Rà soát thịt gà nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá tại thị trường Việt Nam

Admin
Trước tình trạng mặt hàng thịt gà nhập khẩu có dấu hiệu bị bán phá giá tại thị trường Việt Nam, Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để triển khai kế hoạch rà soát mặt hàng này tại một số cửa khẩu và trung tâm thương mại lớn trên cả nước.

Thịt gà nhập khẩu bình quân 20.000 đồng/kg

Cụ thể, theo số liệu sơ bộ Tổng cục Hải quan cung cấp, tính từ đầu năm 2017 đến hết ngày 15/3/2017, cả nước nhập khẩu 22.500 tấn thịt gà các loại, trị giá 19,8 triệu USD. Tính bình quân, giá rơi vào khoảng 20.000 đồng/kg (giá khai báo hải quan, chưa bao gồm thuế nhập khẩu, mức thuế lần lượt là 40% với gà nguyên con, 20% đối với cánh, đùi gà và các loại khác dao động từ 20 - 40% các loại thịt khác.

 Hơn 60% lượng thịt gà nhập về Việt Nam là đùi gà (ảnh minh hoạ)

Số liệu của Tổng cục hải quan trong 3 năm gần đây cho thấy, tính riêng năm 2016, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu 140.000 tấn thịt gà các loại (gà nguyên con, đùi gà, cánh gà, thịt gà khác), có trị giá 107,8 triệu USD với giá bình quân nhập khẩu trước thuế là 0,77 USD/kg (17.500 đồng).

Trước đó, trong năm 2015, Việt Nam thậm chí còn nhập khẩu nhiều hơn, 153.100 tấn thịt gà các loại, có trị giá lên đến 111,1 triệu USD. Giá bình quân nhập khẩu trước thuế là 0,72 USD/kg (16.400 đồng).

Trong khi đó, các con số thống kê nhập khẩu thịt gà các loại này trong cả năm 2014 hơn 100.000 tấn, trị giá 103,1 triệu USD, giá bình quân nhập khẩu trước thuế khoảng 1 USD/kg (hơn 22.700 đồng).

Như vậy, tính chung từ năm 2014 đến nay, tổng lượng thịt gà nhập khẩu về Việt Nam đã đạt 410.000 tấn, với kim ngạch hơn 322 triệu USD.

Về nguồn gốc xuất xứ, theo số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, thịt gà các loại nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ (nguồn gốc) từ Hoa Kỳ, Brazil và Hàn Quốc.

Về chủng loại, theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan năm 2016, trong 86.500 tấn thịt gà nhập từ Mỹ, mặt hàng đùi gà khoảng 82.000 tấn. Chiếm khoảng 94% lượng nhập từ Mỹ và 60% tổng lượng thịt gà nhập khẩu vào Việt Nam trong năm 2016.

Giá trị nhập khẩu đùi gà Mỹ đạt 55,4 triệu USD tương đương giá bình quân 0,68 USD/kg (hơn 15.500 đồng)

Từ đầu năm 2017 đến hết ngày 15/3/2017, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng thịt gà các loại có xuất xứ Hoa Kỳ là 12,2 nghìn tấn với kim ngạch 10,1 triệu USD, trong đó mặt hàng đùi gà là 11.300 tấn, trị giá 9,2 triệu USD, có mức giá bình quân trước thuế là 0,8 USD/kg (tương đương18.400 đồng).

Triển khai kế hoạch rà soát trên cả nước

Trước tình hình đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bà Trương Thị Ngọc Ánh đã chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành có liên quan để rà soát lại mặt hàng thịt gà nhập khẩu.

Cuộc họp đã diễn ra và thông qua một số nội dung quan trọng như: Nghiên cứu lại chính sách xuất nhập khẩu hiện hành; kết hợp tuyên truyền về cuộc vận động với việc giám sát và phổ biến kinh nghiệm trong triển khai chống hàng nhập khẩu bán phá giá; đưa ra một số giải pháp ứng xử cho cơ quan quản lý Nhà nước với mặt hàng nhập khẩu bán phá giá.

Ngoài ra, nội dung đặc biệt được thông qua chính là việc rà soát mặt hàng thịt gà nhập khẩu tại cửa khẩu Hữu Nghị & Tân Thanh – Lạng Sơn; Móng Cái – Quảng Ninh; Hà Khẩu – Lào Cai; các trung tâm thương mại tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh.

Đoàn khảo sát sẽ có sự tham gia của đại diện Ban Chỉ đạo Trung Ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đại diện các Bộ, ngành có liên quan; đại diện Ban chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Kinh tế và Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật;...

Đoàn khảo sát sẽ sớm được thành lập và triển khai kế hoạch rà soát trong các tháng tới. Kết quả của việc rà soát và các dự thảo sẽ được tổng hợp và công bố vào tháng 11/2017.

Yêu cầu được Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc vận động, bà Trương Thị Ngọc Ánh đưa ra là: “Tổ chức nghiên cứu, khảo sát thực tế để có kết quả phản ánh việc nhập khẩu hàng hóa chính xác. Sau đó, có kiến nghị, đề xuất với cơ quan quản lý Nhà nước để điều chỉnh chính sách (nếu có)”.