Trứng là một trong những thực phẩm bổ dưỡng nhất giúp tăng cường sức khỏe và tinh thần tổng thể. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ăn một quả trứng mỗi ngày sẽ cung cấp cho bạn các chất dinh dưỡng tốt cho tim như kali, folate và vitamin B.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới, ngoài việc cung cấp năng lượng và protein, món trứng tráng vào buổi sáng còn có thể bảo vệ bạn khỏi bệnh viêm khớp. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Food and Function cho thấy việc tiêu thụ cả quả trứng giúp mật độ xương cao hơn. Đây là lựa chọn giảm nguy cơ loãng xương.
Nghiên cứu mới phát hiện trứng cực tốt cho xương. Ảnh minh họa: Internet
Loãng xương là một bệnh về xương, phát triển khi mật độ khoáng xương và khối lượng xương giảm hoặc khi cấu trúc hay sức bền của xương thay đổi. Điều này có thể dẫn đến giảm sức mạnh của xương, có thể làm tăng nguy cơ gãy xương.
Mối liên hệ giữa trứng và mật độ xương
Các nhà khoa học đã tiến hành khảo sát hơn 19.000 người. Họ đánh giá mật độ khoáng xương của những người này với cùng mức tiêu thụ trứng. Phân tích cho thấy những người tiêu thụ ít nhất 2 quả trứng lớn mỗi ngày tăng đáng kể mức mật độ khoáng xương (BMD) ở xương đùi và cột sống. BMD đo lượng canxi và các khoáng chất trong xương và BMD thấp là dấu hiệu của bệnh loãng xương.
Các chuyên gia cho biết người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn vì khi già đi, lượng xương mất đi nhiều hơn lượng được tạo ra. Đặc biệt phụ nữ lớn tuổi có nhiều khả năng mắc bệnh này hơn vì nồng độ estrogen giảm sau mãn kinh.
Ngoài tuổi già, dinh dưỡng không đủ, ít hoạt động thể chất, hút thuốc, uống quá nhiều rượu và sử dụng một số loại thuốc trong thời gian dài cũng có thể khiến bạn có nguy cơ bị yếu xương, giòn xương.
Phụ nữ và người già, 2 đối tượng sức khỏe xương yếu nên ăn nhiều trứng. Ảnh minh họa: Internet
Làm thế nào trứng giúp xương khỏe mạnh?
Trứng chứa nhiều protein và kích hoạt một nhóm enzyme trong cơ thể gọi là alkaline phosphatase (ALP), có thể giúp xương chắc khỏe. ALP là một nhóm enzyme chủ yếu tồn tại ở gan, xương, thận... là dấu ấn sinh học của quá trình chuyển hóa xương và không phải là một phần của trứng. Việc tiêu thụ cả quả trứng có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất ALP, điều này ảnh hưởng đáng kể đến mạt độ khoáng xương ở cả xương đùi và cột sống thắt lưng.
Các chuyên gia cho biết vai trò của ALP chiếm khoảng 72% ảnh hưởng của trứng đến mật độ xương ở xương đùi và 83% ở cột sống thắt lưng. Điều này cho thấy ăn trứng có lợi bởi chúng tác động đến ALP.
Bên cạnh tác dụng của enzyme này, trứng còn giàu vitamin D, giúp cơ thể bạn hấp thụ canxi, một loại khoáng chất cần thiết cho xương chắc khỏe.