Những sai lầm thường gặp khi dùng thuốc điều trị viêm xoang

Admin
PGS. TS Nguyễn Hoàng Sơn cho biết, nhiều người dùng thuốc tùy ý, không tuân thủ liệu trình điều trị... khiến bệnh khó khỏi.

PGS. TS, bác sĩ Nguyễn Hoàng Sơn - Chủ tịch Hội Tai mũi họng Hà Nội và các Tỉnh Phía Bắc chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về việc dùng thuốc điều trị viêm xoang.

- Nhiều bệnh nhân viêm xoang ngại đi khám, nên thường tự mua thuốc theo ý mình về uống, xịt. Bác sĩ nghĩ sao về thói quen này?

- Hiện vẫn có nhiều người chủ quan khi cho rằng viêm mũi, viêm xoang là bệnh vặt, không đáng lo ngại. Song cũng nhiều người bệnh khổ sở chữa viêm xoang đủ cách, uống đủ loại thuốc vẫn không khỏi, thậm chí trở nặng hơn. Nguyên nhân chính là do người bệnh chưa biết khi nào cần dùng kháng sinh, dùng thuốc corticoid hoặc do thói quen thuốc xịt co mạch tại chỗ dài ngày...

Nguyên tắc điều trị viêm xoang quan trọng nhất là phải dẫn lưu được dịch mủ trong các hốc xoang ra ngoài. Sau đó tái tạo, phục hồi lại chức năng của các lông chuyển tại niêm mạc xoang. Vội vàng mua thuốc Tây theo kinh nghiệm bản thân tiềm ẩn các tác dụng phụ nguy hiểm.

 Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Sơn - Chủ tịch Hội Tai mũi họng Hà Nội.

- Những sai lầm dùng thuốc nào mà bệnh nhân thường gặp nhất?

- Khi viêm xoang mạn tính, nhiều bệnh nhân dùng kháng sinh vô tội vạ, dài ngày, liều cao, dù không có yếu tố nhiễm khuẫn. Điều này làm cho lợi khuẩn trong cơ thể bị tiêu diệt, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh kháng thuốc. Trên thực tế, điều trị bằng kháng sinh không có nhiều ý nghĩa trong viêm xoang mạn tính.

Khi nghẹt mũi, không ít bệnh nhân vội vàng dùng các nhóm thuốc xịt co mạch tại chỗ chứa xylometazolin để giảm nhanh triệu chứng. Tuy nhiên, nếu dùng kéo dài trên 7 ngày mỗi đợt và lặp lại liên tục trong thời gian dài, mạch máu tại niêm mạc mũi xoang ngày càng giãn, dần mất chứng năng sinh lý tự nhiên, lâu dần dẫn đến xung huyết hoặc bội nhiễm niêm mạc.

- Bệnh nhân thường coi nhóm thuốc kháng histamin là “cứu cánh” trị bệnh viêm xoang. Bác sĩ nhận định sao về điều này?

- Khi cơ thể dị ứng, các tác nhân gây dị ứng sẽ tác động lên phức hợp protein và giải phóng ra histamin, gây phát ban, đỏ da, phù nề, khó thở, ngứa, ho… Với viêm xoang, histamin sẽ gây hắt hơi, số mũi… Khi đó, sử dụng thuốc kháng histamin giúp điều trị triệu chứng.

Nhóm thuốc kháng histamin chỉ có tác dụng với người bệnh viêm xoang có cơ địa dị ứng (dễ hắt hơi, sổ mũi khi tiếp xúc với môi trường bụi bẩn, phấn hoa, lông chó mèo…). Tuy nhiên, thuốc không điều trị được nguyên nhân, nên không chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Nếu lạm dụng dài ngày, nhóm thuốc histamin còn gây tác dụng phụ như tăng huyết áp, ức chế hệ thần kinh trung ương, bệnh nhân chậm chạp, lơ mơ…

- Nếu dùng đúng thuốc viêm xoang, nhưng không tuân thủ phác đồ điều trị, hậu quả sẽ thế nào?

- Nhóm kháng sinh thường dùng 5-7 ngày hoặc theo chỉ định của bác sĩ, song 2-3 ngày thấy dứt bệnh, nhiều người tạm dừng, không dùng hết liều. Với thuốc thảo dược trị viêm xoang phải uống 2-3 tháng, thậm chí 6 tháng để trị bệnh tận gốc, ngăn ngừa tái phát, thì người bệnh chỉ uống được vài tuần.

Việc tuân thủ liệu trình giúp lượng thuốc duy trì ổn định được nồng độ tối thiểu trong huyết tương, đảm bảo hiệu quả chữa bệnh. Nếu nồng độ thuốc trong máu dưới ngưỡng có tác dụng, do sử dụng chưa đủ liều hoặc chưa đủ thời gian, sẽ khiến bệnh không được điều trị triệt để, dễ tái phát trở lại.

Đặc biệt là với nhóm thuốc thảo dược, cần kiên trì dùng 2-3 tháng để đào thải hết dịch mủ ra ngoài, phục hồi lại chức năng dẫn lưu không khí bình thường của xoang mũi. Tránh dùng thực phẩm chức năng thay thế thuốc chữa bệnh, chưa có nghiên cứu lâm sàng hoặc đánh giá của cơ quan y tế uy tín.

- Việc dùng thuốc dự phòng tái phát thế nào, thưa bác sĩ?

- Sử dụng thuốc hoặc biện pháp dự phòng tái phát sau khi đã khỏi bệnh là cần thiết, để duy trì sức khỏe xoang mũi ổn định. Người bệnh cần chú ý bảo vệ mũi xoang bằng khẩu trang khi tiếp xúc với môi trường bất lợi. Ngoài ra, nên thường xuyên vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý 0,9%.

Thuốc dự phòng nên uống vào các thời điểm chuyển mùa, có thể sử nhóm thuốc thảo dược giúp ổn định bệnh, đảm bảo độ PH trong mũi xoang luôn đạt ở môi trường trung tính 7,5. Môi trường này giúp cho niêm mạc xoang ấm và ẩm, các lông chuyển hoạt động bình thường để cuốn bụi bẩn, dịch nhày ra ngoài.