Quảng Ninh: Chính quyền địa phương ở đâu trong cơn “sốt” đất Vân Đồn?

Admin
Mặc dù thị trường đất đai ở Vân Đồn đã có dấu hiệu bất thường khá lâu trước khi tạo nên cơn “sốt”, nhưng dường như những dấu hiệu này đều bị cho qua. Thế nên, các nhà đầu tư cứ thế mà “găm” đất, còn “cò” đất tha hồ “thổi” giá...

 Dấu hiệu bất thường trước khi cơn "sốt" đất diễn ra đều bị bỏ qua

Những dấu hiệu bất thường

Như Dân Trí đã thông tin về cơn “sốt” đất diễn ra tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh vào giữa năm 2017, khi hàng loạt các dự án lớn được khởi động tại đây. Điều đáng nói, trước khi cơn “sốt” đất lần đầu này diễn ra, thị trường đất tại Vân Đồn đã có nhiều dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên những dấu hiệu này dường như đều bị bỏ qua.

Phóng viên Dân Trí đã từng có cuộc thâm nhập vào thế giới “ngầm” của các nhà đầu cơ, thâu tóm đất đai rồi tung ra thị trường với giá trên trời. Phát hiện, ngay từ tháng 3/2017, người dân địa phương truyền tai nhau việc trên địa bàn bỗng dưng xuất hiện 4 nhà đầu tư đến từ TP.Hà Nội, TP. HCM và Phú Quốc sẵn sàng thu mua đất của bất cứ người dân nào có nhu cầu bán, dù là đất vườn tạp, đất trồng rừng hay thổ cư. Tất nhiên cái giá mà các nhà đầu tư này thu mua cũng rất “bèo”, chỉ vài triệu đồng/m2 nằm ở vị trí đắc địa.

 Các nhà đầu tư sẵn sàng mua tất cả các khu đất người dân có nhu cầu bán

Giá “bèo” như vậy nhưng người dân Vân Đồn vẫn vô tư bán, bởi rất đơn giản là xưa nay đất ở nơi đây vốn rất rẻ. Và cứ thế, đất từ người dân dần lọt vào tay các nhà đầu tư trên. Một thời gian sau, khi đã cảm thấy đã “ẵm” gọn nhiều khu đất “vàng”, những nhà đầu tư này bắt đầu tung hàng loạt các điểm, văn phòng giao dịch ra thị trường. Lúc này những nhà đầu tư nhỏ, lẻ đến từ các tỉnh thành khác cũng bắt đầu đổ xô về Vân Đồn tìm mua đất. Gía đất từ đây cứ thế được “thổi” lên từng ngày, từng giờ.

Mất bò mới lo làm chuồng!

Khi cơn “sốt” đất tại Vân Đồn kéo dài vài tháng ở mức "đỉnh" cùng với đó nguy cơ vỡ trận của thị trường bất động sản ở đây cũng đã ở mức báo động, nhưng cảnh báo về nguy cơ rủi ro đều bị các nhà đầu tư phớt lờ bởi món lợi quá lớn từ những "mảnh đất vàng" đem lại.

Giá đất vẫn cứ được “thổi lên”, các nhà đầu tư vẫn thi nhau mua đất, rồi “găm” lại chờ thời cơ, “cò” đất vẫn tha hồ thao túng thị trường… Đất từ người dân vẫn được thu gom với giá rẻ và chào bán với giá trên trời mà không vấp phải rào cản nào.

Theo một số nhà đầu tư, họ mua đất rồi bán sang tay ngay kiếm lời nên bất chấp thị trường ảo hay có cảnh báo rủi do hay không. Còn một số nhà đầu tư “dài vốn” thì cho biết, có cơ hội họ vẫn ôm đất và thong thả chờ thời cơ để tung ra.

 Những khu đất ở khá sâu nhưng do gần casino nên cũng đã được mua hết với giá lên tới vài triệu đồng/m2

Chưa kể, theo N.TR.H, một “cò” đất bật mí, không chỉ thờ ơ mặc thị trường bất động sản trôi nổi mà không ít công chức trong bộ máy chính quyền địa phương đã giúp sức cho hoạt động mua bán đất đai được thuận lợi. Đó chính là lý do tại sao thủ tục chuyển nhượng, tách thửa… chưa bao giờ nhanh chóng như thời gian này.

Theo nguồn tin của Dân Trí, có những ngày bộ phận liên quan đến việc làm thủ tục mua bán, chuyển nhượng đất xử lý được tới vài chục bộ hồ sơ.

Cơn “sốt” đất tại Vân Đồn cứ mặc nhiên kéo dài và chỉ chịu "chững lại" vào cuối năm 2017 khi tỉnh Quảng Ninh vào cuộc, chỉ đạo huyện Vân Đồn dừng toàn bộ việc xác nhận chuyển nhượng, tách thửa…

Cùng với đó, liên quan đến vi phạm trong quản lý đất đai trên địa bàn, hàng loạt Bí thư, Chủ Tịch và Phó chủ tịch thuộc các xã Bản Sen, Quan Lạn, Đoàn Kết và Hạ Long cũng đã bị UBND huyện Vân Đồn kỷ luật. Tuy nhiên dư luận cho rằng, động thái trên của tỉnh, huyện chỉ được coi là mất bò mới lo làm chuồng. Trên thực tế, nếu chính quyền vào cuộc rốt ráo ngay từ đầu sẽ kiểm soát được thực trạng trên.

 Dư luận chờ đợi động thái của chính quyền trong cơn sốt đất lần này

Còn theo một số người am hiểu về bất động sản, tỉnh Quảng Ninh cần sớm có những động thái tích cực để bình ổn thị trường bất động sản Vân Đồn, sao cho đúng với vị thế của đặc khu kinh tế trong tương lai. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này hơn ai hết, chính quyền Vân Đồn nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung cần có sự giám sát và vào cuộc kịp thời.

Một lãnh đạo của tỉnh Quảng Ninh cho rằng, một trong những lý do để thị trường bất động sản tại Vân Đồn “nóng” lên chính là do chính quyền địa phương quản lý lỏng lẻo, chưa bám sát thực trạng đất đai.

Đến thời điểm hiện tại, cơn “sốt” đất tại Vân Đồn đã quay trở lại và có phần “nóng” hơn. Dư luận một lần nữa đặt ra câu hỏi: Liệu cơn “sốt” này đến khi nào hạ nhiệt? Và chính quyền liệu có vào cuộc rốt ráo hay không? Việc lãnh đạo huyện giao người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm nếu buông lỏng, để xảy ra vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai sẽ được thực hiện ra sao?