"Chiếc xe diễu hành của Hitler đã được ông Zelensky mua", một bài đăng bằng tiếng Trung trên nền tảng mạng xã hội Trung Quốc Weibo vào ngày 8/10/2024 cho biết.
Bài đăng này cho thấy hình ảnh một chiếc xe Mercedes-Benz 770 đỗ bên ngoài một tòa nhà, cùng với một bức ảnh Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kèm chú thích: "Ông Zelensky đã mua chiếc xe của Hitler với giá 15 triệu USD".
Bài đăng cho biết chủ sở hữu "bí ẩn" của chiếc xe đã được tiết lộ khi nhà lãnh đạo Ukraine "bị phát hiện bước ra khỏi xe ở Kyiv".
Bài đăng ghi nguồn thông tin là từ trang web The Seattle Tribune.
Ảnh chụp màn hình bài đăng trên Weibo. |
Hãng tin AFP (Pháp) ngày 8/11 cho hay, bức ảnh cũng được chia sẻ trên nhiều nền tảng truyền thông xã hội thế giới, trong các bài đăng bằng tiếng Anh, Pháp, Nga, Đức, Hungary và Ba Lan với chú thích rằng bức ảnh cho thấy chiếc xe Mercedes của trùm phát xít Đức Adolf Hitler tại Tòa nhà Văn phòng Tổng thống Ukraine.
Một số bài đăng cũng chia sẻ ảnh chụp màn hình bài đăng trên ứng dụng Telegram lan truyền thông tin trên, có vẻ như là từ một kênh của Ukraine có tên là "Voynareal". Nhưng AFP không tìm thấy dấu vết nào của tài khoản này.
Theo AFP, thông tin trên được lan truyền sau khi ông Zelensky trình bày “kế hoạch chiến thắng" với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris tại Nhà Trắng, với việc ông Biden công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá gần 8 tỷ USD cho Kyiv đang gặp khó khăn.
Cuộc thi xe cổ
Truy xuất nguồn gốc của bức ảnh được chia sẻ trực tuyến, AFP đã tìm thấy bức ảnh gốc của chiếc Mercedes trên khung cảnh nền khác. Nó được một tài khoản đam mê xe hơi đăng trên mạng xã hội X vào tháng 2/2019.
Ảnh chụp màn hình bài đăng trên mạng xã hội X. |
Khi so sánh giữa hình ảnh trong tin đồn được chia sẻ trực tuyến (bên trái) và ảnh gốc từ mạng xã hội X (bên phải), AFP đã phát hiện ra nhiều chi tiết trùng khớp, bao gồm hình ảnh phản chiếu của cây trên kính chắn gió và bóng của xe trên mặt đất (được đánh dấu màu cam).
So sánh hình ảnh trong tin đồn được chia sẻ trực tuyến (bên trái) và ảnh gốc từ mạng xã hội X (bên phải). |
Điều tra sâu hơn, AFP phát hiện ra bức ảnh được chụp tại Pebble Beach Concours d'Elegance - một sự kiện về xe cổ được tổ chức hàng năm tại California, Mỹ.
Nhìn kỹ hơn vào kính chắn gió của xe, bạn sẽ thấy dán nhãn "Xe trưng bày". Các nhãn dán tương tự được sử dụng tại sự kiện để chỉ ra hạng mục của xe tham gia.
Những bức ảnh được đăng trên trang Facebook của Pebble Beach Concours d'Elegance năm 2014 cho thấy chiếc xe "Mercedes-Benz 770K W150 Offener Tourenwagen từ năm 1941" đã giành giải thưởng cao nhất trong hạng mục “Xe Mercedes-Benz trước Thế chiến II” vào năm đó, và nó được liệt kê là thuộc sở hữu của gia đình William Lyon ở Newport Beach, California.
Một phát ngôn viên của Pebble Beach Concours d'Elegance mới đây nói với AFP rằng bức ảnh về chiếc Mercedes-Benz 770 có vẻ được chụp tại một địa điểm mà những chiếc xe tụ tập trước một cuộc diễu hành.
Theo Bảo tàng Hàng không Lyon ở California, chiếc xe này từng thuộc về Tổng tư lệnh lực lượng Phần Lan trong Thế chiến II Carl Gustaf Emil Mannerheim.
Trong khi đó, theo AFP, mẫu xe Mercedes-Benz năm 1939 mà Hitler từng sử dụng là một biểu tượng tuyên truyền mạnh mẽ của Đức Quốc xã.
Trùm phát xít Đức Adolf Hitler đứng trên chiếc xe Mercedes mui trần, diễu hành qua đám đông tại một nơi nào đó ở Đức vào năm 1937. |
Ngoài ra, theo AFP, phần nền trong bức ảnh đã chỉnh sửa được lan truyền mới đây có sẵn trên ngân hàng hình ảnh Adobe Stock, với chú thích: "Tòa nhà văn phòng của Tổng thống Ukraine. Thành phố Kyiv".
Ảnh chụp màn hình trang web Adobe Stock. |
Còn dữ liệu công khai cho tên miền The Seattle Tribune - được liệt kê là nguồn cho tin đồn sai sự thật kể trên - cho thấy trang web được tạo vào ngày 3/10/2024, chỉ vài ngày trước khi thông tin sai lệch được lan truyền trực tuyến. Và trang web này dường như chỉ đăng lại các bài viết từ nhiều kênh truyền thông tiếng Anh khác nhau.
Theo AFP, kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào năm 2022, Tổng thống Ukraine Zelensky – có cha mẹ là người Do Thái - đã trở thành mục tiêu của một loạt thông tin sai lệch miêu tả ông là người ủng hộ Đức Quốc xã.
Trung tâm Chống thông tin sai lệch thuộc Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia Ukraine cũng đã bác bỏ tin đồn sai sự thật về việc "xe Mercedes của Hitler" xuất hiện tại Tòa nhà Văn phòng Tổng thống Ukraine.