Phụ huynh Hải Phòng tiếp tục kiến nghị về các dự án thi khoa học kỹ thuật

Admin
Một số phụ huynh ở Hải Phòng tiếp tục làm đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng và báo chí sau khi nhận được kết quả thẩm định các dự án thi khoa học kỹ thuật bị khiếu nại từ Bộ Giáo dục - Đào tạo.

 15 dự án nghiên cứu của học sinh đã đoạt giải nhất cuộc thi cấp quốc gia, khu vực phía Bắc
ANH K.A

Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 22.3, Bộ Giáo dục - Đào tạo có công văn thông báo kết quả thẩm định các dự án cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia (VISEF) dành cho học sinh trung học năm học 2018 - 2019 gửi tới những phụ huynh có kiến nghị về một số dự án đoạt giải trong cuộc thi.

Các dự án được thẩm định gồm: “Chế tạo máy tự hành chăm sóc và thu hoạch cây ăn quả mô phỏng hoạt động của con người”, “Máy làm sạch bề mặt bạt đáy ao nuôi tôm”, “Máy cắt tỉa cây cảnh sử dụng ắc quy và pin năng lượng mặt trời”, “Sự bùng nổ của hiện tượng thích mạo hiểm ở thanh thiếu niên - tác động của nó lên vỏ não và hệ thống limbic”, “Nghiên cứu chỉ số hạnh phúc học đường của học sinh trung học phổ thông”, “Học sinh thủ đô quảng bá giá trị di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám để phát huy truyền thống hiếu học trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.

Biên bản của hội đồng chấm thẩm định đối với mỗi dự án đều phân tích cụ thể từng nội dung như: câu hỏi/vấn đề nghiên cứu; kế hoạch và phương pháp nghiên cứu; việc tiến hành nghiên cứu, thu thập dữ liệu và phân tích dữ liệu. Qua đó, chỉ ra vì sao những dự án đó đoạt giải hoặc không đoạt giải trong cuộc thi vừa qua. Kết quả, hội đồng thẩm định đánh giá tất cả các dự án nói trên đều “phù hợp với kết quả đánh giá của ban giám khảo cuộc thi”.

Tuy nhiên, sau khi nhận được kết quả này, 2 phụ huynh ở Hải Phòng là ông Nguyễn Thanh Sơn và ông Nguyễn Văn Tuấn tiếp tục có đơn kiến nghị. Trong đơn gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo, ban tổ chức cuộc thi VISEF và báo chí, các phụ huynh Nguyễn Thanh Sơn và Nguyễn Văn Tuấn cho rằng việc lập hội đồng chấm thẩm định và cách thức chấm thẩm định đã hoàn toàn sai và vi phạm nghiêm trọng quy chế thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia.

Cụ thể, phụ huynh khiến nại nêu: “Theo các thông tư của Bộ Giáo dục - Đào tạo thì đề tài được chấm theo thang điểm 100 với các tiêu chí được đánh giá qua hồ sơ là: câu hỏi hoặc vấn đề nghiên cứu” (10 điểm), kế hoạch và phương pháp nghiên cứu (15 điểm), thực hiện nghiên cứu (20 điểm). Các tiêu chí đánh giá qua gian hàng và trả lời phóng vấn là: tính sáng tạo (20 điểm), gian trưng bày (10 điểm), trả lời phỏng vấn (25 điểm). Tuy nhiên, quá trình thẩm định lại chỉ dựa vào hồ sơ, bỏ qua các tiêu chí về tính sáng tạo, sự hiểu biết về khoa học, xã hội, kinh tế của đề tài khi phỏng vấn. Tính ra điểm thẩm định chỉ là 45/100”.

Chính vì vậy, các phụ huynh cho rằng việc thẩm định chỉ với 45/100 điểm là thiếu chính xác, không khách quan và vi phạm quy chế.

Nhiều tác phẩm thiếu sáng tạo, giống sản phẩm đã có?

Cũng trong đơn khiến nại mới nhất, ông Nguyễn Thanh Sơn và Nguyễn Văn Tuấn tiếp tục nhắc lại việc 5 dự án đạt giải nhất, 10 dự án giải nhì và 4 dự án giải ba có ý tưởng trùng lặp về mặt giải pháp, kết quả nghiên cứu, sản phẩm đã có và dễ dàng tìm thấy trên internet.

“Như vậy có nghĩa là các dự án đó không có tính mới, tính sáng tạo. Tuy nhiên, các dự án này vẫn được hội đồng thẩm định phê duyệt đủ điều kiện thi, thậm chí đạt giải cao. Điều này làm dấy lên nghi vấn về việc thẩm định đề tài trước khi đánh giá còn chưa chính xác, đầy đủ và chặt chẽ”, ông Nguyễn Thanh Sơn nói.

 Bảng phân tích các dự án đạt giải của phụ huynh gửi kiến nghị
ẢNH LÊ TÂN


Ông Nguyễn Thanh Sơn và ông Nguyễn Văn Tuấn đã lập 1 bảng phân tích về các dự án mà mình cho là không có tính mới, tính sáng tạo. Bảng phân tích này gồm tên dự án, tác giả, nhận xét của phụ huynh khiếu nại và địa chỉ những website, tài liệu giống đề tài đạt giải.

“Đề tài robot hỗ trợ bón thức ăn cho bệnh nhân Parkinson đã có nhiều nghiên cứu được công bố có thể giải quyết hiệu quả vấn đề này. Đề tài "Nghiên cứu ứng dụng gối thông minh Dream Pillow trong hỗ trợ điều trị rối loạn giấc ngủ" gần như là bản sao chép ý tưởng của các sản phẩm ngoài thị trường. Đề tài "Phòng thí nghiệm ảo - giải pháp nâng cao hiệu quả học tập tại các trường phổ thông" thì ý tưởng quá cũ và đã được sử dụng rộng rãi trên thế giới”, ông Nguyễn Thanh Sơn lấy ví dụ.

Từ những lý giải này, các ông Nguyễn Thanh Sơn và Nguyễn Văn Tuấn kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tiếp tục làm minh bạch, đánh giá đúng kết quả của các dự án dự thi nhằm đảm bảo sự công bằng và tạo niềm tin cho học sinh.