhạc được tạo ra từ các nghệ nhân sống ở phía nam của đất nước Ma-rốc. Chịu ảnh hưởng từ phong cách âm nhạc của vùng Andalucia, malhun là một thể loại thơ hát, với phần lời thường liên quan tới các vấn đề nổi trội về xã hội và văn hoá.

Ẩm thực: Tanjia và couscous

Tanjia là một món ăn truyền thống có nguồn gốc từ thành phố Marrakesh. Tên của món ăn này được đặt theo tên của loại nồi đá dùng để nấu nó. Thành phần món ăn bao gồm nhiều loại gia vị, dầu và chanh muối được nêm nếm vào các miếng thịt (thường là thịt cừu) trước khi được ninh chậm trên bếp than hồng.

 Món ăn tanjia được nấu trong loại nồi độc đáo

Theo truyền thống, đây là món ăn quen thuộc của những người đàn ông làm việc tại khu chợ. Họ sẽ chuẩn bị món tanjia này cho ngày thứ Sáu và mang nó đến công viên để thưởng thức cùng bạn bè trong chuyến dã ngoại.

Bên cạnh đó, người dân Ma-rốc còn có một món ăn truyền thống được thưởng thức vào các ngày thứ Sáu, gọi là couscous. Trên thực tế, couscous là một loại hạt có nguồn gốc từ Bắc Phi, và thường được thưởng thức kèm theo nhiều món khác.

 Couscous 7 loại rau là món ăn truyền thống vào mỗi thứ Sáu trong tuần

Đặc biệt, món couscous ăn với 7 loại rau là món ăn tiêu chuẩn trong các ngày lễ thánh của người Hồi giáo. Nguyên nhân nó được ăn vào thứ Sáu là vì theo tiếng Ả Rập, thứ Sáu có nghĩa là “tập thể", là một ngày linh thiêng mà các tín đồ sẽ tập trung tại nhà thờ. 

Trong lịch sử, sau buổi cầu nguyện mọi người sẽ tập trung lại để cùng thưởng thức món ăn. Couscous thường được ăn theo nhóm, chẳng hạn như trong một gia đình mọi thành viên sẽ cùng ngồi xuống để chia sẻ món ăn từ một chiếc đĩa lớn.

Hoa văn khảm gạch Zellige

Zellige là tên được đặt cho những công trình khảm gạch công phu và rực rỡ, có thể được tìm thấy trong nhiều toà nhà trên toàn Ma-rốc. Nghề thủ công này bắt nguồn từ thành phố Fez và vẫn tiếp tục được các nghệ nhân thực hiện cho tới ngày nay. 

 Zellige là loại nghệ thuật khảm gạch thủ công

Những mảnh gạch nhỏ đầy màu sắc sẽ được tạo hình bằng tay, sau đó đặt vào tấm thạch cao trắng để tạo nên những thiết kế xinh đẹp. Và để phù hợp với các nguyên tắc Hồi giáo, các thiết kế này thường sẽ có dạng hình học hoặc có hoa văn tựa như một bông hoa.

Lễ hội Moulay Idriss

Idriss I là người đã thành lập triều đại Idrisid ở Ma-rốc và trở thành người Ả Rập đầu tiên cai trị khu vực này. Ông còn có ý nghĩa quan trọng trong việc truyền bá Hồi giáo vào khu vực, là hậu duệ trực tiếp của Nhà tiên tri Muhammad (người sáng lập đạo Hồi).

Sau khi ông qua đời, con trai của ông là Idriss II tiếp tục kế vị cha, thành lập thành phố Fez và mở rộng vương quốc. Hàng năm, lễ hội Moussem of Moulay Idriss II sẽ được tổ chức ở Fez và các khu vực xung quanh để vinh danh nhà lãnh đạo này, thu hút nhiều du khách từ phương xa đến để chiêm ngưỡng.

 Mọi người diễu hành mừng lễ hội Moussem of Moulay Idriss II

Các hoạt động vào ngày này gồm có lễ diễu hành, ca hát, nhảy múa và biểu diễn nhạc cụ truyền thống. Những người diễu hành sẽ đi bộ hoặc cưỡi lừa, đeo trên lưng tấm vải rực rỡ màu sắc. Đặc biệt, vì được tính theo lịch Hồi giáo mà ngày lễ hội sẽ có sự thay đổi từ năm nay sang năm khác.

Phong tục amariya tại đám cưới

Ở Ma-rốc có hai loại hình đám cưới truyền thống khác nhau, một là của người Berber và loại còn lại thuộc về người Ả Rập. Trong đó, có một phong tục mà chỉ ở những đám cưới của người Ả Rập tại Ma-rốc mới có, đó là cô dâu và chú rể sẽ cùng diễu hành quanh phòng trên amariya, một loại ghế lớn có 4 người khiêng. 

 Cô dâu sẽ ngồi trên chiếc ghế 4 người khiêng để chào hỏi các vị khách

Theo truyền thống, cặp đôi sẽ được khiêng đi quanh phòng để chào đón tất cả các vị khách và những người khách lúc này sẽ gửi lời chúc phúc về tương lai dành cho đôi vợ chồng mới.

Ngôn ngữ Darija

Tiếng Ả Rập và tiếng Amazigh là hai ngôn ngữ được sử dụng phổ biến nhất tại Ma-rốc, trong đó, tiếng Ả Rập tiêu chuẩn là ngôn ngữ chính thức của đất nước. 

Mặc dù vậy, loại tiếng được nhiều người sử dụng nhất ở đất nước này là Dajira, một dạng phương ngữ của tiếng Ả Rập. Dù có điểm tương tự với tiếng Ả Rập được sử dụng ở hai quốc gia gần đó là Algeria và Tunisia, nhưng ngôn ngữ Ma-rốc lại có một số đặc thù nhất định.

Thật vậy, một số nhà ngôn ngữ học còn xem Dajira là một ngôn ngữ độc lập. Loại tiếng nói này đến từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm tiếng Ả Rập cổ, ngôn ngữ Berber, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Tây Ban Nha và Ý. Những ảnh hưởng của tiếng Pháp và Tây Ban Nha trong thời kỳ thuộc địa đã tạo nên dấu ấn đối với ngôn ngữ địa phương, và chẳng có gì lạ khi chúng ta có thể nghe thấy một số từ ngữ Châu Âu nằm trong câu nói hằng ngày của người dân Ma-rốc.

Nguồn: The Culture Trip

Tác giả: Sông Thương

Nguồn tin: Báo Phụ nữ Việt Nam