Phát triển đường thuỷ nội địa “gỡ khó” cho cảng biển Hải Phòng

Admin
Hải Phòng là một trong số ít địa phương hiện có đủ 5 loại hình giao thông: đường bộ, hàng hải, đường sắt, hàng không, thủy nội địa nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu kết nối với cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía Bắc. Mới đây Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã trực tiếp thị sát, làm việc với lãnh đạo TP. Hải Phòng về vấn đề này.

 Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể kiểm tra tại khu cảng Hoàng Diệu (thuộc Công ty CP Cảng Hải Phòng). Ảnh: VGP/Phan Trang. Hệ thống cảng tuy đông nhưng không mạnh


Báo cáo của Sở GTVT TP. Hải Phòng cho biết: năm 2005, thành phố có 25 cầu cảng, 5.892m bến; năm 2010 là 37 cầu cảng, 8.374m bến; năm 2017 đã tăng lên 44 cầu cảng và 11.012m bến. Lượng hàng hoá qua cảng tăng từ 13,5 triệu tấn năm 2005 lên 38,4 triệu tấn năm 2010 và tăng mạnh vào năm 2017 ở con số 92,05 triệu tấn.

Số lượt tàu qua hệ thống cảng tại Hải Phòng tăng từ 9.016 lượt năm 2005 lên 15.170 lượt năm 2010 và 18.659 lượt năm 2017.

Tuy nhiên, quy mô và năng lực của kết cấu hạ tầng giao thông vận tải còn bộc lộ nhiều bất cập, tính kết nối giữa các phương thức vận tải còn hạn chế. Hệ thống đường sắt và đường thuỷ nội địa kết nối với các bến cảng biển còn chưa đồng bộ.

Đường sắt kết nối cảng biển Hải phòng thông qua duy nhất 1 tuyến đường sắt Hải Phòng-Hà Nội với 3 tuyến đường sắt chuyên dùng kết nối từ tuyến Hà Nội-Hải Phòng với các khu bến cảng dọc sông Cấm từ khu vực cảng Vật Cách đến cảng Chùa Vẽ. Tuy nhiên, tuyến đường sắt này đã được xây dựng từ lâu, đường đơn, khổ hẹp, thiếu các công trình phụ trợ hiện đại nên hạn chế khả năng khai thác và thường gây ùn tắc giao thông vào các giờ tàu chạy qua các tuyến phố. Lượng hàng hoá vận tải bằng đường sắt chiếm tỷ trọng thấp, thiếu cảng cạn và đầu mối vận chuyển bằng đướng sắt.

Về đường thuỷ nội địa, ông Nguyễn Đức Thọ, Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng cho biết, hiện các tuyến đường thuỷ nội địa kết nối khu vực cảng Hải Phòng có 5 tuyến chính, tuy nhiên ngoài những đoạn đi chung với luồng biển (như các tuyến có đoạn qua Lạch Huyện, Bạch Đằng, sông Cấm) có độ sâu chạy tàu tốt thì hầu hết các tuyến sông đều có hạn chế nhất định. Ví dụ như: lòng sông hẹp, luồng nông, nhiều đoạn cong gấp, nhiều gềnh cạn ở vùng thượng lưu (sông Kinh Thầy, sông Kinh Môn); một số sông chịu ảnh hưởng của dòng chảy lưu tốc hoặc thuỷ triều lên xuống (sông đào Hạ Lý, sông Lạch Tray); một số tuyến sông bị hạn chế bởi tĩnh không cầu, cầu phao (sông đào Hạ Lý, sông Hoá, sông Thái Bình)…

Ngoài ra, hiện các cảng đường thuỷ nội địa chưa được quy hoạch đồng bộ, còn thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ xếp dỡ trình độ thấp, công tác duy tu luồng, hệ thống phao tiêu, biển báo chưa được đầu tư đích đáng, kết nối thuỷ-bộ còn hạn chế…

 Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng hệ thống cảng biển tại Hải Phòng hiện nay "tuy đông nhưng không mạnh". Ảnh: VGP/Phan Trang.


Một vấn đề nữa phải kể đến là kiến nghị của Công ty CP Cảng Hải Phòng về đề xuất giao Vinalines (thông qua Công ty CP Cảng Hải Phòng) trực tiếp đầu tư 2 bến cảng và khu dịch vụ hậu cần logistics ở khu vực cảng Lạch Huyện để thực hiện di dời cảng Hoàng Diệu theo quy hoạch đô thị của TP. Hải Phòng. Trong khi đây là khu cảng tổng hợp lớn nhất miền Bắc.

“Khi khu cảng Hoàng Diệu ngừng khai thác mà chưa có cảng khác thay thế, mỗi năm Cảng Hải Phòng sẽ giảm từ 8-10 triệu tấn sản lượng hàng hóa thông qua và ảnh hưởng đến hàng nghìn người lao động tại đây. Do đó, cần phải khẩn trương đầu tư xây dựng cảng mới trước khi tiến hành di dời Cảng Hoàng Diệu”, Giám đốc Công ty CP Cảng Hải Phòng Phùng Xuân Hà cho hay.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và lãnh đạo TP.Hải Phòng đã đi kiểm tra tại dự án cảng Lạch Huyện. Ảnh: VGP/Phan Trang.

Phải phát huy hệ thống đường thuỷ nội địa

Taị buổi làm việc với lãnh đạo TP. Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng, Hải Phòng là một trong số ít địa phương hiện có đủ 5 loại hình giao thông: đường bộ, hàng hải, đường sắt, hàng không, thủy nội địa. Hệ thống giao thông tại Hải Phòng thời gian qua được đầu tư mạnh nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu kết nối với cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía Bắc.

“Hệ thống cảng hiện nay tuy đông nhưng không mạnh, trong khi đó, mục tiêu của cảng Hải Phòng không phải cho sự phát triển riêng của thành phố mà cho toàn miền Bắc. Làm sao để phát triển được đường thuỷ, đường biển một cách đồng bộ? Làm thế nào để đảm bảo được giao thông đường thuỷ chia được lưu lượng ra tránh xung đột vận tải biển với vận tải khách ven sông?”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, cần thiết nâng cao vai trò của các cảng thủy nội địa tại Hải Phòng. Cảng thủy nội địa cần chia làm 2 loại hình: cảng thủy nội địa kết nối với cảng hàng hải (phục vụ xuất nhập khẩu) và cảng thủy nội địa phục vụ nhu cầu của Hải Phòng và khu vực.

Hệ thống đường sắt cũng cần được hoàn thiện kết nối với hệ thống cảng biển một cách đồng bộ.

Bộ trưởng giao Vụ Kế hoạch-Đầu tư (Bộ GTVT) làm đầu mối phối hợp với Tổng Cục Đường bộ, các Cục Hàng hải, Đường thủy nội địa, Hàng không, Đường sắt nghiên cứu đề xuất với Bộ đề án phát triển tổng thể hệ thống giao thông Hải Phòng. Theo đó, các loại hình giao thông kết nối phù hợp, tập trung kết nối với hệ thống cảng biển Hải Phòng.

“Đề nghị các vụ liên quan làm việc nghiên cứu đề xuất với Bộ quy hoạch giao thông tổng thể để làm sao khai thác được hết tiềm năng của Hải Phòng. Hệ thống đường sắt phải như một bàn tay kết nối đến các cảng biển. Phải hình thành các ICD (cảng cạn) gom hàng, từ đó bốc xếp xuống đường thuỷ đi về nơi tiêu thụ để phát huy được thế mạnh đường thuỷ”, Bộ trưởng yêu cầu.

Đối với đề xuất xây dựng thêm 2 bến số 3, 4, Bộ trưởng đồng ý với đề xuất của cảng Hải Phòng, Bộ GTVT sẽ tích cực trình với Chính phủ sớm chấp thuận cho cảng Hải Phòng đầu tư 2 bến container số 3 và số 4 tại cảng Lạch Huyện trước khi di dời cảng Hoàng Diệu ra khỏi khu vực nội đô Hải Phòng.

“Việc di dời này ảnh hưởng tới đời sống của hàng nghìn cán bộ, công nhân viên cảng Hải Phòng, nên cần phải được tiến hành thận trọng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lưu ý.

Cũng trong buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và lãnh đạo TP.Hải Phòng đã đi kiểm tra tại dự án cảng Lạch Huyện.

Đối với hệ thống giao thông kết nối, sau khi thực tế tại khu vực Đình Vũ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định đây đã và đang là khu vực có hệ thống giao thông hiện đại, đồng bộ nhất miền Bắc với điểm giao cắt giữa một loạt các dự án giao thông trọng điểm như đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cầu Bạch Đằng nối Quảng Ninh với Hải Phòng, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện…