Đập Ba Trâu không còn đủ nước để bà con sản xuất vụ hè thu
Bà Trần Thị Nhung - Xóm 2 Diễn Nam - xã Kỳ Tân - Tân Kỳ lo lắng: chúng tôi đã bắc mạ xong, còn khoảng 10 ngày nữa là gieo cấy, nếu thời gian tới, trời không mưa thì khó có nước cho chúng tôi gieo cấy.
Theo tổng hợp của Phòng Nông nghiệp phát triển nông thôn huyện Tân Kỳ, đến thời điểm này, trong tổng 120 hồ đập lớn nhỏ trên địa bàn huyện thì có tới 70% số hồ đập ở mực nước chết, số hồ đập còn lại mực nước chỉ còn 30% so với dung tích thiết kế, không thể cấp đủ nước phục vụ gieo cấy cho gần 4.700ha lúa Hè thu - vụ Mùa. Để có thể sản xuất vụ hè thu đúng lịch thời vụ, các ngành chức năng huyện Tân Kỳ đang tập trung chỉ đạo các địa phương thực hiện giải pháp chuyển dịch mùa vụ sản xuất.
Mặc dù đã bắc mạ xong, nhưng nếu trời không mưa, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất vụ hè thu của bà con huyện Tân Kỳ
Ông Nguyễn Tất Hải- Phó trưởng Phòng NN& PTNT huyện Tân Kỳ cho biết: Ngay từ đầu vụ sản xuất, UBND huyện Tân Kỳ đã chỉ đạo các địa phương quản lý tốt đầu mối các cống, tuân thủ đúng lịch thời vụ của huyện, do không chủ động được nước sản xuất hè thu nên chuyển sang làm mùa sớm; Tuyên truyền nhân dân sử dụng tiết kiệm nước, thực hiện nạo vét kênh mương, đắp bờ vùng bờ thửa.
Còn tại vựa lúa Yên Thành, khu vực sản xuất của các xã vùng cao cũng đang trong tình trạng thiếu nước trầm trọng. điều kiện sản xuất nông nghiệp của 15 xã vùng cao của huyện phần lớn phụ thuộc vào hồ đập. Tuy nhiên, hiện nay, trên 200 hồ đập vừa và nhỏ do địa phương quản lý trữ lượng nước còn rất ít, thậm chí nhiều hồ đập xuống dưới mực nước chết, không đủ cung cấp cho sản xuất và đời sống dân sinh.
15 xã vùng cao của huyện Yên Thanh đang đối mặt với nhiều khó khăn trong sản xuất vụ hè thu vì thời tiết
Theo dự báo của phòng nông nghiệp huyện trước tình hình khô hạn như hiện nay sẽ có 1.500 ha diện tích sản xuất lúa buộc phải chuyển đổi sang trồng các loại cây màu khác, nếu không có giải pháp phù hợp sẽ có một số diện tích phải bỏ hoang.
Ông Nguyễn Văn Dương – Trưởng phòng NN&PTNT Yên Thành trao đổi: Các hồ đập trên địa bàn hầu hết đã ở mực nước chết. Để đảm bảo cho sản xuất vụ hè thu mùa, UBND huyện chỉ đạo các địa phương rà soát các nguồn nước để có phương án cụ thể đảm bảo sản xuất, các vùng không đủ nước sản xuất thì chuyển đổi sang trồng các loại cây màu. UBND huyện hỗ trợ dầu, điện để bơm nước và hỗ trợ 50% vốn giống để chuyển đổi từ lúa sang cây trồng khác để nhân dân yên tâm sản xuất.
Với gần 13 nghìn ha cây trồng các loại, trong đó có 60% diện tích dựa vào nguồn nước tự chảy, 40% diện tích còn lại dựa vào 70 trạm bơm tạo nguồn nên hiện Diễn Châu đã chuyển đổi gần 600 ha lúa có nguy cơ thiếu nước sang trồng các loại cây màu khác như: vừng, dưa hấu, đậu đỗ, tăng gần 100 diện tích so với kế hoạch; Chỉ đạo các xã vừa thu hoạch vừa giữ nước chân ruộng để sản xuất hè thu, 300 ha mạ cũng được gieo tập trung tiết kiệm. Huyện tiếp tục chỉ đạo các xã vùng màu hỗ trợ kéo điện ra đồng, đào giếng khoan phục vụ nước tại ruộng...
Huyện Diễn Châu chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng trước những diễn biến bất thường của thời tiết
Ông Phan Xuân Vinh – Phó chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết thêm: Xí nghiệp thủy lợi các xã có phương án chống hạn cho địa phương mình đảm bảo cấy hết diện tích lúa hè thu, những diện tích không cấy được thì phải rút sang cây trồng khác. Huyện cũng đã có chỉ đạo cho từng vùng chuyển bao nhiêu diện tích, chuyển sang loại cây gì.
Hè thu 2016 xác định sẽ là vụ sản xuất hết sức khó khăn do khô hạn. Mặc dù với nhiều giải pháp khắc phục, hiện bà con nông dân nhiều địa phương trong Tỉnh đã cơ bản khép kín diện tích cây trồng các loại, tuy nhiên để đảm bảo nguồn nước cho cả mùa vụ, cho cây trồng phát triển được thì người dân phải có phương án tiết kiệm và sử dụng nước hiệu quả, mang tính lâu dài.