Phát hiện hàng loạt sai phạm sau khi thanh tra xăng dầu

Admin
Thanh tra Bộ Công Thương mới công bố một loạt sai phạm của thương nhân đầu mối khi kinh doanh xăng dầu, có cả thiếu sót của cơ quan quản lý.

Tiêu biểu nhất, một số thương nhân đầu mối không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu của Nghị định 83 và Nghị định 95.

Cụ thể, các thương nhân có tình trạng vẫn bán hàng khi giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng đầu hết giá trị; không báo cáo cơ quan quản lý khi thay đổi số lượng đại lý, thương nhân nhận quyền; cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu của các công ty con, công ty có vốn góp thuộc đồng sở hữu của một số thương nhân đầu mối chưa rõ ràng, chưa có căn cứ pháp lý, cơ sở để nhận xét, đánh giá về việc đồng sở hữu.

Một số khác tìm cách lách luật do không đáp ứng yêu cầu đủ tối thiểu 40 tổng đại lý kinh doanh/đại lý bán lẻ/thương nhân nhận quyền.

Có thương nhân đầu mối báo cáo tình hình kho chứa xăng dầu không chính xác; thuê kho với sức chứa chưa đáp ứng quy định; thuê kho, bồn, bể chứa hoặc trang thiết bị liên quan đến điều kiện cấp phép để qua mặt cơ quan chức năng.

Danh sách 11 thương nhân đầu mối thuộc diện thanh tra gồm Tổng công ty xuất nhập khẩu Thanh Lễ, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng, Công ty CP Thương mại Dầu khí Đồng tháp, Công ty TNHH MTV dầu khí TP. HCM, Công ty CP Tập đoàn Dương Đông, Công ty CP Dầu khí Đông Phương, Công ty CP Đầu tư Nam Phúc, Công ty xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty TNHH xăng dầu Hùng Hậu, Công ty CP Thương mại đầu tư khí Nam Sông Hậu.

 Các sai phạm của thương nhân đầu mối ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu trong nước. Ảnh: Minh Phúc.

Đáng chú ý, hoạt động mua xăng dầu trong nước xuất hiện trường hợp các thương nhân phân phối bán ngược xăng dầu cho thương nhân đầu mối. Thanh tra kết luận điều này không đúng quy định về quyền và nghĩa vụ của các thương nhân nhưng chưa có chế tài xử lý.

Trong khi đó, hoạt động nhập khẩu xăng dầu xuất hiện tình trạng thương nhân không hoạt động nhập khẩu trong quý I và quý II/2021 nhưng vẫn nhập khẩu đủ sản lượng tối thiểu theo quy định cả năm. Kết luận thanh tra nhấn mạnh Bộ Công Thương có thẩm quyền thu hồi Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu nếu thương nhân đầu mối không tiếp tục hoạt động xuất nhập khẩu xăng dầu trong một quý trở lên.

Có trường hợp thương nhân đầu mối không nhập khẩu xăng hoặc nhập khẩu xăng dầu ít hơn mức tối thiểu do Bộ Công Thương giao.

Kết luận thanh tra lưu ý phần lớn thương nhân đầu mối bán xăng dầu cho các thương nhân phân phối với sản lượng thấp hơn mức bình quân một tháng của năm ngoái. Bên cạnh đó hoạt động dữ trữ xăng dầu tại đầu mối cũng chưa đáp ứng mức tối thiểu bắt buộc là 15 ngày.

Cả nước hiện có 2 thương nhân đầu mối giữ nhiệm vụ dự trữ quốc gia mặt hàng xăng dầu. Dẫu vậy, một thương nhân lại có tồn kho xăng dầu thấp hơn mức quy định tại một số thời điểm, chưa đảm bảo dự trữ quốc gia tại kho tuyến sau nhưng lượng tổng tồn sổ sách cùng giai đoạn của các kho công ty đều cao hơn mức dự trữ quy định.

Chánh thanh tra Bộ Công Thương đã ban hành 23 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 11 thương nhân đầu mối và các công ty con, đơn vị trực thuộc của thương nhân đầu mối.

Kết luận thanh tra cũng cho biết dù báo cáo của các thương nhân đầu mối gửi về hàng năm đã thể hiện có hành vi vi phạm hành chính trong kinh doanh xăng dầu, việc duy trì hệ thống phân phối theo quy định nhưng một số Vụ, Cục thuộc Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý chưa kịp thời kiểm tra, đối chiếu, rà soát; chậm trễ phát hiện các hành vi vi phạm hành chính và kiến nghị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các hình phạt theo quy định.

Kết luận nêu rõ một số Vụ, Cục thuộc Bộ Công Thương với vai trò cơ quan tham mưu chưa tham mưu đầy đủ với lãnh đạo bộ để thực hiện chức năng hướng dẫn thực hiện hoạt động kinh doanh, phân phối xăng dầu hay kiểm tra, giám sát thương nhân tuân thủ các điều kiện và các quy định tại Nghị định số 83.

Tác giả: Minh Khánh

Nguồn tin: zingnews.vn