Ninh Thuận vào mùa hành hương Kate lớn nhất trong năm

Lợi Trần
Lễ hội Kate diễn ra trong các ngày 11 - 13/10, là một trong những sự kiện lớn của đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận.
Theo thông lệ cứ vào đầu tháng 7 Chăm lịch (giữa tháng 10 dương lịch) người Chăm ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận tổ chức lễ hội Kate. Ngày hội mang nhiều nét đặc sắc, thu hút hàng nghìn người Chăm khắp các địa phương hành hương đến tháp để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con cháu đầy đàn và sức khỏe, bình an cho bản thân, gia đình, làng xóm.
1-4956-1443756253.jpg

Đoàn người hành hương đến tháp dịp Kate. Ảnh: V.Trãi

Theo quan niệm của người Chăm, Kate là một trong 4 lễ hội quan trọng của cộng đồng diễn ra theo một tuần tự nhất định của lịch Chăm. Đầu tiên là lễ Yuer Yang (lễ cầu an) diễn ra vào đầu tháng 4, lễ Kate vào tháng 7, lễ Cambur tháng 9 và cuối cùng là lễ Mở cửa Tháp tháng 11. Các lễ hội này diễn ra trong không gian văn hóa đền tháp, mỗi dịp có một nét đặc trưng riêng.

Đến với lễ hội Kate du khách sẽ được chiêm ngưỡng nhiều gam màu rực rỡ. Màu đỏ trắng của đoàn người chức sắc đi rước xiêm y Thánh Mẫu, vị thần – vua Po Rome, Po Klaong Garai lên tháp. Phía sau là đoàn người hành hương với áo dài và chiếc khăn choàng e thẹn của thiếu nữ Chăm. Xen kẽ là những điệu múa uyển chuyển, linh động cùng sắc màu rực rỡ của bộ trang phục truyền thống làm lễ hội thêm phần nào nhiệt.

2-1338-1443756253.jpg

Chức sắc Chăm rước xiêm y lên tháp Po Klaong Garai. Ảnh: V.Trãi

Trưng bày chuyên đề văn hóa Chăm

Để chuẩn bị cho lễ hội Kate thêm nhiều nét mới lạ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận tổ chức triển lãm “Chuyên đề Văn hóa Chăm” tại bảo tàng tỉnh. Nơi đây trưng bày giới thiệu hơn 300 hiện vật, hình ảnh về văn hóa Chăm. Trong đó có các văn bản chữ viết cổ, nghệ thuật và kỹ thuật xây dựng các ngôi tháp bằng đất, các pho tượng bằng đá, dệt hoa văn, thổ cẩm và đồ gốm phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của đồng bào Chăm.

Nét độc đáo của triển lãm này là lần đầu tiên du khách được thưởng lãm một số hiện vật mới thu thập được trong quá trình khai quật khảo cổ tại di chỉ tháp Hòa Lai, di tích Hòn Đỏ – Mỹ Tường – Ninh Hải gồm rìu đá, gốm thạch anh. Triển lãm diễn ra đến hết ngày 19/11.

Hội diễn văn nghệ ở các làng Chăm

Cùng với các sự kiện được tổ chức quy mô, tại các làng Chăm, người dân hào hứng chuẩn bị hội diễn văn nghệ với các điệu múa, trò chơi dân gian Chăm đặc sắc. Để buổi diễn mang nhiều nét hấp dẫn, trước đó hai tháng người, dân trong làng cùng lên kế hoạch tập các điệu múa truyền thống.

Thời điểm diễn ra lễ hội Kate cũng là lúc mùa vụ vừa thu hoạch xong nên người dân có thời gian rảnh rỗi. Những người phụ nữ được thỏa sức sáng tạo với các điệu múa, trang phục, còn trẻ em náo nức với bộ cánh mới và hân hoan hành hương để cầu may cho gia đình, người thân. Tất cả tạo nên một nhịp sống lễ hội đầy sắc màu.

3-JPG-9852-1443756254.jpg

Phụ nữ Chăm tập múa ở các palei (làng) để chuẩn bị hội diễn Kate. Ảnh: V.Trãi

Tổ chức mỗi năm một lần nên lễ hội Kate là điểm đến mà du khách không nên bỏ lỡ. Ngoài việc tham gia các tour du lịch, du khách có thể đến với các lễ hội Chăm qua dịch vụ homestay. Tại đây, bạn sẽ được khám phá trọn vẹn văn hóa Chăm qua các lễ hội, kiến trúc, ẩm thực, cảnh sắc thiên nhiên và những con người hồn nhiên, thân thiện.

Thông tin chi tiết

Khoảng 13h ngày 11/10, diễn ra lễ rước y trang Po Ina Nagar ở ngôi đền cùng tên thuộc làng Hữu Đức, huyện Ninh Phước.

Khoảng 7h ngày 12/10, lễ rước y trang và múa chào mừng Kate ở tháp Po Rome thuộc làng Hậu Sanh, huyện Ninh Phước.

7h ngày 12/10, lễ rước y trang và múa hội diễn ra chính thức ở tháp Po Klaong Garai thuộc phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm.

Ngày 13/10 phần hội sẽ diễn ra ở các làng Chăm như thi dệt ở làng Mỹ Nghiệp, làm gốm Bàu Trúc và các chương trình văn nghệ dân gian đặc sắc tổ chức vào các tối.

Ngày 14/10 lễ cúng Kate diễn ra ở các gia đình người Chăm Bà La Môn.

Ngoài ra, chuyên đề Trưng bày văn hóa Chăm ở Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận tổ chức ở đường 16/4, phường Mỹ Hải, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm cũng là điểm đến đáng tham quan cho du khách.

 

Tác giả bài viết: Văn Trãi