Ông Lew Je-bong, giáo viên nghỉ hưu 84 tuổi, hoài nghi về động cơ của Bình Nhưỡng trước hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào ngày 27/4. Ảnh: AFP.
|
"Hy vọng của tôi về hội nghị thượng đỉnh Nam - Bắc diễn ra vào ngày 27/4 là tổng thống Hàn Quốc sẽ không bị xỏ mũi", thầy giáo tiếng Anh Lew Je-bong nói với AFP bằng giọng đầy hoài nghi. "Bọn họ sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân và nếu đúng thế, chẳng có gì để đàm phán cả".
Trải qua thời niên thiếu trong khói lửa cuộc Chiến tranh Triều Tiên kéo dài từ 1950 đến 1953, ông Lew nhớ cùng cả gia đình đi bộ nhiều ngày, tháo chạy khỏi quê nhà khi thủ đô Bình Nhưỡng bị chiếm đóng.
Theo ông Lew, lãnh đạo Kim Jong-un đang che giấu ý đồ thật sự và cho rằng Seoul cần rút kinh nghiệm từ những lần Bình Nhưỡng phá vỡ cam kết. Vào tháng 10/1994, khi Kim Nhật Thành qua đời, con trai Kim Jong-il lên lãnh đạo và ký kết hiệp định song phương với Mỹ. Theo đó, Bình Nhưỡng cam kết dừng và giải giáp chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lấy các lò phản ứng sản xuất điện dùng vào mục đích dân sự.
Nhưng đến năm 1998, Bình Nhưỡng tiến hành cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa đầu tiên. Sau đó một năm, lãnh đạo Kim Jong-il lại thay đổi quan điểm, tuyên bố hoãn các vụ thử trong tương lai.
Đến cuối năm 2002, Washington cáo buộc Bình Nhưỡng bí mật tiến hành chương trình làm giàu uranium, vi phạm hiệp định ký kết năm 1994. Tháng 8/2004, Triều Tiên tuyên bố phá vỡ hiệp định về chương trình hạt nhân đã ký với Mỹ. Năm ngoái, Bình Nhưỡng liên tiếp thử nghiệm tên lửa và hạt nhân, đẩy căng thẳng trên bán đảo lên một nấc thang mới.
Bình Nhưỡng là "kẻ nói dối trắng trợn nhất thế giới", giáo viên về hưu 84 tuổi bình luận. "Chúng ta đã viện trợ cho họ hơn 10.000 tỷ won (9 tỷ USD). Nhưng họ lại dùng số tiền đó sản xuất vũ khí hạt nhân và đe dọa chúng ta".
Trải qua thời kỳ chiến tranh tàn khốc, ông Lew coi vấn đề an ninh của đất nước là điều quan trọng nhất và tin rằng Mỹ sẽ không bao giờ bao giờ để xảy ra tình huống Triều Tiên tấn công Hàn Quốc.
Lạc quan
Lee Jeong-jin hy, doanh nhân 52 tuổi, vọng hội nghị thượng đỉnh liên Triều sẽ mở ra cơ hội thống nhất hai miền Nam - Bắc. Ảnh: AFP. |
Ngược lại, ông Lee Jeong-jin, một doanh nhân 52 tuổi, suýt bật khóc khi biết tin lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên sắp gặp nhau. Thế hệ ông Lee trưởng thành trong giai đoạn những năm 1980 khi phong trào dân chủ và bài Mỹ lên cao. Thanh niên, sinh viên thời đó mang trong lòng nuối tiếc về sự chia cắt trên bán đảo Triều Tiên sau Thế chiến II và phản đối Mỹ ủng hộ chính quyền quân sự lúc bấy giờ ở Seoul.
"Chúng tôi là một nhưng đã bị chia cắt gần 70 năm. Khi hai bên sẵn lòng vượt qua những sự khác biệt và đàm phán hòa bình thì đó là một bước tiến lớn rồi", ông Lee nói và kỳ vọng những tiến bộ ngoại giao gần đây sẽ mở ra viễn cảnh hứa hẹn về hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Ông Lee ủng hộ hai miền thống nhất để tạo ra một nền kinh tế với gần 100 triệu dân "có thể chống chọi mọi thay đổi từ bên ngoài".
"Tôi không hiểu tại sao chúng ta phải cho rằng hội nghị liên Triều là một động thái gian dối. Nếu như thế, đối thoại để làm gì cơ chứ?", ông Lee bác bỏ quan điểm cho rằng Bình Nhưỡng ngồi vào bàn hội đàm với ý đồ riêng.
Thờ ơ
Choi Won-young, nghệ sĩ hip-hop 19 tuổi, không quan tâm tới hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Ảnh: AFP. |
Trước thềm cuộc gặp mặt lịch sử, báo chí Hàn Quốc và quốc tế đồng loạt đưa tin về sự kiện này nhưng Choi Won-young, dân hip-hop chuyên nghiệp, hoàn toàn không quan tâm.
"Tôi thấy báo chí đăng rồi nhưng không tìm hiểu kỹ", cậu thanh niên 19 tuổi với mái tóc nhuộm vàng, đeo khuyên tai, nói. "Đó chỉ là cuộc gặp giữa Hàn Quốc và Triều Tiên nhưng thú thật tôi không hứng thú muốn biết".
Thanh niên Hàn Quốc như Choi không có nhiều mối liên hệ với Triều Tiên. Lớn lên trong một xã hội dân chủ và công nghiệp hóa, Choi chỉ chú ý đến quốc gia láng giềng mỗi khi Bình Nhưỡng thử nghiệm tên lửa hay vũ khí hạt nhân.
Nói đến thống nhất hai miền, một số thanh niên Hàn Quốc lo ngại về gánh nặng tài chính đổ lên miền Nam và tương lai cạnh tranh trong một thị trường lao động giá rẻ. Một cuộc khảo sát gần đây do Viện Thống nhất Hàn Quốc thực hiện cho thấy hơn 70% thanh niên trong độ tuổi 20 được hỏi phản đối hai miền thống nhất.
"Tôi thấy thực sự không cần thiết phải thống nhất", Choi nói.