Giáo dục

Rối rắm với “ma trận” giấy khen tiểu học

Sau hai năm triển khai dạy học theo Thông tư 30 (TT30) của Bộ GD&ĐT, chưa bao giờ mọi người lại có ý kiến nhiều về ưu điểm cũng như hạn chế của thông tư đối với chất lượng giáo dục như thời điểm hiện tại.

Và một khía cạnh nhỏ đang thu hút sự tranh luận và than thở của phụ huynh chính là các tờ giấy khen mà các cháu tiểu học vừa nhận được với hàng loạt danh hiệu thi đua “lạ”.

Theo dõi các trang mạng xã hội cũng như các thông tin báo chí, quả là phụ huynh rối rắm với muôn kiểu danh hiệu thi đua mà các cháu đạt được. Thay vì danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi, học sinh xuất sắc tương ứng với những nấc thang thành tích mà các cháu đạt được trong năm học thì bây giờ xuất hiện hàng loạt danh hiệu: “Học sinh đạt danh hiệu khen toàn diện”, “Học sinh đạt danh hiệu khen từng mặt”…

Đó là làm đúng theo tinh thần nhân văn của TT30, đánh giá bằng nhận xét thay vì điểm số và việc ghi giấy khen phải linh hoạt, không chỉ đánh giá trình độ học vấn của học sinh mà còn tìm điểm ưu điểm riêng biệt của mỗi học sinh để động viên, khuyến khích.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức ghi lời “khen” học sinh lại lại khá máy móc. Một số trường qui đổi danh hiệu “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” với học sinh giỏi, “Hoàn thành nhiệm vụ” với học sinh tiên tiến. Hoặc qui đổi “Danh hiệu khen toàn diện” với học sinh giỏi, còn “Danh hiệu khen từng mặt” dành cho sự nổi trội một mặt nào đấy. Tuy nhiên cụm từ “khen từng mặt” nghe rất tối nghĩa và đánh đố mọi người. Đó là còn chưa kể một số giấy khen ghi danh hiệu rườm rà, đơn cử như “Hoàn thành xuất sắc nội dung môn học và chương trình giáo dục”…

Một người bạn của tôi làm trong ngành giáo dục cũng đã hoang mang khi cháu gái nhận được tờ giấy khen với danh hiệu “Có tiến bộ vượt bậc về môn Toán”. Từ trước đến nay, tất cả các bài tập Toán và Tiếng Việt cháu đều hoàn thành tốt, bài thi cuối năm cháu không mắc phải một lỗi nào và được cô giáo đổi ra điểm 10 tròn trịa.

Vậy lời khen “Có tiến bộ vượt bậc về môn Toán” là sao? Trước nay môn Toán của cháu không tốt mà bây giờ mới giỏi à? Còn môn Tiếng Việt thì không có gì nổi bật ư?... Đó là các câu hỏi mà cô bé ấy hỏi mẹ và bạn tôi cũng ú ớ chẳng biết trả lời cháu thế nào. Và rồi khi nộp giấy khen để cơ quan bố mẹ khen thưởng con viên chức có thành tích thì tờ giấy khen ấy không được chấp nhận với một lí do đơn giản: Khen môn Toán, còn môn Tiếng Việt không khen thì không hoàn thành. Tôi nghiệp cô bé con mới học lớp 3, suốt cả năm phấn đấu và giờ không được cơ quan bố mẹ khen thưởng. Nỗi ấm ức ấy là do trường tiểu học nhận xét phiến diện hay do cơ quan phụ huynh hiểu máy móc?

Đúng là TT30 đã làm khó giáo viên khi buộc mỗi một cô giáo tiểu học đều phải phát hiện điểm mạnh của mỗi học sinh để khen và ghi lời khen không được rập khuôn. Đối với các cháu có thành tích nổi bật thì dễ bởi đã có sự “qui đổi” rõ ràng. Nhưng không phải phụ huynh nào cũng dễ dàng hiểu mỗi danh hiệu “mới” ấy tương ứng với mức độ đạt nào của con cái. Bởi vậy, rất nhiều bạn đọc đề xuất khá hài hước và thâm thúy là bên cạnh giấy khen, đề nghị kèm thêm một bảng qui đổi danh hiệu để phụ huynh tiện theo dõi.

Mặt khác, việc tìm kiếm lời khen cho các cháu không xuất sắc cũng đòi hỏi các giáo viên phải nhọc công hơn rất nhiều. Tuy nhiên, không thể vì thế mà tùy tiện nhận xét, đánh giá và khen thưởng những điều không có thực hoặc là làm sai lệch đi sự thật để rồi tạo ra sự thất vọng cho học sinh. Hoặc là làm phụ huynh và các cháu ảo tưởng về năng lực của bản thân. Căn bệnh “ảo tưởng” sẽ thật sự rất nguy hại nếu nó được “nhân giống” tràn lan kèm theo với câu chuyện thường năm: Mỗi học sinh - một tờ giấy khen!

Tác giả bài viết: Thùy Mai

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP