Sắc màu rực rỡ trong lễ tổng duyệt Festival Huế 2016

Lợi Trần
Lễ hội Huế năm nay có sự tham gia của đại diện các quốc gia ở 5 châu lục, nhằm chứng tỏ tinh thần hội nhập và kế thừa truyền thống văn hóa ở vùng đất kinh kỳ xưa.


Tối 27/4, UBND tỉnh phối hợp với ban tổ chức tổng duyệt lần cuối để chuẩn bị cho tuần lễ văn hóa Festival Huế năm 2016. Chương trình nghệ thuật khai mạc Festival Huế 2016 sẽ diễn ra tại sân khấu Quảng trường Ngọ Môn - Kỳ Đài (TP Huế) vào lúc 20h ngày 29/4.


Ông Nguyễn Dung, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế , cho biết chủ đề festival năm nay có chủ đề 710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân -Thừa Thiên Huế; Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển.


Điểm nhấn của đêm khai mạc là các chương trình nghệ thuật đều tái hiện các nền văn hóa 3 miền. Trong ảnh là tiết mục biểu diễn trang phục áo dài nón lá của phụ nữ Việt Nam.


 "Chương trình Festival Huế được tổ chức chính là sự minh chứng cho sự thành công mà Huế đã đạt được trong việc phục hồi các công trình kiến trúc của quá khứ, cùng với việc sống lại các truyền thống văn hoá trước đây" , ông Dung chia sẻ.


Một màn biểu diễn các bài dân ca Bắc Bộ t rong tuần lễ văn hóa Festival Huế 2016.


"Sẽ có rất nhiều câu chuyện văn hóa truyền thống được thể hiện qua ngôn ngữ nghệ thuật và chuyển tải lên sân khấu của Festival Huế. Đây là cơ hội để thúc đẩy ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế phát triển, đồng thời là cơ hội để quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế", Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, nói.


Theo ban tổ chức, Festival Huế năm 2016 có sự tham gia của các quốc gia ở cả 5 châu lục như: Pháp, Bỉ, Nga, Anh, Đan Mạch, Ba Lan, Maroc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel, Sri Lanka, Australia, Mỹ, Mexico, Chile, Colombia...


Ngoài việc huy động tối đa lực lượng nghệ sĩ biểu diễn của địa phương từ nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế, Ca kịch Huế, Học viện Âm nhạc Huế, Festival Huế 2016 tiếp tục có sự tham gia biểu diễn của các đoàn nghệ thuật đặc sắc trong cả nước: Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long - Hà Nội, Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc - Thái Nguyên, Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen - TP Hồ Chí Minh, Liên đoàn Xiếc Việt Nam...


Ngoài việc tái hiện các tiết mục nghệ thuật truyền thống, ban tổ chức cũng lồng ghép các chương trình văn hóa nghệ thuật đương đại để thu hút giới trẻ đến với lễ hội.


Ông Dung nhận xét, mặc dù tỉnh Thừa Thiên Huế là một vùng đất mang đậm nét văn hóa phong kiến cổ xưa, trong quá trình hội nhập, việc kế thừa truyền thống và hòa nhập với những nét mới, hiện đại của các nền văn hóa tiên tiến luôn được đề cao.


Một tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ Trung Quốc.

 

Festival Huế 2016 khai mạc tối 29/4 và kéo dài đến ngày 3/5 với các hoạt động như: Chương trình nghệ thuật Khai mạc; Lễ Tế Giao; Đêm Hoàng Cung; Chương trình giới thiệu Tinh hoa nghệ thuật truyền thống Huế; Ngày hội Phật Giáo Huế và Lễ hội Đèn Quảng Chiếu; Chương trình nghệ thuật của các đoàn trong nước và quốc tế; Lễ hội đường phố“Di sản và sắc màu văn hóa các nước Đông Á - Mỹ Latin”; Lễ hội “Hương Xưa làng Cổ” (tại làng cổ Phước Tích - Huyện Phong Điền); Lễ hội “Chợ quê ngày hội” (tại Cầu Ngói Thanh Toàn - Thị xã Hương Thủy); Chương trình Âm nhạc Trịnh Công Sơn; Chương trình áo dài “Rực rỡ Kinh kỳ”; Chương trình nghệ thuật bế mạc.

Ngoài ra, còn có các sự kiện, chương trình hưởng ứng Festival, các chương trình xã hội hóa, các hoạt động văn hóa cộng đồng: Liên hoan “Ẩm thực Quốc tế”,Hội chợ “Thương mại Quốc tế Festival Huế 2016”, Festival Khoa học Huế 2016 "Thành tựu y học với sức khỏe cộng đồng";  Chương trình nhạc Rock, Festival Thơ Huế; Liên hoan “Sắc màu tuổi thơ” của thiếu nhi Huế, Lễ hội Đua thuyền truyền thống trên sông Hương, Lễ hội Diều Huế và trưng bày Diều, Lễ hội Bia…

Tác giả bài viết: Đoàn Nguyên - Ngọc Minh