Phá hoại hay trùng tu tháp Chăm ở Di sản văn hóa Mỹ Sơn?

Admin
Vừa qua, trên mạng xã hội có nhiều ý kiến trái chiều về phương pháp trùng tu của các chuyên gia Ấn Độ trong quá trình triển khai dự án hợp tác Việt Nam – Ấn Độ về bảo tồn và tôn tạo Khu Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn.

Thông tin kèm theo một số hình ảnh chụp tại Mỹ Sơn trên facebook của một cá nhân và cho rằng “các nhà khảo cổ học và trùng tu Ấn Độ đang phá di sản Mỹ Sơn”.

 Những hình ảnh trên mạng xã hội cho rằng các nhà khảo cổ và trùng tu Ấn Độ đang “phá” di sản Mỹ Sơn

Theo tìm hiểu của PV, từ tháng 1/2018 đến nay, các chuyên gia Ấn Độ đang thực hiện chương trình năm thứ 2 (2017-2018) của dự án ở các nhóm tháp H, K và A. Đây là dự án được Chính phủ hai nước Ấn Độ và Việt Nam ký kết từ năm 2015, kéo dài 5 năm (2016-2021) với kinh phí hơn 60 tỷ đồng, trong đó Chính phủ Ấn Độ tài trợ hơn 50 tỷ đồng.

Trong thư gửi phối hợp với Ban quản lý Khu Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn - ông Romel Singh Jamwal - Giám đốc dự án cho biết, theo kế hoạch, chương trình năm thứ hai được các chuyên gia Ấn Độ tiến hành phát quang dọn dẹp cây cỏ từ trong và xung quanh nhóm K, H và A cùng với việc thực hiện chức năng hệ thống thoát nước. Tiếp tục công việc trùng tu phần còn lại của cấu trúc tháp cổng…

 Nhóm tháp K trước khi các chuyên gia Ấn Độ triển khai dự án

Trao đổi với PV Dân trí, ông Phan Văn Cẩm - Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam, đồng thời là Trưởng ban điều hành dự án - khẳng định, đến thời điểm này các chuyên gia Ấn Độ chỉ mới tiến hành trùng tu ở một vài khối kiến trúc đơn giản, diện tích nhỏ. Phần lõi của di tích vẫn chưa đụng vào, công tác trùng tu vẫn đảm bảo nguyên vẹn tính chân xác của di tích.

 Các chuyên gia Ấn Độ khảo sát nhóm tháp H vào tháng 5/2015, trước khi thực hiện dự án

Về phía địa phương vẫn tin tưởng vào kỹ năng và phương pháp của chuyên gia Ấn trong công tác trùng tu các nhóm tháp Chăm ở Mỹ Sơn. Ông Cẩm cũng cho biết đây là dự án mà Bộ VH-TT&DL đã tham mưu, đề xuất và Chính phủ Ấn Độ đã tài trợ để thực hiện dự án bảo tồn tại Mỹ Sơn.

Nhóm chuyên gia kỹ thuật đến từ Viện Nghiên cứu khảo sát khảo cổ học Ấn Độ (ASI) hiểu rõ và có kinh nghiệm trong trùng tu các tháp Champa, đã từng thực hiện các dự án bảo tồn trùng tu tại Angkor (Campuchia), Myanmar và Lào.

 Nhóm tháp K trong quá trình triển khai dự án

Ông Cẩm cho biết trong ngày 27/4, ông đã đến hiện trường dự án để kiểm tra thực tế về những hình ảnh đang lan truyền trên mạng xã hội rằng các chuyên gia Ấn Độ dùng xi măng và gạch mới mài máy để trùng tu… Thực tế thì phần được cho là xi-măng trét chính là vữa vôi và bột gạch dùng cho việc tu bổ. Điều này cũng được các chuyên gia Ấn Độ chứng minh trước ống kính của các nhà báo ngay tại hiện trường.

 Ông Cẩm khảo sát thực tế dự án tại nhóm tháp H vào ngày 27/4/2018

“Tại nhóm tháp H, trong quá trình khai quật có cây cổ thụ mọc nên phải đào di dời để triển khai trùng tu. Đến thời điểm này đã dọn dẹp lại không còn cảnh tượng đào bới như phản ánh. Có thể tấm ảnh được đưa trên mạng xã hội được chụp vào thời điểm vừa đào cây di dời. Hệ thống thoát nước và tường bao xung quanh di tích là điều tốt để bảo vệ các nhóm tháp trước khi đi vào quá trình trùng tu cụ thể”, ông Cẩm nói.

Về ý kiến lo ngại rằng phương pháp trùng tu của các chuyên gia Ấn Độ sẽ phá vỡ di tích gốc, ông Cẩm cho biết trong quá trình thực hiện dự án luôn có sự đồng thuận giữa chuyên gia Ấn và Việt Nam và việc tu bổ được tiến hành theo đúng trình tự, nội dung và giải pháp kỹ thuật như đã nêu trong dự án và theo thỏa thuận; dự án sẽ bắt đầu từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, để từ quá trình làm sẽ xem xét khả năng trùng tu của họ với các nhóm tháp K, H vừa làm vừa rút kinh nghiệm rồi mới đến nhóm tháp A – được xem là công trình quan trọng của văn minh Champa.

 Tượng hình sư tử phát hiện ở tháp K khi triển khai dự án năm thứ nhất

Ông Cẩm khẳng định đến thời điểm này, dự án vẫn đảm bảo thực hiện tiến độ theo kế hoạch 5 năm và từng năm một. Theo báo cáo sơ bộ, kế hoạch năm 2018 bắt đầu thực hiện vào ngày 13/1. Cụ thể đối với nhóm K, đào móng và xây tường gạch mới quanh hiện trạng phạm vi đã khai quật năm 2017, nhằm chắn đất và nước không tràn vào bên trong.

Xử lý nền và lát gạch mới nội khu bên trong tháp. Khai quật làm lộ toàn bộ tháp K. Trùng tu bậc cấp, thành bậc cấp phía Tây và phần chân tháp hai mặt Bắc và Nam. Xử lý nền và lát gạch lòng tháp; xử lý móng và lát gạch mới lối đi từ đường chính vào tháp K.

Đối với nhóm tháp H đã khai quật làm lộ rõ tháp H4, vẽ kỷ thuật và tiến hành trùng tu tường Nam tháp H4. Khai quật lòng tháp H2, phần tiếp giáp giữa tháp H2 và H1; lấp một phần tháp H2, tránh ứ đọng nước vào mùa mưa. Khai quật làm lộ rõ toàn bộ tường bao còn lại khu H, đào các gốc cây mọc trên tường bao và bắt đầu trùng tu tường bao khu H. Đối với nhóm tháp A đến hiện tại mới thực hiện vệ sinh tổng thể, nhổ sạch cỏ, cây dại toàn bộ.