Kinh tế

Ông chủ Tôn Hoa Sen là ai mà “ở ẩn trên núi” vẫn lãnh đạo tập đoàn nghìn tỷ?

Ông từng làm lái xe thuê, sống trong căn nhà 9m2, thuê 50 nghìn đồng/tháng.

Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta từng nghe đến tôn Hoa Sen hoặc chương trình Mái Ấm Gia Đình Việt do tập đoàn Hoa Sen (Hoa Sen Group) đứng sau. Với vốn điều lệ hơn 6 nghìn tỷ đồng, đây là tập đoàn nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh tôn, ống thép và ống nhựa. Những năm gần đây, tập đoàn còn mở rộng sang mảng vật liệu xây dựng, bất động sản và nhiều ngành nghề kinh doanh khác. Tập đoàn Hoa Sen hiện sở hữu 11 nhà máy lớn và hệ thống hơn 400 chi nhánh phân phối – bán lẻ trải dài trên khắp cả nước, sản phẩm xuất khẩu đến 75 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Từ anh lái xe thuê, ở nhà 9m2 thuê 50 nghìn/tháng đến doanh nhân nghìn tỷ

Người đứng đầu Tập đoàn Hoa Sen, giữ chức Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị từ năm 2001 đến nay là ông Lê Phước Vũ (SN 1963, quê Bình Định).

Ông Lê Phước Vũ.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Lê Phước Vũ học Trung cấp Giao thông vận tải rồi vào miền Nam mưu sinh. Ông làm nhiều nghề khác nhau, có khi ở đội lái xe khoán, rồi lái xe con,... Có những ngày, ông cùng vợ con phải ở trong một căn phòng thuê 9m2 với giá 50 nghìn đồng/tháng.

Bước ngoặt trong sự nghiệp đến với ông Vũ khi ông đang là quản đốc cho Công ty Gỗ Đức Thành (tiền thân của Công ty CP Gỗ Đức Thành hiện nay). Tại đây, ông tình cờ gặp lãnh đạo của một công ty thép nước ngoài, được gợi mở cho Vũ con đường kinh doanh. Và thế rồi, tháng 4/1994, Lê Phước Vũ mở cửa hàng cắt tôn. Ban đầu, vợ chồng ông chỉ tích cóp đủ được 2 chỉ vàng và 200 ngàn đồng (tương đương 1,2 triệu đồng), không nổi 5 triệu đồng tiền đặt cọc thuê mặt bằng nên đã chạy vạy khắp nơi, mượn được người quen đủ tiền với cam kết sẽ cắt tôn trừ nợ dần sau này. Ông Vũ từng kể mình nhớ mãi cảm giác “mừng rơi nước mắt” khi lần đầu tiên cầm 650.000 đồng tiền lãi vào ngày 18/05/1994.

Những năm sau đó, ông Lê Phước Vũ đã có những quyết định táo bạo, không ngại khó khăn và có lẽ là cả duyên nợ với tôn, công việc làm ăn của ông ngày càng mở rộng và thuận lợi.

Năm 2001, với số vốn tích góp trong suốt 7 năm lăn lộn, ông thành lập Công ty Cổ phần Tôn Hoa Sen với vốn điều lệ 30 tỷ đồng và 22 nhân viên, sản xuất các sản phẩm tấm lợp kim loại, tôn mạ màu, tôn mạ kẽm, tấm lợp kim loại, gỗ thiếp, nhựa... và các loại vật liệu xây dựng khác. Đến năm 2007, công ty được đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen.

Ông Vũ sử dụng phương châm “mua tận gốc, bán tận ngọn”, cất công xây dựng hệ thống phân phối bán trực tiếp tới người dùng để giảm thiểu chi phí; từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn trong ngành. Ông Vũ nổi tiếng trên thương trường nhờ những quyết định táo bạo. Khi Hoa Sen đứng trước nguy cơ bị phá sản trong khủng hoảng kinh tế, ông đã bất ngờ bán tháo tất cả hàng trong kho, rồi sau đó mua lại với giá rẻ hơn, nhu cầu tới đâu mua tới đó.

Hiện tại, vốn điều lệ của công ty hơn 6,2 nghìn tỷ đồng. Ông Lê Phước Vũ sở hữu số lượng hơn 105 triệu cổ phiếu của Tập đoàn Hoa Sen tương đương với 16,96% cổ phần.

Hàng năm Hoa Sen đều trích 3% lợi nhuận sau thuế hợp nhất để thực hiện các hoạt động từ thiện. Trong đó, nổi tiếng có chương trình Mái Ấm Gia Đình Việt - chương trình thiện nguyện giúp đỡ hàng nghìn gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên khắp mọi miền tổ quốc.

Chương trình Mái Ấm Gia Đình Việt.

Quyết tâm xuất gia, dự tính trao quyền thừa kế cho con gái sinh năm 2K1

Tháng 7/2020, ông Vũ làm lễ quy y tại chùa Viên Minh, Hà Nội sau nhiều năm tìm hiểu về Phật giáo. Dù ở trên núi, mỗi tháng chủ tịch quê Bình Định vẫn về một lần và điều hành tập đoàn từ xa, mỗi tháng chỉ ghé tập đoàn 2 lần, mỗi lần chỉ khoảng 2 tiếng.

Ông Vũ từng nói, đến năm 2026 (dấu mốc 25 năm thành lập của Hoa Sen) sẽ chính thức xuất gia. "Chắc chắn sau đó tôi sẽ xuất gia, sống cuộc đời phạm hạnh (trong sạch, thanh tịnh) của một người tu hành. Tôi sẽ ra đi khi tròn trách nhiệm, chứ không phải ra đi để gom một mớ tiền", ông Vũ nói. Tuy nhiên, tại kỳ họp cổ đông năm 2024, ông Vũ nói kế hoạch đã có sự thay đổi, do còn nhiều công trình nên chưa thể nghỉ sớm, có thể thêm 5-10 năm nữa, đồng nghĩa với chậm lại quá trình đi tu.

Ông Lê Phước Vũ được biết đến là đại gia lên núi ở ẩn khi chính thức công bố quy y Tam bảo từ giữa tháng 7/2020, sống trên núi.

Tại đây, ông cũng trải lòng việc trước khi lui về. Theo đó, Lê Phước Vũ dự tính sẽ chuyển giao quyền điều hành và cổ phiếu cho con gái út sinh năm 2001 Lê Hoàng Diệu Thiện. Cô hiện đang học song song hai bằng đại học tại Úc. Ông dự định cho con về công ty làm việc, thử thách từ vị trí nhỏ nhất, kể cả kế toán hay nhân viên văn phòng.

Chủ tịch Hoa Sen cho biết việc tìm người thay thế để điều hành tập đoàn như "thắp đuốc giữa ban ngày" mà tìm không ra một người doanh nhân để chuyển giao. Ngoài năng lực còn đạo đức, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng.

Về kế hoạch chuyển giao tập đoàn cho con gái, ông Vũ nhận định thêm: "Con gái tôi nó không thích nhận đâu, nó khóc và nói con sợ trách nhiệm. Tôi động viên con có thể khởi đầu bằng công việc của một nhân viên, xuống nhà máy để biết công việc ở nhà máy. 10 năm nữa nếu con sẵn sàng thì làm, nếu không thì tính bài khác".

Cô con gái này chưa từng xuất hiện trước truyền thông.

Sau khi con gái vững vàng với vai trò là người kế thừa Tập đoàn Hoa Sen, ông Lê Phước Vũ sẽ xuất gia theo nguyện vọng từ nhiều năm qua của ông.

Ngoài Diệu Thiện, ông Lê Phước Vũ còn có 2 người con nữa là Lê Hoàng Vũ Trí, Lê Hoàng Diệu Tâm.

Tác giả: Trần Hà

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP