Thông tin với PV VTC News, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh cho biết, ngày 14/3, cơ quan này đã có văn bản yêu cầu Hội sở Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) tại TP.HCM báo cáo các thông tin liên quan vụ việc một khách hàng sử dụng thẻ tín dụng của Eximbank chi nhánh Quảng Ninh năm 2013 phát sinh nợ 8,55 triệu đồng, đến nay tổng dư nợ lên hơn 8,83 tỷ đồng.
Vị này nói thêm, thông tin chính xác sau đó sẽ được Hội sở Eximbank tại TP.HCM gửi đến các cơ quan truyền thông.
Chi nhánh Ngân hàng Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh
Như VTC News thông tin, ông P.H.A. (Quảng Ninh) bị Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) gửi đơn thông báo thu hồi khoản nợ xấu do chi tiêu gần 8,5 triệu đồng bằng thẻ tín dụng từ năm 2013, đến nay nợ lãi phát sinh thành 8,84 tỷ đồng.
Theo ngân hàng, ông H.A. thực hiện mở thẻ Master Card tại Eximbank chi nhánh Quảng Ninh vào ngày 23/3/2013 với hạn mức 10 triệu đồng.
Khách hàng sau đó phát sinh 2 giao dịch thanh toán vào các ngày 23/4/2013 và 26/7/2013 tại một điểm chấp nhận giao dịch. Từ ngày 14/9/2013, khoản nợ thẻ nêu trên đã chuyển thành nợ xấu, thời gian quá hạn phát sinh đến thời điểm thông báo là gần 11 năm. Ngay sau đó, ngân hàng đã thực hiện nhiều bước để thu hồi khoản nợ của ông H.A.
“Đây là khoản nợ quá hạn đã kéo dài gần 11 năm. Ngân hàng nhiều lần thông báo và làm việc trực tiếp với khách hàng. Tuy nhiên, khách vẫn chưa có phương án xử lý nợ”, Eximbank thông tin.
Ngân hàng này khẳng định thêm việc phát thông báo nghĩa vụ nợ cho khách hàng là hoạt động nghiệp vụ thông thường trong quá trình xử lý, thu hồi nợ. Tính đến nay, ngân hàng chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào từ khách hàng.
Cũng theo Eximbank, phương thức tính lãi, phí trong khoản nợ nói trên "hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận giữa Eximbank và khách hàng theo hồ sơ mở thẻ ngày 15/3/2013 có đầy đủ chữ ký khách hàng. Quy định về phí, lãi được quy định rõ trong biểu phí phát hành, sử dụng thẻ; cũng đã được đăng tải công khai trên website của Eximbank".
"Hiện nay, Eximbank đang tiếp tục làm việc, phối hợp với khách hàng để có phương án hỗ trợ khách hàng xử lý nợ", ngân hàng khẳng định thêm.
Tuy nhiên, trả lời trên Tuổi trẻ, vị khách hàng khẳng định bản thân là bị hại khi không tiêu 8,5 triệu đồng trong thẻ tín dụng và cũng không được ngân hàng gửi thông báo sớm khi bị nợ xấu. Thời điểm tháng 3/2013, vị này có nhờ một nhân viên làm việc tại chi nhánh Eximbank ở Quảng Ninh làm cho một thẻ tín dụng nhưng thực tế sau đó không được nhận thẻ tín dụng này.
Trong lần làm việc cuối cùng vào khoảng giữa năm 2022 tại nhà ông với đại diện ngân hàng, thì bản thân ông A. cũng đã đề nghị làm rõ dấu hiệu lừa đảo khách hàng của nhân viên kia.
Thông tin với VTC News chiều 14/3 về vụ việc này, Luật sư Tạ Anh Tuấn (Giám đốc công ty Luật TNHH Emme Law, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - người đại diện cho anh H.A. - cho biết, ông đã nắm được tài liệu từ phía H.A. cung cấp nhưng chưa đầy đủ, toàn diện.
“Chúng tôi cũng sẽ phải gặp phía ngân hàng Eximbank thì mới nắm được thông tin đa chiều, toàn diện. Trong tuần này tôi sẽ hoàn thiện đầy đủ thủ tục hồ sơ theo quy định. Sang tuần tới tôi sẽ làm việc với ngân hàng Eximbank”, ông Tuấn chia sẻ.
Theo luật sư Tuấn, nếu đúng như lời trình bày của anh H.A., vụ việc này đang có vấn đề về quy trình phát hành thẻ, nhất là khâu giao thẻ cho khách hàng.
“Rất có thể khách hàng do sơ suất nào đó mà không kiểm tra kỹ thẻ. Như trường hợp của anh Huy Anh thì khi nhận về không phải thẻ tín dụng, mà là thẻ ATM thông thường. Về nguyên tắc khi nhận thẻ bản thân anh Huy Anh cần phải kiểm tra rõ nhưng vì sao không kiểm tra, thực hư thế nào phải được làm rõ”, ông Tuấn nói.