Phụ huynh bức xúc không chỉ vì vài trăm nghìn tiền quỹ

Admin
Dư luận, phụ huynh bức xúc không phải vì vài trăm nghìn đồng tiền quỹ mà ở chỗ Ban đại diện cha mẹ học sinh thường “đẻ” ra nhiều công trình tài trợ “đổ đầu” phụ huynh.

Phải rạch ròi tiền quỹ và tiền tài trợ

Trong đợt giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tại một số trường học ở TPHCM vừa ra, hầu hết đại diện Hội phụ huynh các trường đều cho rằng có vai trò rất lớn trong việc gắn kết, thông tin giữa nhà trường và phụ huynh. Chưa kể, rất nhiều hoạt động trong trường học rất cần sự góp sức của phụ huynh mà họ chính là những người đại diện.

Các hoạt động liên quan đến con em như khen thưởng, các ngày hội… đều cần có nguồn quỹ để hoạt động. Hầu hết các trường đều thu quỹ phụ huynh và dù theo quy định đây là khoản tự nguyện nhưng nhiều trường đều ấn định mức thu quỹ phụ huynh trường, phụ huynh lớp.

 Đoàn giám sát UB MTTQ Việt Nam TPHCM kiểm tra sổ sách thu chi tại Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3

Đại diện của Hội phụ huynh ở Trường tiểu học Nguyễn Thái Học, Q.1, TPHCM cho rằng, tiền quỹ trường một năm chỉ 250.000 đồng để chỉ cho các hoạt động của học sinh, đặc biệt là việc khen thưởng cuối kỳ, cuối năm… liệu có đáng để phụ huynh phải bức xúc, phải tranh cãi quá nhiều khi giáo dục con trẻ còn rất nhiều vấn đề cần quan tâm hơn.

Sau đó, tại buổi làm việc tại Trường THCS Lê Quý Đôn, Q,3, bà Triệu Lê Khánh, Phó Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam TPHCM chia sẻ, một khi quỹ phụ huynh đã ấn định mức thu thì không còn là tự nguyện. Tuy nhiên, điều phụ huynh và dư luận bức xúc, theo bà Khánh không phải là tiền quỹ 100.000 hay 200.000 đồng vì mọi người đều hiểu Ban đại diện có quỹ để hoạt động vì con em là cần thiết.

“Người ta bức xúc vì có nhiều nơi Ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐD CMHS) đưa ra những công trình, những dự án về cơ sở vật chất vượt quá những yêu cầu cơ bản. Ví dụ như nhiều nơi đưa ra việc lót sàn gỗ, lắp máy lạnh… cái đó lẽ ra phải làm từ khoản thu tài trợ thì lại “bổ đầu” chia đều cho phụ huynh", bà Khánh nói.

Bà Khánh cũng cho hay, chúng ta cần ghi nhận sự nhiệt tình và phối hợp với nhà trường của BĐD CMHS trong việc cùng chăm lo cho con em. Nhưng qua thực tiễn giám sát ở một số trường, bà cũng đề nghị nhà trường và BĐD cần xem lại các quy định và điều chỉnh các thu chi cho phù hợp. Đặc biệt, cần rạch ròi khoản tiền tự nguyện đóng quỹ và tiền tài trợ để chi đúng.

Về phía BĐD, bà Khánh nhấn mạnh, Ban chỉ lên kế hoạch, còn đóng góp bao nhiêu là tùy từng phụ huynh, tuyệt đối không đưa ra mức thu chung và đồng thời phải công khai, minh bạch các khoản thu – chi để phụ huynh nắm rõ.

Nhìn "lệch về" chủ trương xã hội hóa

Việc “chơi sang” của một số BĐD CMHS không chỉ gây áp lực cho phụ huynh mà còn làm méo mó, dẫn đến cái nhìn phiến diện về chủ trương xã hội hóa giáo dục.

Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề lạm thu trong nhà trường thông qua BĐD CMHS trong hội nghị gần đây, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM chia sẻ, nguồn lực xã hội hóa giáo dục rất đa dạng. Mỗi phụ huynh một ngành nghề, một thế mạnh, là một nguồn lực rất lớn trong xã hội hóa.

 Phòng học dù trang bị hiện đại thế nào cũng phải đảm bảo những tiêu chuẩn theo quy định (Ảnh mang tính minh họa)

“Nhà trường có thể đến trường cùng tổ chức, tham gia và các giờ học trải nghiệm, sinh hoạt ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống… Ví dụ như phụ huynh là cảnh sát giao thông có thể đến hướng dẫn học sinh về luật an toàn giao thông”, ông Hiếu nói và cho rằng đây là nguồn lực xã hội hóa cực kỳ quan trọng, phụ huynh rất sẵn lòng góp công sức mà nhà trường cần quan tâm.

Còn đóng góp về tiền, cơ sở vật chất, ông Hiếu thừa nhận nhiều hoạt động trong nhà trường nếu không có tiền đóng góp từ phụ huynh thì rất khó thực hiện. Nhưng các trường cần lưu ý đóng góp về tiền chỉ là một trong những hình thức của xã hội hóa.

Ông Hiếu cũng nói thêm, Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT về điều lệ BĐD CMHS quy định BĐD không được đề ra các khoản thu nhưng lại có thể vận dụng Thông tư 29 của Bộ về cơ chế tiếp nhận tài trợ. Nguồn tài trợ này thì rất đa dạng không chỉ từ phụ huynh mà có thể từ những nguồn bên ngoài.

Đối với việc đóng góp của phụ huynh, theo ông Hiếu, các trường cần thể hiện rõ mục tiêu thu chi, phụ huynh phải hài lòng thì người ta mới sẵn sàng đóng góp. Đóng góp là tự nguyện, ai có bao nhiêu người ta đóng bấy nhiêu, còn bây giờ cứ đề ra trang bị máy lạnh, lót sàn phòng học… rồi “chi đều” thì phụ huynh rất không đồng tình.

Lớp học không phải nhà nghỉ, khách sạn

Về việc hiện nay một số BĐD CMHS đề xuất và thực hiện các công trình “biến” lớp học thành “ốc đảo” của con nhà giàu, thay đổi cấu trúc cơ bản của lớp học, ông Hiếu cho biết trường học có quy định về tiêu chuẩn của lớp học, trường học. Có đầu tư, tài trợ gì cũng không được “biến” lớp học thành phòng nghỉ, khách sạn… không đúng với tiêu chuẩn của lớp học.