Quan hệ Nga-Mỹ: Chưa thấy ‘tia sáng cuối đường hầm’

Admin
Việc Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục công bố gói trừng phạt mới đối với các quan chức, thương nhân và thực thể Nga trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao giữa Nga-Mỹ xung quanh vụ đầu độc hai cha con cựu điệp viên Sergei Skripal, là động thái như “đổ thêm dầu vào lửa” và khiến cho quan hệ Nga-Mỹ càng thêm trầm trọng.

Mỹ công bố gói trừng phạt mới lên Nga

Ngày 6/4, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố gói trừng phạt mới nhằm vào giới quan chức và thương nhân Nga, trong đó có một số người có mối quan hệ gần gũi với Tổng thống Vladimir Putin và chính phủ Nga.

Theo đó, danh sách trừng phạt mới gồm tổng cộng 38 quan chức, thương nhân và thực thể Nga nhằm đáp trả lại lệnh trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ ngày 5/4.

Về phía quan chức Nga, Bộ Tài chính Mỹ đã liệt các quan chức Nga vào danh sách “các công dân được chỉ định đặc biệt". Trong đó chủ yếu gồm: Chủ tịch Hội đồng Liên bang về các vấn đề đối ngoại Konstantin Kosachev, Bộ trưởng Nội vụ Vladimir Kolokoltsev, người đứng đầu Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Viktor Zolotov, và cựu lãnh đạo FSB Nikolay Patrushev.

Quan hệ Nga-Mỹ: Chưa thấy ‘tia sáng cuối đường hầm’ - ảnh 1

Về giới thương nhân Nga, Bộ Tài chính Mỹ đã chỉ đích danh những nhân vật thuộc hàng “đại gia” ở Nga, điển hình là tỷ phú Oleg Deripaska-nhà sáng lập tạp đoàn Basic Element, một trong những tập đoàn công nghiệp lớn nhất của Nga và tỷ phú Alexey Miller.

Đối với thực thể Nga, Bộ Tài chính là nêu đích danh Tổng công ty quốc phòng Nga Rosoboronexport.

Trước đó vào ngày 29/1, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố gói trừng phạt nhằm vào 210 chính trị gia và doanh nhân Nga, trong đó bao gồm: 114 chính trị gia, 96 doanh nhân Nga, như Thủ tướng Dmitry Medvedev, Ngoại trưởng Sergey Lavrov, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov, các doanh nhân hàng đầu như: Alisher Usmanov, Sergey Ivanov và Roman Abramovich.

Theo phía Mỹ, hoạt động trừng phạt lần này là dựa trên một đạo luật “Chống các đối thủ của Mỹ thông qua chế tài trừng phạt” (CAATSA) mà cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ Mỹ đã thông qua. Đạo luật CAATSA vốn để trừng phạt Nga về việc chính quyền Moscow đã sáp nhập Bán đảo Crimea vào lãnh thổ của Nga hồi năm 2014.

Tuy nhiên chính quyền Moscow đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc này và tuyên bố sẽ không nhượng bộ trước bất kỳ áp lực nào và bảo lưu quyền được trả đũa.

Chưa thấy "ánh sáng cuối đường hầm" trong quan hệ Nga-Mỹ

Mối quan hệ giữa chính quyền Moscow và Washington đã xuống tới mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh sau một loạt các động thái trả đũa ngoại giao lẫn nhau giữa hai nước.

Bộ Tài chính Mỹ công bố gói trừng phạt mới đối với Nga trong bối cảnh xuất hiện nhiều thông tin về một cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ thời gian tới.

Tuy nhiên, khi mà chưa rõ liệu cuộc gặp này có diễn ra hay không và có thực sự giải quyết được những khúc mắc giữa hai cường quốc hạt nhân hay không, thì hai nước liên tiếp đưa ra các đòn đáp trả ngoại giao kịch liệt vào nhau.

Động thái mới nhất của Bộ Tài chính Mỹ như “đổ thêm dầu vào lửa”, khiến cho quan hệ thù địch Nga-Mỹ càng trầm trọng hơn, và chưa thấy bất kỳ tia sáng khả quan nào.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, ngay cả khi có diễn ra một cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ, song với tình cảnh “ăn miếng trả miềng” như hiện nay, vẫn “còn quá nhiều vấn đề về hậu cần và cả những bất đồng rất lớn còn tồn tại giữa hai bên được cần được giải quyết”. Do đó, quan hệ Mỹ-Nga khó có thể “cải thiện trước các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ trong năm 2018”. 

Như vậy, có thể thấy rằng, ông Trump đã tỏ ra cứng rắn với Nga nhiều hơn so với những gì mà các nhà phân tích từng dự đoán trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi cuối năm 2016.

Trong bối cảnh các lãnh sự bị đóng cửa, nhiều nhà ngoại giao Nga bị trục xuất khỏi Mỹ và một loạt các gói trừng phạt mới của Bộ Tài chính Mỹ nhằm vào giới quan chức, thương nhân và thực thể Nga cho thấy, Nga-Mỹ sẽ còn rất nhiều việc phải làm để những căng thẳng đang sôi sục giữa hai cường quốc thế giới này thực sự lắng xuống.