Phụ huynh, học sinh đồng hành “cuộc đua” vào lớp 10

Admin
Thi vào lớp 10 là một trong những kỳ thi chuyển cấp quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi học sinh (HS). Áp lực, căng thẳng không chỉ riêng với HS mà còn cả phụ huynh. Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục nhấn mạnh, phụ huynh phải bình tĩnh, không nên khiến các con thêm lo lắng, ảnh hưởng đến tinh thần ôn thi.

Bí quyết chinh phục 3 môn Toán, Văn, Anh?

Năm học 2019-2020, Hà Nội có hơn 101.000 HS tốt nghiệp THCS, tuy nhiên chỉ tiêu vào lớp 10 công lập chỉ chiếm 60%, 40% còn lại sẽ tham gia các trường ngoài công lập, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên. Cùng với đó, 2019 là năm đầu tiên Hà Nội áp dụng phương án thi tuyển mới, chuyển từ kết hợp thi 2 môn (Toán và Ngữ văn) với xét tuyển, sang thi 4 môn (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và môn thi thứ tư được công bố vào tháng 3/2019). Do vậy, khiến không chỉ HS lo mà phụ huynh cũng như ngồi trên lửa.

 Năm 2019 là năm đầu tiên Hà Nội áp dụng phương án thi tuyển mới vào lớp 10, chuyển từ kết hợp thi 2 môn sang thi 4 môn .

Cô Nguyễn Thị Mai Hương (Tổ trưởng tổ Tiếng Anh THCS - Phó chủ nhiệm khối Song Ngữ trường Nguyễn Bỉnh Khiêm) chia sẻ: “Sự thay đổi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 cũng yêu cầu HS và phụ huynh cần có lộ trình học phù hợp và phương pháp học hiệu quả hơn. Không thể dùng cách học, cách tư duy làm bài tự luận cho trắc nghiệm cũng như phân bổ lộ trình học các năm trước là trọng tâm vào 2 môn thi cho năm nay HS phải học đều các môn”. Cô Hương lưu ý, kiến thức trọng tâm cần ôn luyện môn Tiếng Anh là Ngữ pháp: Nắm vững các chủ đề gồm ngữ pháp quan trọng; từ vựng: Học theo chủ đề của chương trình, sách giáo khoa; phát âm: Nắm chắc kiến thức và quy tắc cơ bản; giao tiếp: Các tình huống giao tiếp thông thường.

Thầy Hồng Trí Quang, giáo viên Toán, Trường THCS Archimedes, Hà Nội cho rằng, đối với bất kỳ môn học nào cũng vậy, điều lo ngại nhất là HS không có ý thức học và không có đam mê. Phụ huynh sẽ là người giúp con tự nâng cao ý thức học và đủ sự yêu thích, đam mê với việc học thay vì cưỡng ép.

"Nhiều bố mẹ bắt các con xây dựng tiếp ước mơ dang dở của mình. Các con cần có ước mơ, có ước mơ thì mới yêu thích, đam mê và có đam mê thì sẽ có động lực làm tốt hơn. Vì vậy, bố mẹ đừng áp đặt mong muốn lên các con. Thay vào đó, nên đi cạnh, động viên, khích lệ, lắng nghe đề cùng định hướng và chinh phục từng mục tiêu. Bố mẹ hãy cùng con cái thảo luận, đưa ra lộ trình học tập. Khi đã đặt được lộ trình thì cả bố mẹ và con đều cam kết thực hiện không lùi bước, thầy Quang nhấn mạnh. Cùng với đó, lộ trình mà thầy Quang gợi ý cho phụ huynh và HS là lộ trình xoắn ốc, tức là học kiến thức cơ bản – học nâng cao chuyên đề và trộn vào với nhau, luyện đề và làm bài thi thử.

Còn cô Trần Thúy Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trung Tú (Hà Nội), chia sẻ: Việc xây dựng lộ trình học tập phù hợp rất quan trọng. Vì vậy, sự đồng hành của phụ huynh cùng các con là vô cùng cần thiết. Trước mỗi bài học, HS nên đọc trước 2 đến 3 lần tại nhà, vạch trước kiến thức trọng tâm. Sau khi học xong tại lớp, HS tự xây dựng sơ đồ tư duy để hệ thống hóa kiến thức trọng tâm. Môn thi cuối cùng sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm nên HS chỉ cần nắm chắc kiến thức trọng tâm và kỹ năng làm bài trắc nghiệm.

Bên cạnh đó, với cương vị một phụ huynh từng có con tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, cô Ngọc mong rằng các phụ huynh hãy dành thời gian quan tâm, chăm sóc tới chế độ ăn uống, tạo tinh thần thoải mái nhất cho con để con có thể tự tin bước qua ngưỡng cửa này.

Giúp con giảm áp lực, lập kế hoạch ôn thi

Theo chia sẻ của các chuyên gia giáo dục, học quan trọng ở chất lượng. Nhiều phụ huynh cho con học thêm chỗ này, chỗ kia. Mỗi thầy một phương pháp khiến con bị loạn, mất hứng thú học tập. Cha mẹ ngày nay quan tâm đến con nhiều hơn. Nhưng nếu sai cách, họ vô tình gây áp lực lên con. Do đó, muốn con có ý thức học tập, cha mẹ phải biết cách tạo động lực bằng cách lắng nghe nguyện vọng và ước mơ của con. Cần tuyệt đối tránh việc áp đặt ước mơ của bố mẹ bắt con thực hiện, đặt ra kỳ vọng quá cao so với năng lực của con.

Đưa ra lời khuyên cho phụ huynh về vấn đề này, nhiều giáo viên cũng tư vấn: Việc cho con đi học thêm tràn lan sẽ gây áp lực lớn cho con mà có thể không hiệu quả. Thay vào đó cha mẹ hãy chủ động tìm hiểu về kỳ thi để nắm chắc các thông tin cần thiết, chia sẻ với con để giảm áp lực bằng cách xây dựng lộ trình ôn thi phù hợp.

“Sau khi xác định được năng lực của con, phụ huynh nên cùng con lập kế hoạch học tập, xây dựng lộ trình học. Ví dụ, từ thời điểm này đến tháng 3/2019, HS sẽ tập trung trang bị, nắm chắc kiến thức các môn Văn, Toán, Ngoại ngữ. Từ thời điểm công bố môn thi tự chọn đến khi diễn ra kỳ thi vào lớp 6, HS sẽ tập trung ôn tập môn thi thứ tư", thầy Hồng Trí Quang chia sẻ.

Cũng theo thầy Quang, trong quá trình lập kế hoạch ôn thi vào lớp 10 cho con, điều quan trọng mà phụ huynh cần lưu ý là kế hoạch đó phải đảm bảo cân bằng giữa lịch học ở trường và lịch sinh hoạt ở nhà của con. Điều này nhằm giúp con có thể tập trung ôn thi mà vẫn có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.