NSƯT Đỗ Kỷ buồn vì trượt danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân

Admin
Hồ sơ xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân của NSƯT Đỗ Kỷ bị gác lại được nêu rõ trong văn bản là do có đơn thư khiếu nại và có ý kiến của Bộ Công an nên không đủ điều kiện để đề nghị xét tặng danh hiệu NSND.

Trên trang cá nhân, NSƯT Đỗ Kỷ chia sẻ, ngày 21/11, ông nhận được văn bản do Q. Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly ký, thông báo về việc hồ sơ xin xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân của ông bị dừng lại. Lý do hồ sơ bị gác lại được nêu rõ trong văn bản là do có đơn thư khiếu nại và có ý kiến của Bộ Công an nên không đủ điều kiện để đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

 

"Hôm nay mình nhận được Thông báo (có trong bài) sau gần 2 năm cầm sổ hưu mà buồn quá cơ. Mình sống ở trên đời may mắn có được việc làm ưa thích và gắng làm thật tốt là toại nguyện lắm rồi, chứ nào có ham danh nọ, trước kia vậy mà vẫn có người ganh ghét, tỵ hiềm.

Một văn bản làm mình choáng luôn. Mình choáng, bởi lẽ lần đầu tiên mình được có người quan tâm đến bằng đơn thư vào đúng thời gian nhạy cảm, vì hơn 40 năm trong nghề mình có ở vị trí nào có quyền quyết định mà họ lại để ý đâu cơ chứ. Ấy vậy mà bây giờ có người gửi đơn thư kêu mình để bên Công an có ý kiến. Giờ mình muốn biết và muốn giải đáp mọi nội dung của đơn thư thì kêu ở đâu và nói với ai? Vì nó ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của mình. Chứ mình không thoả mãn với văn bản gửi cho mình. Lá đơn thư nói về mình mà không đúng thì người đứng đơn có mắc tội vu khống không? Hay là không ưa ai thì cứ đơn thư gửi đi khắp nơi. Mình kêu ở đâu - nói với ai? Cơ quan nào sẽ là nơi phán quyết?".

Trao đổi với PV, NSƯT Đỗ Kỷ chia sẻ: "Đến giờ, tôi vẫn chưa biết bị khiếu nại vì cái gì, đây là một thông báo lạ lùng. Trong suốt cuộc đời hơn 40 năm làm nghề, tôi có hơn 2 năm đi bộ đội, chưa bao giờ bị xem xét kỷ luật. Tôi chỉ biết cắm đầu cắm cổ làm nghề, không làm gì trái với pháp luật. Tôi làm nghề không phải vì danh hiệu, không phấn đấu để trở thành ông nọ, bà kia. Thông báo này ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của tôi và ai sẽ là người đứng ra bảo vệ?"

Trao đổi với Dân Việt, Q. Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly cho biết, Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ là đơn vị tiếp nhận chỉ đạo từ Ban Thi đua - Khen thưởng TƯ, Bộ VHTTDL và gửi thông báo đến nghệ sĩ Đỗ Kỷ. Việc xem xét hồ sơ ở cấp cao là Ban Thi đua - Khen thưởng TƯ, Bộ VHTTDL. Trước đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn xem xét hồ sơ của nghệ sĩ Đỗ Kỷ với vai trò là Hội đồng cấp cơ sở thì thấy có đủ điều kiện và tiêu chuẩn để xem xét xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân nên mới trình hồ sơ lên cấp Bộ.

 

Đỗ Kỷ sinh năm 1961 tại Hà Nội. Năm 1982, ông tốt nghiệp Lớp đào tạo Diễn viên Khóa I Nhà hát Kịch Việt Nam và gia nhập quân đội, lên đường nhập ngũ cùng các nghệ sĩ Trung Anh, Trọng Trinh, Quốc Khánh... Ông được khán giả yêu phim qua màn ảnh nhỏ lại nhớ đến những tác phẩm nổi tiếng như: "Bản di chúc bí ẩn", "Gia phả của đất", "Trái tim có nắng", "Ngôi biệt thự màu tro lạnh", "Câu hỏi số 5", "Hương đất", "Người phán xử", "Cuồng phong"... nhưng ông nổi tiếng và biết đến gần gũi với khán giả nhất phải nói đến bộ phim "Nếp nhà" đóng cặp vợ chồng già với NSND Lan Hương - chính là vợ ngoài đời của ông.

NSƯT Đỗ Kỷ giữ chức Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam trong những năm 2001 - 2008, từng dàn dựng một số vở kịch tiêu biểu của Nhà hát như: "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" (1999), "Đi tìm điều không mất" (2003), "Chuyện vặt người lính" (2005)... Mới đây nhất, năm 2022, nam nghệ sĩ lại dựng vở "Thiên mệnh" - vở diễn gây tiếng vang lớn trong giới sân khấu. Từ năm 2008, NSƯT Đỗ Kỷ chuyển sang công tác ở Cục Nghệ thuật biểu diễn. Năm 2022, NSƯT Đỗ Kỷ chính thức nghỉ hưu theo chế độ.

Trong 40 năm làm nghề, NSƯT Đỗ Kỷ có 26 năm gắn bó với Nhà hát Kịch Việt Nam, 14 năm công tác tại Cục Nghệ thuật biểu diễn. Trong 14 năm đó, hồ sơ xin xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú là cũng được làm tại cấp Hội đồng cơ sở là Cục Nghệ thuật biểu diễn và hồ sơ xin xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cũng làm tại Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Tác giả: Hà Phương

Nguồn tin: Báo VOV