Từ ngày 6/5, nhiều người dân Tp.Hải Phòng, nhất là những người yêu quý động vật, “phát sốt” với hình ảnh voọc Cát Bà mẹ ôm voọc con có lông màu vàng cam rực rỡ được chia sẻ trên nhiều trang mạng xã hội.
Trưa 7/5, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Neahga Leonard - Giám đốc Dự án bảo tồn voọc Cát Bà của Vườn thú Leipzig (Đức), xác nhận, những hình ảnh đó là của 3 con voọc Cát Bà non được sinh trong tháng 4/2024 thuộc tiểu quần thể voọc Cát Bà ở khu vực Cửa Đông thuộc Vườn quốc gia (VQG) Cát Bà ở huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng.
Ông Neahga Leonard cho biết, thời gian sinh nở của voọc Cát Bà chủ yếu vào khoảng trước mùa mưa hằng năm. Từ đầu năm đến nay, đàn voọc Cát Bà ở VQG Cát Bà đã sinh tổng cộng 7 con.
Khi mới sinh, voọc Cát Bà con có màu lông vàng rực rỡ. Đến khi trưởng thành, lông của chúng chuyển sang màu đen, phần đầu màu trắng (Ảnh: Dự án bảo tồn voọc Cát Bà).
Ông Neahga Leonard - Giám đốc Dự án bảo tồn voọc Cát Bà, trò chuyện với Người Đưa Tin về việc bảo tồn voọc Cát Bà.
Khi mới sinh, voọc con có bộ lông màu vàng cam rực rỡ. Sau khi trưởng thành, màu lông chúng chuyển sang màu đen, phần đầu có màu trắng. “Giống như một số loài linh trưởng, khi còn non chúng có bộ lông màu vàng rực rỡ để nhận được sự yêu thương, chăm sóc của các con voọc cái khác trong đàn”, ông Neahga Leonard chia sẻ.
Voọc Cát Bà là loài linh trưởng đặc hữu của VQG Cát Bà và là loài linh trưởng quý hiếm thứ 2 trên thế giới. Theo những khảo sát gần đây của Dự án bảo tồn voọc Cát Bà, số lượng bầy đàn trên dưới 85 con sinh sống tại nhiều nơi ở VQG Cát Bà. Trong đó, 2 tiểu quần thể có số lượng lớn nhất đang sinh sống ở khu vực Cửa Đông và khu vực Giỏ Cùng.
Tuổi đời trung bình của voọc Cát Bà 25 - 30 năm. Khi voọc cái 5 - 6 tuổi mới bắt đầu giao phối. Sau khi sinh con, hơn 2 năm sau chúng mới có thể giao phối tiếp. Do tập tính bầy đàn, chỉ con đực đầu đàn mới có quyền giao phối với các con cái trưởng thành khác trong đàn. Với những con đực trưởng thành khác trong đàn, nếu muốn giao phối, buộc phải tách đàn lập đàn mới hoặc tranh giành vị trí đầu đàn.
Ông Neahga Leonard thông tin, Dự án bảo tồn voọc Cát Bà được thành lập năm 2000. Trước đó, từ năm 1999, có nhiều cuộc khảo sát được thực hiện trên đảo Cát Bà để tìm kiếm loài voọc Cát Bà và đánh giá hiện trạng chung của đa dạng sinh học trên đảo.
Những cuộc khảo sát cho thấy số lượng loài voọc Cát Bà suy giảm nghiêm trọng. Bởi vậy, nhiều tổ chức của Cộng hòa Liên bang Đức đã chung tay hỗ trợ dự án bảo tồn đa dạng sinh học chung trên đảo Cát Bà và dùng loài voọc Cát Bà như một loài biểu trưng để thu hút sự chú ý, các nguồn lực nhằm bảo vệ đa dạng sinh học chung cho khu vực.
Từ khoảng 40 cá thể voọc vào năm 2003, đến hiện tại số lượng lên tới khoảng trên dưới 85 cá thể với mức gia tăng trung bình 5%/năm.
Nhờ nỗ lực bảo tồn, đến nay, quần thể voọc Cát Bà tăng lên khoảng trên dưới 85 con (Ảnh: Dự án bảo tồn voọc Cát Bà).
Cổng chào vào đảo Cát Bà lấy ý tưởng từ phần đầu của voọc Cát Bà.
Theo ông Neahga Leonard, nhiều người cho rằng, trong những năm 1960, quần thể voọc Cát Bà có khoảng 2.500 - 2.700 cá thể và suy giảm xuống chỉ còn khoảng 100 cá thể vào năm 2000 và giảm nghiêm trọng vào điểm thấp nhất năm 2003.
Tuy vậy, kết quả từ một cuộc nghiên cứu gien di truyền của loài voọc Cát Bà cho thấy, cách đây khoảng 100 năm, có không nhiều hơn khoảng 300 - 400 cá thể và vào giữa những năm 1960, có khả năng chỉ có khoảng 40 - 50 cá thể.
Ông Neahga Leonard cho biết, hiện chỉ có khoảng 20% diện tích ở quần đảo Cát Bà voọc có thể sinh sống tốt. Tuy nhiên, diện tích này lại bị áp lực của sự phát triển du lịch. Bên cạnh đó, hiện chỉ có 2 tiểu quần thể voọc Cát Bà tại khu vực Cửa Đông và khu vực Giỏ Cùng có khả năng sinh sản. Trong khi, 2 khu vực này cách xa nhau nên khó có sự giao lưu làm đa dạng quần thể. Đây là những khó khăn ảnh hướng đến nỗ lực bảo tồn, phát triển quần thể voọc Cát Bà.
Theo thông tin từ VQG Cát Bà, khoảng 30 năm nay, lực lượng chức năng chưa phát hiện vụ săn bắn trái phép voọc Cát Bà. Những năm qua, hàng chục cán bộ kiểm lâm trực thuộc VQG Cát Bà thường xuyên tuần tra, giám sát bảo vệ rừng, biển nói chung, các loài động, thực vật nói riêng trong đó có voọc Cát Bà. Ngoài ra, còn có 3 tổ bảo vệ và các cộng tác viên mỗi tháng tuần rừng 15 - 20 buổi để bảo vệ voọc Cát Bà.
“Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, Tp.Hải Phòng, chính quyền và các cơ quan chức năng liên quan của huyện Cát Hải cũng như các tổ chức quốc tế, cùng với ý thức của người dân địa phương không ngừng được nâng cao, quần thể voọc Cát Bà hiện sinh trưởng tốt và không ngừng phát triển, tăng về số lượng”, ông Nguyễn Văn Thịu - Giám đốc VQG Cát Bà, chia sẻ.