Quốc hội chuyển từ tham luận sang tranh luận, mỗi phát biểu không quá 7 phút

Admin
Đa phần các đại biểu trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất nên duy trì thời gian phát biểu 7 phút như hiện hành.

Tiếp tục phiên họp thứ 11, sáng 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Việc sửa đổi nhằm đáp ứng kịp thời hơn yêu cầu thực tiễn, nhất là trong điều kiện chưa kịp sửa đổi, bổ sung các quy định khác có liên quan.

Dự thảo bổ sung quy định về tranh luận, thảo luận tại phiên họp toàn thể. Trường hợp nếu đại biểu ý kiến khác với ý kiến của đại biểu Quốc hội đã phát biểu trước đó thì được quyền đăng ký tranh luận.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Liên quan đến thời gian phát biểu của đại biểu tại phiên họp toàn thể, có ý kiến đề nghị vẫn giữ quy định thời gian phát biểu 7 phút như Nội quy hiện hành. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị sửa đổi quy định thời gian phát biểu là 5 phút, vì đó là vấn đề đổi mới đã được áp dụng tại nhiều kỳ họp trong nhiệm kỳ Quốc hội gần đây.

Từ kinh nghiệm làm đại biểu trong nhiều nhiệm kỳ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, về thời gian phát biểu, trước là 20 phút, rồi giảm xuống còn 10, rồi 7 phút, bây giờ đề nghị xuống 5 phút. Đánh giá 5 phút là quá ngắn, bà Nga đề nghị không nên rút ngắn thời gian phát biểu, mà nên duy trì 7 phút như hiện nay. Nếu đại biểu nào đã đăng ký mà không còn thời gian phát biểu thì gửi ý kiến cho đoàn thư ký tổng hợp.

Cùng mối quan tâm, theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, nếu giảm thời gian phát biểu thì đại biểu khó có thể diễn đạt hết ý của mình. Không chỉ ở hội trường, đại biểu có thể tham gia ý kiến tại các cuộc họp ở uỷ ban, ở tổ...nên không cần giảm thời gian để có thêm nhiều đại biểu phát biểu tại phiên toàn thể.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh còn cho rằng, tại những phiên thảo luận ít đại biểu đăng ký, có thể để cho đại biểu phát biểu đến 10 - 15 phút chứ không nên cứng nhắc 7 phút.

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho rằng, có đại biểu dành cả tháng để chuẩn bị ý kiến thảo luận tại hội trường, nên cần có thời gian phát biểu thoả đáng.

Nhấn mạnh tinh thần rút ngắn thời gian nhưng vẫn đảm bảo chất lượng kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý đến vấn đề mở rộng dân chủ, chuyển từ tham luận sang thảo luận, tranh luận để ra được vấn đề.

Cuối phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất thời gian phát biểu không quá 7 phút và cần quy định rõ một số trường hợp để chủ toạ có thể điều hành linh hoạt. Nếu đủ điều kiện, dự thảo sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tư.

Tác giả: Luân Dũng

Nguồn tin: Báo Tiền phong