Nói "cảng Liên Chiểu “chèn ép” cảng Chân Mây" là sự quy chụp nguy hiểm!

Admin
Phóng sự tại CREF 2017 không chỉ ra được vấn đề nội tại cần giải quyết của cảng Chân Mây để tăng sức thu hút, không thấy sự cấp thiết phải xây dựng cảng Liên Chiểu mà lại dựng lên “nguy cơ chèn ép” của cảng Liên Chiểu đối với cảng Chân Mây.

Đà Nẵng xây cảng Liên Chiểu là "chèn ép" cảng Chân Mây?

Tại Diễn đàn Kinh tế miền Trung (CREF) năm 2017 tổ chức ngày 25/9, Ban tổ chức đã trình chiếu một phóng sự, đại ý nói về tình trạng “mạnh ai nấy làm” ở miền Trung, cho các đại biểu có thêm dữ liệu để thảo luận.

 Diễn đàn Kinh tế miền Trung 2017 (CREF 2017) tổ chức tại Đà Nẵng ngày 25/9 (Ảnh: HC)

Phóng sự mở đầu rằng vùng DHMT trải dài từ Thừa Thiên – Huế đến Bình Thuận là cửa ngõ, “mặt tiền” của quốc gia và tiềm năng kinh tế biển của đất nước phần lớn nằm ở dải đất này. Tuy nhiên tiềm năng kinh tế này lại đang bị phân tán. Mỗi tỉnh là một “khu kinh tế” nhưng kinh tế miền Trung vẫn nghèo!

“Cảng Chân Mây (Thừa Thiên – Huế) dù là một cảng nước sâu nhưng hiện chỉ duy nhất có một tàu cập cảng. Sự tĩnh lặng của cảng Chân Mây đủ để cho thấy mức độ sôi động về kinh tế ở mức nào. Nhưng ngay cả sự tĩnh lặng này cũng đang có nguy cơ bị chèn ép bởi Đà Nẵng đang xúc tiến xây dựng cảng Liên Chiểu ngay liền kề!” – Lời bình nhấn mạnh ngay từ những hình ảnh mở đầu phóng sự.

Trao đổi với PV Infonet bên lề CREF 2017, một số doanh nghiệp (đề nghị không nêu tên) cho rằng đoạn mở đầu của phóng sự này hoàn toàn không nắm được vấn đề nhưng lại đưa ra những sự quy chụp hết sức hồ đồ. Theo họ, trước hết phải thấy rằng ngay tại thời điểm này, khi cảng Liên Chiểu vẫn chưa thành hình thì cảng Chân Mây cũng đã “tĩnh lặng đến mức chỉ có duy nhất một tàu cập cảng”!

Thực tế từ cảng Tiên Sa

Trong khi đó ở cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), trong 6 tháng đầu năm 2017, sản lượng hàng hóa thông qua đạt hơn 3,8 triệu tấn, tăng 9,6%; riêng hàng container đạt gần 172.000 Teus, tăng hơn 17%; tổng lượng tàu cập cảng đạt 879 lượt (trong đó tàu chở hàng container 539 lượt), tăng 5%. Cùng thời gian này, cảng Tiên Sa đón 52 chuyến tàu du lịch, tăng 21%; lượng khách và thuyền viên trong 2 quý đầu năm 2017 đạt 99789 lượt, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2016.

Hiện có 16 hãng tàu container có tàu thường xuyên đến cảng Tiên Sa và hơn 40 hãng vỏ container. Nếu năm ngoái trung bình mỗi tuần cảng này đón 19 chuyến tàu container thì nay thường xuyên đón khoảng 22 - 23 chuyến. Đặc biệt từ quý 2/2017, hãng tàu lớn thứ 5 thế giới EMC (Evergreen Marine Corporation) đã mở tuyến đến cảng Tiên Sa, rồi hãng tàu Yang Ming tổ chức chuyến dịch vụ vào thứ 2 hàng tuần tại thị trường Đà Nẵng…

Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng Nguyễn Hữu Sia cho hay, một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần vào tốc độ tăng trưởng nêu trên là sự phục hồi của các ngành kinh tế trong vùng, đặc biệt là sản xuất công nghiệp. Thời gian qua, hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp vùng hậu phương Cảng có những tăng trưởng đáng kể.

“Một số doanh nghiệp đang mở rộng sản xuất, thiết lập nhà máy mới, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu… thúc đẩy sản lượng xuất nhập trong các ngành dệt may, giày da, gạch men, thủy sản ... tăng khá. Việc các hãng tàu lớn mở tuyến đến Đà Nẵng giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong khu vực có nhiều sự chọn lựa hơn, góp phần gia tăng sản lượng container xuất nhập ngoại thông qua cảng” – ông Nguyễn Hữu Sia nói.

Xây dựng cảng Liên Chiểu là hết sức cấp thiết

Như Infonet đã đưa tin, hiện Công ty CP Cảng Đà Nẵng đang khẩn trương nâng cấp, mở rộng giai đoạn 2 cảng Tiên Sa với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỉ đồng để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.

Tuy nhiên Bộ GTVT, UBND TP Đà Nẵng đều đã thống nhất giới hạn công suất khai thác tối đa của cảng này là 10 triệu tấn/năm nhằm đảm bảo năng lực vận tải và an toàn giao thông trên tuyến QL 14B, đặc biệt là đoạn đi qua địa phận Đà Nẵng, cũng như phù hợp với định hướng phát triển cảng Tiên Sa trở thành cảng du lịch quốc tế.

Thay vào đó, Bộ GTVT thống nhất với UBND TP Đà Nẵng và các cơ quan, ban ngành hữu quan về việc xây dựng cảng Liên Chiểu theo phương thức PPP nhằm đáp ứng vai trò cảng hàng hóa (hàng rời, container) thay thế cho cảng Tiên Sa sau năm 2020 sẽ dần chuyển thành cảng du lịch.

Quy hoạch cảng Liên Chiểu gắn liền với khu đô thị phía Tây Đà Nẵng, với chức năng là trung tâm sản xuất công nghiệp, công nghệ cao, cảng biển, logistics, vận tải... sẽ là một trong những động lực để phát triển khu vực này. Đồng thời di dời nhà ga đường sắt hiện nay ra gần với cảng Liên Chiểu.

Cũng cần nói thêm, cảng Liên Chiểu đã nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH TP Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ rất nhiều năm trước, bây giờ là thời điểm chín muồi để xúc tiến triển khai, chứ không phải đến nay Đà Nẵng mới “bày ra” cái cảng này. Và không phải vô cớ mà dự án được sự đồng tình của Bộ GTVT cùng sự quan tâm của hàng loạt nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế như JICA, TP Yokohama, Công ty Tư vấn Cảng Nhật Bản, Tập đoàn Mitsubishi…

“Sự phát triển của TP Đà Nẵng và các tỉnh lân cận gắn rất chặt với hoạt động của Cảng Đà Nẵng. Nếu để đến lúc Cảng Đà Nẵng không thể phát triển được nữa vì cảng Tiên Sa quá tải, hàng hóa ứ đọng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình KT-XH của TP. Các đoàn xe tải ra vào cảng Tiên Sa chạy cắt ngang qua TP đang gây ô nhiễm, mất an toàn giao thông và ảnh hưởng lớn đến môi trường du lịch.

Tàu du lịch đến ngày càng tăng nhưng TP không có cảng du lịch đúng nghĩa để đón mà phải dùng chung với cảng hàng hóa rất nhếch nhác… Vì vậy xây dựng cảng Liên Chiểu và chuyển dần Tiên Sa thành cảng du lịch là hết sức cấp thiết!” – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ từng nêu rõ.

Sự quy chụp nguy hiểm

Từ thực tế nêu trên, có thể thấy việc cảng Chân Mây (nằm phía bên kia đèo Hải Vân) hiện không thu hút được tàu cập cảng là do những vấn đề của chính cảng này chứ không phải do sự chèn ép bởi một cảng Liên Chiểu vẫn còn nằm trên giấy. Tự dựng lên “sự chèn ép” đó rồi đẩy nó lên thành nguy cơ đối với cảng Chân Mây rõ ràng là một sự quy chụp. Chưa kể, lấy sự “tĩnh lặng” ở cảng Chân Mây để đánh giá chung mức độ sôi động về kinh tế của tất cả các cảng khác trong Vùng DHMT lại càng vô căn cứ!

Không chỉ ra được những vấn đề nội tại cần phải giải quyết để cảng Chân Mây tăng sức thu hút, không thấy hoặc cố tình không thấy sự cấp thiết phải xây dựng cảng Liên Chiểu, trong khi lại dựng lên “nguy cơ chèn ép” của cảng Liên Chiểu đối với cảng Chân Mây, phóng sự được phát tại CREF 2017 rõ ràng không thể giúp các đại biểu có cái nhìn chân xác về tình hình, không giúp tăng cường sự đoàn kết cùng nhìn về một hướng của các địa phương trong khu vực.

Như tin đã đưa, CREF 2017 do Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với UBND TP Đà Nẵng, Ban điều phối Vùng DHMT và VCCI tổ chức. Không biết UBND TP Đà Nẵng đã phối hợp như thế nào mà một phóng sự như vậy lại được phát cho cả Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, lãnh đạo các Bộ, ngành hữu quan, lãnh đạo các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước, các chuyên gia, các nhà khoa học, hàng trăm doanh nghiệp trong nước và quốc tế cùng xem tại CREF 2017?