Mới đây, bảng điểm tổng kết năm học 2017 - 2018 một học sinh lớp 9A4, trường THCS Võ Việt Tân (thị xã Cai Lậy, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) toàn điểm số 9,10 được đăng tải trên mạng xã hội khiến người xem bất ngờ. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng đây là bảng điểm giả vì môn Văn rất khó có điểm 10 tuyệt đối.
Bảng điểm với "cơn mưa" điểm 10 của nữ sinh miền Tây gây chú ý. |
Trước câu chuyện về điểm số tổng kết cuối năm học, PV báo Người Đưa Tin đã liên hệ với một số vị phụ huynh để lắng nghe chia sẻ của họ, liệu rằng họ mong muốn con mình có “một bảng điểm đẹp nhưng là năng lực giả hay thật nhưng điểm xấu?”.
Là một người mẹ, có con cũng đang trong độ tuổi đến trường chị Trường Ngà (Thanh Hóa) bày tỏ: “Tôi thường nghe nói các bà mẹ ở Nhật khi con đi học về hay hỏi “Hôm nay con học được những gì? Còn các mẹ ở Việt Nam thì thường hỏi: “Hôm nay con được mấy điểm?”. Khi ở cương vị một người mẹ, tôi cũng rất muốn con mình học giỏi, nhưng tôi không quá đè nặng vào điểm số. Con học, con vui, hiểu và tiếp thu tốt là đủ chứ không phải cứ đạt được điểm số cao mới là tốt, điều đó dễ gây áp lực cho con.
Đối với cá nhân tôi, tôi quan niệm bảng điểm của con chưa tốt nhưng con nên người còn hơn là con bị áp lực, luôn lo lắng để có được bảng điểm tốt thì đó là bệnh thành tích mất rồi”.
Chị Ngà cho rằng chị không gây áp lực cho con bằng điểm số. |
Cũng trao đổi quan điểm với PV, chị Hoàng Anh (Hà Nội) thì kể lại câu chuyện khủng hoảng của gia đình chị trong việc thúc con học để có điểm số cao: “Tôi có hai con nhỏ một bé học lớp 7 và một bé học lớp 5. Đã có lúc tôi rơi vào trạng thái khủng hoảng trầm trọng về cách dạy con giữa hai vợ chồng.
Bản thân tôi thì muốn con phải giỏi về mọi mặt, cứ nghe đâu có thầy giỏi, thầy hay đều cho con đi học. Còn chồng tôi, anh đi nước ngoài về nên thường hướng con thích cái gì thì học cái đấy, điểm số các môn học cuối kỳ của các con bị lệch, tôi đã rất buồn vì điều đó.
Cầm trên tay bảng điểm toàn điểm số thấp của con, có bố mẹ nào không buồn? Cá nhân tôi cho rằng bố mẹ muốn bảng điểm của con đẹp thì trước tiên phải hiểu được năng lực thực sự của con có đạt được đến trình độ đó, còn nếu không thì con chỉ cần tiếp thu được, học cảm thấy vui vẻ không áp lực như vậy là được”.
Còn với phụ huynh Thế Dương (Hà Nội), người mẹ này cũng bày tỏ cá nhân chị mong con có điểm số tốt, nhưng bảng điểm đó phải phản ánh được đúng thực tế năng lực của con chị.
“Việc con có bảng điểm tốt hay xấu phụ thuộc vào yếu tố con đã học tập, rèn luyện thế nào trong cả một năm học. Tuy nhiên, theo tôi phụ huynh không nên đè nặng lên vai con áp lực điểm số, trước kia tôi rất nghiêm khắc điểm số với con, nên có những lúc đi học về con bị điểm kém đã giấu không cho mẹ biết. Sau khi phát hiện, tôi hỏi lý vì sao con không cho mẹ biết thì con nói “con sợ mẹ buồn và sẽ mắng con”.
Vô hình chung, chính người lớn đã tạo ra áp lực cho trẻ tự bao giờ mà mình không biết. Thay vì ép con học để giỏi về mọi mặt, cần hướng dẫn con học theo sở thích của mình và học đồng đều các môn, đừng hỏi điểm số của con khi con đi học về. Hãy để trẻ tự nói và giải thích lý do vì sao điểm số của mình lại thấp. Từ đó, cha mẹ sẽ có sự điều chỉnh cho thích hợp nhất”.