Sáng 31/7, Việt Nam có 4.060 ca mắc COVID-19 với 973 ca trong cộng đồng

Admin
Sáng 31/7, Bộ Y tế cho biết, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.060 ca mắc mới ghi nhận trong nước (có 973 ca trong cộng đồng).

 

Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh (2.503), Bình Dương (868), Đồng Nai (222), Tiền Giang (123), Bà Rịa - Vũng Tàu (76), Cần Thơ (55), Vĩnh Long (48), Bình Thuận (38), Đồng Tháp (31), Phú Yên (28), Kiên Giang (16), Đắk Lắk (11), Sơn La (10), Bình Định (9), Thừa Thiên Huế (4), Quảng Trị (4), Đắk Nông (4), Hà Nội (3), Nghệ An (2), Hà Tĩnh (2), Hậu Giang (2), Kon Tum (1).

Tính đến sáng ngày 31/7, Việt Nam có 141.122 ca mắc trong đó có 2.235 ca nhập cảnh và 138.887 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 137.317 ca, trong đó có 32.710 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 4/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn.

Có 9 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định.

Tổng số ca được điều trị khỏi: 35.484 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 411 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 21 ca.

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 5.853.565 mẫu cho 16.900.185 lượt người.

Trong ngày 30/7 có 407.283 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 5.931.376 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 5.342.483 liều, tiêm mũi 2 là 588.893 liều.

Bộ Y tế sẽ thiết lập Trung tâm hồi sức tại Bình Dương, hỗ trợ đẩy nhanh tiêm chủng của tỉnh Bình Dương.

Tỉnh Bình Dương lập bệnh viện dã chiến số 3, số 4 tại thị xã Bến Cát và huyện Bàu Bàng, với tổng quy mô 8.000 giường. Đến nay, tỉnh Bình Dương có 4 bệnh viện dã chiến với 16.000 giường bệnh.

Bộ Y tế tăng quân tinh nhuệ hỗ trợ 12 tỉnh miền Tây

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 tại các tỉnh Tây Nam bộ diễn biến phức tạp, số ca mắc vẫn tiếp tục gia tăng, khiến hệ thống truy vết, xét nghiệm, điều trị chịu nhiều áp lực, ngày 30/7, Bộ Y tế đã quyết định thành lập Tổ công tác và bổ sung thành viên các tổ công tác khác hỗ trợ 12 tỉnh miền Tây Nam bộ phòng chống dịch.Theo đó, Bộ Y tế thành lập 2 Tổ công tác của Bộ Y tế hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 đặt tại 2 tỉnh: Bạc Liêu và Cần Thơ. Mỗi Tổ công tác gồm 12 -16 thành viên gồm 1 tổ trưởng, 1 - 2 tổ phó. Họ là những chuyên gia, cán bộ có kinh nghiệm của các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế. Tại các địa phương, Tổ có nhiệm vụ giám sát, hỗ trợ và phối hợp với các đơn vị liên quan của tỉnh để triển khai các hoạt động: Phòng chống dịch trong cộng đồng; doanh nghiệp; khu cách ly; hướng dẫn thực hiện xét nghiệm, điều trị, cách ly F1 tại nhà và công tác vệ sinh môi trường khử khuẩn.

Cụ thể, Tổ công tác thường trực tại tỉnh Bạc Liêu do ông Trần Quang Phục, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét- Ký sinh trùng – Côn trùng T.Ư làm Tổ trưởng, sẽ triển khai hoạt động hỗ trợ phòng chống dịch tại tỉnh này và Sóc Trăng, Cà Mau. Tổ công tác thường trực tại TP Cần Thơ do ông Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng làm Tổ trưởng sẽ triển khai hoạt động hỗ trợ phòng chống dịch tại TP này và Kiên Giang, Hậu Giang. Bộ Y tế cũng có 2 quyết định bổ sung thành viên Tổ công tác của Bộ Y tế hỗ trợ phòng chống dịch tại Đồng Tháp và Tiền Giang. Mỗi đoàn thêm 7- 8 thành viên. Trong đó, Tổ công tác thường trực tại Đồng Tháp sẽ triển khai hoạt động hỗ trợ phòng chống dịch tại tỉnh này và An Giang, Vĩnh Long. Còn Tổ công tác thường trực tại Tiền Giang sẽ triển khai hoạt động hỗ trợ phòng chống dịch tại tỉnh này và Bến Tre, Trà Vinh.

Bệnh viện Bạch Mai đảm nhiệm chính bệnh viện điều trị 3.000 giường

Ngày 30/7, Bộ Y tế cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cùng đoàn cán bộ, chuyên gia của bệnh viện đã khảo sát kỹ khu cách ly cũng như từng phòng bệnh ở Bệnh viện Dã chiến 16 (Quận 7, TPHCM). Việc khảo sát này để thiết lập tại đây một trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng ở TPHCM với quy mô 500 giường.

“Tại đây có tổng cộng gần 3.000 giường bệnh, chúng tôi sẽ nâng cấp, thiết lập 500 giường hồi sức tích cực. Hiện bệnh viện này đã trang bị xong 700 giường bệnh và nhận thêm nhiều bệnh nhân có triệu chứng vừa và bệnh nền. Các y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã bắt đầu đến; tiếp theo sẽ có thêm nhân sự từ đoàn của Sở Y tế Vĩnh Phúc và Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM)”, ông Tuấn nói.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tất cả bệnh nhân vào đây đều có triệu chứng vừa, bệnh nền. Sẽ thiết lập 500 giường dành để cứu chữa bệnh nhân nặng, phải thở máy. Số giường còn lại dành cho bệnh nhân có triệu chứng vừa. Nếu bệnh nhân nào phải đặt tim, phổi nhân tạo (ECMO) thì sẽ chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy. Tuy nhiên để kịp thời cứu bệnh nhân, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã chuẩn bị máy ECMO để đưa vào. “Chúng tôi đã lập lại quy trình đảm bảo an toàn tuyệt đối cho y bác sĩ và bệnh nhân trong chống nhiễm khuẩn. Hiện tại tập trung ở đây chủ yếu bệnh nhân có triệu chứng vừa, bệnh nền nên sự vào cuộc, hỗ trợ của Bệnh viện Bạch Mai rất quan trọng. Đến chiều 30/7, chỉ có một bệnh nhân đang thở ôxy, cao huyết áp. Tất cả bệnh nhân khác đều ổn định”, GS,TS Nguyễn Quang Tuấn thông tin.

Ông Tuấn cho biết thêm, lộ trình đưa chuyên gia, máy móc, trang thiết bị vào TPHCM phụ thuộc vào số bệnh nhân nhận. Trước mắt sẽ có 3 bước. Bước 1 đưa 100 giường vào hoạt động sớm, trong tuần sau. Bước 2 sẽ nâng lên 300 giường rồi bước 3 là 500 giường theo mức độ yêu cầu của thực tế. Khí nén và máy hút đang khẩn trương được hoàn thiện. Để chăm sóc cho bệnh nhân thở máy, đòi hỏi kỹ năng cao phải là bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Đối với các giường thường, triệu chứng nhẹ bác sĩ ở các bệnh viện khác sẽ phối hợp cùng nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai điều trị.

Tác giả: Hà Minh

Nguồn tin: Báo Tiền phong