Trong nước

Ông Dương Trung Quốc: 'Nên công khai nút bấm của đại biểu Quốc hội'

Nhà sử học cho hay, ông là một trong 15 đại biểu bấm nút không tán thành việc thông qua dự thảo Luật An ninh mạng.

Tuần làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 5, Quốc hội dành nhiều phiên làm việc để đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua các dự án Luật, nghị quyết theo lịch trình.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho hay, việc bố trí thời gian như trên là cách làm theo thông lệ và với tư cách cá nhân, ông đã nhiều lần phát biểu trên diễn đàn về việc Quốc hội nên có hình thức "công khai nút bấm" của đại biểu. VnExpress có cuộc phỏng vấn ông Dương Trung Quốc xung quanh vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Phong

"Tôi luôn sẵn sàng công khai quyết định của mình"

- Hôm qua 12/6, Quốc hội đã thông qua một dự thảo Luật được cử tri quan tâm là Luật An ninh mạng với 423 trong tổng số 466 đại biểu có mặt bấm nút tán thành (86,86%); 15 đại biểu không tán thành; 28 đại biểu không biểu quyết. Vậy ông đã bấm nút như thế nào?

- Tôi là một trong 15 người bỏ phiếu không tán thành thông qua dự thảo Luật An ninh mạng. Vì sao như vậy? Trước hết, tôi hoan nghênh có Luật để đảm bảo an ninh trên môi trường mạng, đặc biệt là vấn đề an ninh quốc gia trong thời đại công nghệ phát triển, mạng đã trở thành không gian cuộc sống hiện đại. Nhưng qua nghiên cứu, tôi nhận thấy dự thảo Luật chưa đáp ứng được như mong muốn và yêu cầu đặt ra.

Quyết định của tôi chỉ nằm trong nhóm thiểu số, tuy nhiên với nhận thức của mình, tôi cho rằng cần phải tránh những rủi ro. Mạng là môi trường toàn cầu và chúng ta đang thừa hưởng thành quả công nghệ của nhân loại. Việc quản lý và làm luật phải làm sao để phù hợp thực tiễn, để người dân được hưởng thành tựu đó, bởi nội dung này gắn với các quyền rất quan trọng của công dân đã được quy định bởi Hiến pháp.

Hơn nữa, chúng ta phải có bước đi thích hợp để giữ được các cam kết trong quá trình hội nhập quốc tế. Luật nào cũng có đời sống của nó. Công nghệ đang phát triển và thay đổi từng ngày, từng giờ. Ai biết trước chỉ một vài năm tới công nghệ thay đổi thì nhà chức trách sẽ quản lý ra sao? Hay khi đó lại phải sửa luật?

Tôi hiểu tinh thần chung các đại biểu Quốc hội muốn đảm bảo an ninh mạng. Nhưng khi dân trí ngày càng cao, ý thức tham gia mạng cũng sẽ tốt hơn để phát huy được những mặt tích cực. Đừng vì một số người làm bậy mà tiếp cận vấn đề theo hướng khiến ảnh hưởng đến tất cả mọi người trên mạng.

- Đây là lần đầu ông công khai nút bấm của mình?

- Với bất cứ nội dung gì dù nhạy cảm hay không, nếu báo chí và cử tri hỏi, tôi luôn sẵn sàng công khai quyết định của mình trên nghị trường.

Năm 2013, khi Quốc hội bỏ phiếu thông qua Hiến pháp (sửa đổi), trên màn hình chỉ hiển thị hai người bỏ phiếu trắng (không biểu quyết). Ngay lúc đó tôi đã chủ trương phải để người dân biết quan điểm của mình, nên khi bấm nút xong, tôi ra ngoài chia sẻ điều đó với báo chí với giải thích rằng: "Trước hết, tôi muốn đại diện cho một bộ phận nhân dân mà như trong lời phát biểu khi Quốc hội chuẩn bị bỏ phiếu thông qua Hiến pháp (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nói: Trong một bộ phận nhân dân và ngay cả một số đại biểu cũng còn có ý kiến khác...".

Thời điểm đó, tuy không biểu quyết về dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) nhưng tôi vẫn đồng thuận khi Quốc hội thông qua nghị quyết thi hành Hiến pháp. Với tư cách là một thành viên ban biên tập, tham gia trực tiếp vào quá trình dự thảo, tôi nghĩ bản Hiến pháp này nếu đi vào cuộc sống sẽ tạo nên nhiều sự thay đổi, vì trong đó chứa đựng những quy định tiến bộ hơn nếu so với Hiến pháp năm 1992.

Nhớ lại, người thứ hai bỏ phiếu trắng như tôi là ai thì đến thời điểm này tôi cũng không biết bởi việc này chưa được công khai. Với tư cách người làm sử, tôi chỉ ghi được rằng khi Quốc hội bỏ phiếu thông qua Hiến pháp 2013, có hai phiếu trắng, một người là tôi, còn người nữa là ai?

Theo tôi, nếu coi đây là biểu quyết công khai thì phải để người dân được biết thái độ từng đại biểu. Nếu hiển thị trên màn hình gần 500 người khó khăn về mặt công nghệ thì Đoàn thư ký kỳ họp có thể in ra, cung cấp cho báo chí và người dân.

"Bấm nút thì chỉ có con số và tỷ lệ chung"

- Điều gì thôi thúc ông nhiều lần đề nghị Quốc hội công khai nút bấm của đại biểu?

- Từ “bấm nút” mới được sử dụng khi Quốc hội ứng dụng công nghệ, còn bản chất đó vẫn là hình thức biểu quyết công khai.

Tôi bắt đầu tham gia Quốc hội từ khoá XI, năm 2002, lúc đó chưa có công nghệ bấm nút. Mỗi đại biểu có một chiếc biển, ghi mã số, nếu ai đồng ý thì giơ lên. Cách biểu quyết đó thô sơ nhưng rất hay.

Khi ứng dụng công nghệ bấm nút, lúc đầu ai cũng thích lắm bởi chỉ tích tắc là ra tỉ lệ phiếu thuận, phiếu không tán thành, phiếu trắng hiển thị trên màn hình; nghĩa là tiện lợi hơn, nhưng tôi nhận thấy như vậy đã mất đi tính cụ thể. Bấm nút thì chỉ có con số và tỷ lệ chung. Người dân không được biết đại biểu nào ủng hộ, phản đối hay không có ý kiến về một vấn đề nào đó mà cử tri quan tâm.

Ngày 23/5 vừa qua, khi thảo luận ở hội trường về dự án Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, một lần nữa tôi đã nêu ý kiến là mong Quốc hội có hình thức công bố quyết định của đại biểu.

- Quốc hội các nước sử dụng hình thức biểu quyết như thế nào thưa ông?

- Tôi không có điều kiện để biết hết, nhưng qua tham quan một số nước tôi thấy họ rất coi trọng việc minh bạch biểu quyết. Cử tri các nước không chỉ giám sát hoạt động chung của Quốc hội mà quan trọng hơn là giám sát người mà họ bầu ra xem có phản ánh đúng nguyện vọng, ý chí của họ hay không. Người dân phải được biết rõ những ai biểu quyết ủng hộ hay phản đối về những quyết sách quan trọng của đất nước.

Vương quốc Anh vẫn giữ tập quán hàng trăm năm nay khi biểu quyết là ai đồng ý thì sang cửa tả, ai không đồng ý sang cửa hữu. Mỗi bên đều có sổ ghi rõ từng người. Bất kỳ người dân hay ai đến đều có thể xem những cuốn sổ để biết vào thời gian nào, từng nghị sĩ có thái độ ra sao với các quyết sách.

- Qua nhiều lần kiến nghị chưa thành hiện thực, ông tiếp tục theo đuổi vấn đề này như thế nào?

- Tôi sẽ kiên trì nêu ý kiến và mong sớm được chấp thuận. Mỗi người có sự hiểu biết khác nhau nhưng trách nhiệm của người đại biểu dân cử thì như nhau, mỗi lá phiếu đều bình đẳng do vậy đại biểu phải biết lắng nghe, có năng lực phân tích và có bản lĩnh để quyết định, để nói lên điều mình nghĩ.

Với trường hợp Bộ Luật Hình sự 2015, vừa được Quốc hội thông qua thì đã phải hoãn thi hành do có nhiều sai sót. Ở đây có lý do là Bộ Luật với hàng nghìn điều mà chúng tôi chưa hiểu hết được những ngóc ngách của cuộc sống, nhưng với tư cách đại biểu có một lá phiếu thì tôi phải chịu trách nhiệm với điều đó. Khi tiếp xúc cử tri, tôi đã nhận lỗi của mình.

Với tinh thần như vậy, tôi nghĩ rằng việc công khai nút bấm sẽ góp phần tích cực vào sinh hoạt nghị trường.

Tác giả: Vũ Viết Tuân

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP