Nữ phi công Mỹ tiết lộ chi tiết rúng động vụ 11/9

Lợi Trần
15 năm sau vụ khủng bố kinh hoàng vào nước Mỹ 11/9, nữ phi công Heather ‘Lucky’ Penney tiết lộ những tình tiết bất ngờ liên quan tới chiếc máy bay thứ 4 của Mỹ bị không tặc chiếm.

Nữ phi công Heather ‘Lucky’ Penney.
 

Tờ Washington Post ghi lại, vào khoảng gần trưa buổi sáng thứ Ba gây chấn động địa cầu cách đây 15 năm, Trung úy Heather ‘Lucky’ Penney có mặt trên đường băng tại Căn cứ không quân Andrew và sẵn sàng cất cánh.

Tay của Penney đặt trên điều khiển chiếc máy bay chiến đấu F-16, và cô nhận được lệnh: hạ gục chiếc máy bay Flight 93 của hãng hàng không United Airlines. Đó là ngày 11/9, khi mà chiếc máy bay thứ tư bị không tặc khống chế có vẻ như sẽ lao thẳng xuống Washington. Penney là một trong hai phi công chiến đấu đầu tiên có mặt sáng hôm đó, nhận được lệnh phải chặn đứng chiếc Flight 93.

Khi lao thẳng lên bầu trời xanh thăm thẳm, thứ duy nhất mà Penney không mang theo trên chiếc F-16 là đạn dược. Tên lửa cũng không có. Thậm chí, cô không có bất kỳ thứ gì khác có thể nhắm bắn vào chiếc máy bay đang bị cướp.

Cô chỉ có độc nhất chiếc F-16. Và đó là toàn bộ kế hoạch tác chiến.

Bởi vì vụ tấn công bất ngờ xảy ra với diễn tiến quá nhanh so với thời gian máy bay kịp nạp vũ khí, nên Penney và sĩ quan chỉ huy của cô tính đến việc lao thẳng vào chiếc Boeing 757.

“Chúng tôi đã không thể bắn hạ nó (chiếc Boeing 757 số hiệu Flight 93). Chúng tôi định đâm thẳng vào máy bay. Về cơ bản thì tôi sẽ là một phi công cảm tử” – Penney nhớ lại nhiệm vụ của cô hôm đó.

Nhiều năm sau vụ khủng bố rúng động toàn cầu, Penney – một trong số những nữ phi công chiến đấu lứa đầu tiên của Mỹ - không trả lời bất kỳ phỏng vấn nào về những gì cô đã trải qua hôm 11/9/2001. Trong đó có cả việc cô đã hộ tống chiếc Không lực Một của Tổng thống về Washington trên không phận bị siết chặt nghiêm ngặt sau vụ tấn công.

Nhưng 10 năm sau, Penney nhớ lại một trong những câu chuyện ít người biết nhất về buổi sáng định mệnh: đó là phương án tác chiến đầu tiên của quân đội Mỹ nhằm đáp trả những kẻ tấn công, trên thực tế lại là một nhiệm vụ cảm tử.

“Chúng tôi phải bảo vệ không phận bằng mọi giá” – Penney kể lại chuyện này vào tuần trước, trong văn phòng của cô tại hãng Lockheed Martin, nơi cô đang làm giám đốc cho chương trình siêu chiến đấu cơ F-35.

Sau hàng ngàn giờ bay, tham gia nhiều sứ mệnh khác nhau trên thế giới, nhưng chưa có lần nào có thể sánh với nhiệm vụ khẩn cấp mà Penney được giao ngày 11/9 – thực hiện chuyến bay một chiều để gây ra một vụ nổ giữa trời.

Lớn lên trong mùi khói xăng máy bay, Penney được truyền cảm hứng về những chiếc máy bay chiến đấu từ bố - một cựu quân nhân.

Đáng ra, cô đã trở thành một giáo viên. Cô có bằng lái máy bay khi đang học đại học. Khi Quốc hội Mỹ mở lối cho phụ nữ tham gia đội máy bay chiến đấu, Penney lập tức ghi danh trong tốp đầu.

“Tôi ký đơn đăng ký ngay lập tức. Tôi muốn trở thành phi công chiến đấu như bố” – Penney chia sẻ. Sau đó, Penney trở thành nữ phi công đầu tiên lái F-16 trong Phi đội Chiến đấu 121 của Vệ binh Quốc gia trên không của thủ đô Washington.

Buổi sáng thứ Ba ngày 11/9, Penney cùng đồng đội mới hoàn tất khóa tập huấn bay chiến đấu kéo dài hai tuần tại Nevada. Họ ngồi quanh bàn nghe báo cáo, nhận được thông tin một chiếc máy bay đã đâm vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York. Khi một chiếc khác tiếp tục xuất hiện và tấn công, họ hiểu rằng chiến tranh đang xảy ra.

Nhưng mọi sự ngạc nhiên vẫn chưa dừng ở đó. Trong những giờ đầu tiên bối rối cực độ, không có mệnh lệnh nào rõ ràng được ban ra. Tất cả mọi thứ đều chưa sẵn sàng. Các máy bay vẫn đang nạp đạn giả từ đợt tập huấn.

Điều đó có nghĩa là không máy bay nào được trang bị vũ khí để sẵn sàng chiến đấu và không có hệ thống nào sẵn có để điều máy bay tới Washington. Trước ngày hôm đó, tất cả mọi con mắt vẫn chỉ tìm kiếm các máy bay và tên lửa từ các đường bay quen thuộc, với mối đe dọa từ những năm Chiến tranh Lạnh. Không ai hình dung được nguy cơ lại xuất hiện ngay trên đất Mỹ.

Khi chiếc máy bay thứ ba đâm vào Lầu Năm Góc, tất cả mọi người đều hiểu rằng còn có thể có chiếc thứ tư, hoặc nhiều hơn thế. Máy bay chiến đấu Mỹ có thể được nạp đạn trong vòng 1 giờ, nhưng ngay lúc đó phải có ai đó bay lên trời, dù có vũ khí hay không.

Đại tá Marc Sasseville ra lệnh: “Lucky, cô đi với tôi”. Sasseville nói ông sẽ nhằm trúng buồng lái. Còn ‘Lucky’ Penney nhận phần đuôi chiếc Flight 93.

Sasseville thừa nhận, các phi công không hề được huấn luyện để hạ gục máy bay dân sự. Ông vẫn kịp tính toán xem tấn công vào điểm nào trên máy bay là thích hợp nhất. “Nếu bạn chỉ đâm vào động cơ, máy bay vẫn có thể liệng trên trời và nó vẫn có thể tiến đến mục tiêu. Tôi nghĩ ngay đến buồng lái và cánh”.

Điều làm Penney lo sợ lại là việc đâm trượt mục tiêu nếu cô tìm cách nhảy ra khỏi máy bay. Với Penney, nỗi lo đâm trượt còn đáng sợ hơn cả việc hy sinh.

Nhưng cả Penney và Sasseville đều không phải chết. Penney không phải hạ gục chiếc máy bay dân sự chở đầy trẻ nhỏ, các nhân viên bán hàng và bạn gái của họ. Các hành khách trên chuyến bay Flight 93 đã tự làm việc đó.

Vài giờ trước khi Penney biết rằng chiếc Flight 93 đã đâm xuống Pennsylvania, các con tin trên máy bay đã nổi dậy, chống lại không tặc và sẵn sàng làm bất kỳ điều gì họ cần phải làm, y như hai phi công của đội Vệ binh Quốc gia.

“Những người hùng thực thụ chính là các hành khách trên chuyến bay Flight 93, những người sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình. Còn tôi chỉ tình cờ là một nhân chứng lịch sử mà thôi” – Penney nói.

Penney và Sasseville đã canh gác bầu trời suốt ngày hôm đó, hộ tống Tổng thống George Bush, bảo vệ các thành phố.

Tác giả bài viết: Lê Thu