Nỗi sợ hãi của những người đàn ông chuẩn bị “theo vợ bỏ cuộc chơi”

Admin
Trong ngày cưới, ai cũng thấy chú rể luôn nở nụ cười rạng ngời, hạnh phúc. Thế nhưng, để có được nụ cười ấy họ đã phải trải qua những nỗi sợ hãi về việc lấy vợ họ mất tự do, lo sợ về sức ép của cuộc sống gia đình…

Sau khi lập gia đình, không chỉ phụ nữ mà đàn ông cũng có rất nhiều thay đổi. Bởi kết hôn là bước ngoặt trong cuộc đời. Biến họ từ một người độc thân, trở thành người đàn ông phải biết chăm sóc, lo lắng cho gia đình. Gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền sẽ đè nặng lên đôi vai. Vì vây, không ít người đã stress, lo lắng trước khi “theo vợ bỏ cuộc chơi”. Thậm chí, có chú rể còn xin kinh nghiệm để có thể hoàn thành trách nhiệm khi được gọi là “chồng”.

PV báo điện tử Người Đưa Tin đã được nghe những tâm sự, trải lòng của những người đã từng sợ hãi, đang sợ hãi chuyện cưới vợ.

Anh Trần Văn Minh (Phúc Thọ, Hà Nội) chia sẻ: “Trước khi cưới, tôi phải chuẩn bị rất nhiều thứ cho một gia đình mới. Vì thế, tôi từng căng thẳng, đôi khi còn bị khủng hoảng tâm lý vì quá tải. Tôi phải mua sắm mọi thứ trong nhà, lo từ tiền ảnh cưới, nhẫn cưới, rồi lễ dẫn cưới đến nhà gái. Thậm chí, tiền cỗ bàn, phông bạt cũng một tay tôi lo liệu. Nên tôi như người mất hồn, cả ngày chẳng nhắn tin nói chuyện với vợ tương lai câu nào. Trong đầu lúc nào cũng chỉ nghĩ đến kiếm tiền để sao cho đám cưới của mình vuông tròn nhất”.

Theo anh Minh, không chỉ vấn đề tiền nong, mà trước bước vào cuộc hôn nhân, anh đã phải trải qua những tranh luận với vợ sắp cưới, với bậc sinh thành về quan điểm sống, ở chung hay ở riêng. Cưới về có con luôn hay đợi kinh tế ổn định.

 Hôn nhân chính là bước ngoặt lớn trong cuộc đời của một người đàn ông.

“Thời gian trước khi “theo vợ bỏ cuộc chơi” tôi thường tụ tập bạn bè để có những lời khuyên và giải tỏa tâm lý căng thẳng của mình. Tôi biết, khi có gia đình, mọi thứ sẽ vào “khuôn khổ”. Để đồ lung tung, ăn mặc lôi thôi, rượu chè với bạn bè sẽ bị vợ “cằn nhằn” ngay. Nỗi sợ hãi trước khi lên xe hoa của tôi nhiều vô kể, phải đến khi kết hôn tôi mới biết tâm lý đàn ông trước khi cưới cũng lắm âu lo như thế đấy”, anh Minh bày tỏ.

Còn anh Hoàng Hiệp (chuẩn bị lên xe hoa) chia sẻ rằng, trước khi cưới, anh luôn đặt câu hỏi: Liệu cưới xong cô ấy có hy sinh để làm vợ mình hay chỉ quan tâm chăm sóc sắc đẹp, sở thích từ trước đến nay. Chỉ còn nửa tháng nữa là Hoàng Hiệp sẽ làm đám cưới nhưng anh bắt đầu cảm thấy đắn đo. Liệu sau cưới, cả hai có nhường nhịn nhau, tổ ấm có bền vững như mong đợi. Cả 2 có thể đối xử tốt với gia đình 2 bên như giao ước ban đầu…?

“Quan điểm sống của mẹ tôi và vợ tương lai khác nhau, cô ấy sống theo kiểu Tây hóa, còn mẹ tôi truyền thống. Cứ nghĩ đến cảnh “mẹ chồng, nàng dâu”, tôi luôn tự hỏi không biết mình sẽ xử lý vấn đề “bên hiếu, bên tình” như thế nào để có thể vẹn tròn được cả hai và giữ gìn được hòa khí trong gia đình. Tôi mất ăn mất ngủ và gầy đi rất nhiều. Gương mặt luôn mang âu sầu, phiền não dù bên ngoài ai cũng chúc mừng vì sắp được làm chú rể”, anh Hoàng Hiệp tâm sự.

 Nhiều chú rể chuẩn bị lên xe hoa cũng mang một tâm lý lo lắng, căng thẳng.

Lấy được vợ, lẽ ra các đấng mày râu phải vui mừng, vậy vì sao họ cũng có những nỗi sợ hãi trước khi “theo vợ bỏ cuộc chơi”?

Theo chuyên gia tâm lý Ánh Tuyết (Hà Nội), với đàn ông, hôn nhân là bước ngoặt và sự trải nghiệm lớn nhất trong cuộc đời. Bởi vậy, tâm lý đàn ông trước khi cưới cũng trải qua nhiều trạng thái cảm xúc bồn chồn, lo lắng xen lẫn nôn nao và hồi hộp chẳng kém gì phụ nữ cả.

Họ sẽ phải nghĩ rằng, sau kết hôn họ phải cố gắng nhiều hơn trước. Họ mang theo trên mình cả trách nhiệm với gia đình nhỏ, phải chuẩn bị để chào đón những thiên thần bé bỏng đến với thế giới này.

Mặc dù được gọi là phái mạnh nhưng khi đứng trước quyết định “trói” sự tự do của mình lại, đàn ông cũng có những băn khoăn và nỗi sợ hãi riêng. Chính vì thế, các cô dâu tương lai hãy dành cho họ thật nhiều tình yêu, sự động viên, niềm tin tuyệt đối để họ có thể tự tin hơn cho tương lai sau này.