Quảng Ngãi: 5 người trong 1 gia đình nhập viện sau khi ăn cá nóc

Lan Anh
5 người trong 1 gia đình ở thôn An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã phải nhập viện sau khi ăn cá nóc. Vụ việc một lần nữa cảnh báo về tình trạng ngộ độc cá nóc và thực phẩm nói chung.

Chiều hôm qua (3/5), Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi và Bệnh viện Sản- Nhi Quảng Ngãi tiếp nhận và điều trị 5 trường hợp bị ngộ độc do ăn cá nóc. Cả 5 trường hợp này đều là người trong một gia đình.

Tối ngày 2/5, cả gia đình cùng ăn thịt cá nóc, sau đó, cả 5 người bị chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, đau bụng, sốt được đưa đến cấp cứu tại trung tâm y tế quân dân y Lý Sơn. Sau khi cấp cứu, các bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi và bệnh viện Sản- Nhi Quảng Ngãi để điều trị. Các bác sĩ đang tiếp tục theo dõi, điều trị cho bệnh nhân vì tình trạng ngộ độc khá nặng.

benh-nhan-bi-ngo-doc-1714814234.jpg

Các bác sĩ đang điều trị bệnh nhân bị ngộ độc do cá nóc

Mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo cá nóc là một trong những loại cá độc nhưng nhiều người vẫn ăn loại cá này dẫn đến bị ngộ độc, nguy hiểm đến tính mạng. Theo các chuyên gia y tế, trong cá nóc có thành phần chủ yếu là tetrodotoxin, thuộc nhóm độc tố thần kinh cực kỳ nguy hiểm, tỷ lệ gây tử vong khá cao. Độc tố này là hợp chất có tính bền nhiệt, không bị phân hủy trong quá trình nấu chín.

Độc tố cá nóc rất mạnh, với cơ thể người, chỉ cần ăn 10 gam thịt cá nóc có độc tố là bị ngộ độc, chỉ từ 1 - 2mg độc tố có thể gây chết người. Do đó, tuyệt đối không được ăn cá nóc dù mùa nào và hình thức nào, kể cả cá nóc khô. Người dân nên loại bỏ cá nóc ngay từ khi kéo lưới, đánh bắt, không sử dụng cá nóc làm thực phẩm dưới bất kì hình thức nào.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Phạm Trung Hiếu, Khoa nội tổng hợp, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi cho biết thêm: “Tuyệt đối không nên ăn cá nóc, không nên chế biến thực phẩm từ cá nóc như chả cá nóc. Ngoài ra, người dân đi đánh bắt cá xa bờ trên phương tiện nên có 1 bộ dụng cụ chống ngộ độc cá nóc như than hoạt tính, sạc bi tôn hoặc dụng cụ hô hấp cơ bản”.