Giống như đa phần các hộ dân tại địa phương, gia đình ông Phạm Văn Đệ ở thôn An Tử, xã Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng quay lại dùng nước giếng khoan sau một thời gian dài dùng nước máy được cấp đến tận nhà. Mặc dù biết nước giếng khoan có nguy cơ ô nhiễm, đặc biệt nhiễm kim loại nặng cao, nhưng ông Đệ cho rằng: “còn sạch hơn chán vạn lần nước máy tại địa phương”.
“Dân chúng tôi mất tiền mua nước bẩn chứ không phải nước sạch. Nước đủ các mùi. Mùi thối, mùi tanh, không thể dùng được. Bây giờ chúng tôi đa số phải khôi phục giếng khoan, đi mua téc nước về để chứa nước mưa”, ông Đệ nói.
Việc ông Đệ và người dân địa phương có phản ứng như vậy là điều dễ hiểu khi nước sinh hoạt của người dân các xã Khởi Nghĩa, Tiên Thanh, Quyết Tiến (huyện Tiên Lãng) được cấp từ Nhà máy nước Hưng Đạo (địa chỉ tại xã Quyết Tiến) có nồng nặc mùi hóa chất, lúc thì đen ngòm, thậm chí có cả “sinh vật lạ”.
Nước máy từ các nhà máy nước mini tại một số khu vực Tiên Lãng, Vĩnh Bảo (Hải Phòng) thường xuyên có màu vàng, đục, mùi tanh (Ảnh người dân cung cấp)
Ông Vũ Văn Bình ở thôn Cương Nha, xã Khởi Nghĩa cho biết, tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết: “Giờ cao điểm, nước cuối nguồn không thể lên được, áp lực yếu. Thứ hai, nước không đạt tiêu chuẩn, nhiễm khuẩn quá nhiều. Kiến nghị của toàn dân chứ không phải một cá nhân nào cả. Người dân chúng tôi quá bức xúc. Các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho chúng tôi được dùng nước sạch đúng tiêu chuẩn của nước sạch, chứ đây chỉ là nước thôi”.
Tình trạng “nước sạch mà không sạch” cũng xảy ra tại các xã khác của huyện Tiên Lãng và nhiều khu vực thuộc các huyện ngoại thành Hải Phòng. Theo bà con khu vực Dũng Tiến, Trung Lập (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng), nước máy tại địa phương (được cấp từ Nhà máy nước Quang Sáng) thường xuyên có màu phù sa, lắng cặn, mùi tanh. Để khắc phục và có nước dùng tạm thời, các hộ dân đã bỏ ra hàng triệu đồng mua các loại máy lọc nước, bình lọc nước để xử lý nước trước khi sử dụng. Tuy nhiên, máy lọc hay lõi lọc cũng chỉ dùng được một thời gian ngắn là phải thay do nguồn nước quá nhiều cặn bẩn.
Nhiều nhà máy nước mini tại Tiên Lãng (Hải Phòng) lấy nước nguồn từ các tuyến kênh nội đồng, vừa cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vừa tiếp nhận nước thải từ hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân
Bà Nguyễn Thị Lan ở xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng bức xúc: “Nước sạch” ở xã mình y như nước sông múc lên, mùi khó chịu lắm, dân không ăn được. Nước vặn vào thau, lọc lại, đọng toàn đất phù sa. Thậm chí, mua cây nước về, lọc mà còn không ăn được. Nước y như nước sông thì dùng làm sao được nữa, lại phải dùng nguồn nước khác, nhà thì nước giếng khơi, nhà thì giếng khoan, nhà dùng nước mưa”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP. Hải Phòng, thành phố hiện có 84 nhà máy nước cung cấp nước sinh hoạt cho bà con khu vực nông thôn. Trong đó có 31 nhà máy chất lượng nước đạt quy chuẩn, ổn định; 25 nhà máy đạt chất lượng trung bình, chất lượng nước đạt quy chuẩn tại thời điểm hiện nay nhưng khó đáp ứng yêu cầu trong thời gian tới do không thể đầu tư mở rộng và 28 nhà máy nước hiện không đảm bảo chất lượng, quy mô nhỏ, công nghệ cũ kỹ. Trong đó, riêng huyện Tiên Lãng hiện có 13 nhà máy chất lượng nước không ổn định, thường xuyên không đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn; chất lượng cấp nước tại huyện Tiên Lãng được đánh giá kém nhất trong số các huyện trên địa bàn Hải Phòng.
Thành phố Hải Phòng hiện có 84 nhà máy nước cung cấp nước sinh hoạt cho khu vực nông thôn. Trong đó có 31 nhà máy chất lượng nước đạt quy chuẩn, ổn định; 25 nhà máy đạt chất lượng trung bình và 28 nhà máy nước hiện không đảm bảo chất lượng, quy mô nhỏ, công nghệ cũ kỹ
Tháng 12/2023, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hải Phòng thực hiện kiểm tra chất lượng nước của 29 nhà máy nước, với 75 mẫu nước; kết quả gần 51% số mẫu nước được lấy không đạt chất lượng. Đặc biệt, các mẫu nước lấy tại các nhà máy thuộc huyện Tiên Lãng có tỷ lệ không đạt tiêu chuẩn cao nhất (94,45%). Gần đây nhất, ngày 22/4 vừa qua, CDC Hải Phòng lấy 21 mẫu, kiểm tra 7 nhà máy nước tại huyện Tiên Lãng; kết quả 21/21 mẫu đều không đạt chất lượng. Trong đó, các chỉ tiêu không đạt chủ yếu là độ mặn, độ cứng, độ đục, clo dư, E.coli và Coliform.
Theo ông Đồng Trung Kiên, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hải Phòng, chất lượng các nhà máy nước phụ thuộc vào yếu tố, như: nguồn nước đầu vào, công nghệ xử lý và quy mô của các nhà máy nước, khả năng đầu tư của doanh nghiệp sản xuất và hệ thống phân phối nước… Trong khi đó, đa phần các nhà máy nước mini tại Tiên Lãng đều không đảm bảo các yếu tố này; một số nhà máy khai thác nước từ các tuyến kênh nội đồng vừa cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vừa tiếp nhận nước thải từ hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Trạm cấp nước Khởi Nghĩa (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) thuộc Công ty Cổ phần phát triển nước sạch Hưng Đạo thường xuyên nhận được ý kiến của người dân về tình trạng nước không đảm bảo chất lượng
Ông Đồng Trung Kiên cho biết: “Khu vực Tiên Lãng, nước nguồn hầu như là nước bề mặt, nhưng Tiên Lãng lại không nhiều sông nên hầu như lấy ở các kênh nội đồng, chất lượng rất xấu. Cộng với công nghệ xử lý nghèo nàn, lạc hậu nên chất lượng sẽ không đảm bảo. Đối với Tiên Lãng, trạm hiện nay cấp nước cho xã Khởi Nghĩa có thể đánh giá là kém nhất Tiên Lãng. Hiện nay, riêng đơn vị đó, thanh tra Sở Y tế đã mời lần thứ 3, thứ 4 làm việc về chất lượng nước không đảm bảo mà họ không lên”.
Chất lượng nước kém tại nhiều xã khu vực ngoại thành, kể cả những xã đã cán đích nông thôn mới kiểu mẫu tại Hải Phòng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống người dân mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương. Thậm chí, giữa năm 2023, do quá bức xúc với tình trạng nước “bẩn” của Nhà máy nước Đông Phương, đại diện gần 2 nghìn hộ dân xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng đã kéo lên trụ sở UBND xã, yêu cầu được thay đổi đơn vị cấp nước.
Với thực tế chất lượng nước tại nhiều khu vực nông thôn Hải Phòng hiện nay, liệu mục tiêu “đến năm 2025, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn đạt 100%” có xa vời? Chính quyền, các ban ngành chức năng thành phố Hải Phòng đang thực hiện những giải pháp gì để đạt được mục tiêu này, trong khi thời gian từ nay đến năm 2025 không xa? Vấn đề này sẽ được chúng tôi đề cập trong bài viết thứ 2 với nhan đề “Kiên quyết, hợp lý hợp tình trong xử lý các nhà máy nước mini không đảm bảo chất lượng nước cung cấp tại Hải Phòng”.