Giáo dục

Sắp trình Thủ tướng Khung trình độ quốc gia

Khung trình độ quốc gia do Bộ GD-ĐT xây dựng đang hoàn thiện dự thảo cuối cùng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết tại Diễn đàn đối thoại chính sách ASEAN và Việt Nam tăng cường sự dịch chuyển sinh viên quốc tế diễn ra sáng nay, 8/6.
20160608152854 tt bui van ga khung trinh do quoc gia
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết Khung trình độ quốc gia đang được hoàn thiện và sắp trình Thủ tướng Chính phủ. (Ảnh: Lê Văn)

Khung trình độ quốc gia được Bộ GD-ĐT xây dựng dựa trên khung tham chiếu chung của ASEAN, đồng thời cũng có điều chỉnh cho tương thích với cơ cấu hệ thống giáo dục Việt Nam, theo Thứ trưởng Ga.

Ông Ga cho biết, sau khi khung trình độ của các nước trong khu vực được công nhận chung, tiến tới sẽ công nhận văn bằng và tín chỉ của các trường đại học.

"Trên nền tảng khung trình độ quốc gia được các nước công bố, các quốc gia trong khu vực sẽ ký hiệp định công nhận văn bằng cũng như tín chỉ của các trường đại học" - ông Ga cho hay.

"Tất nhiên, vẫn có sự khác biệt về giáo dục, chương trình đào tạo, thời gian… các quốc gia sẽ cố gắng tìm tiếng nói chung trên cơ sở khung tham chiếu chung của khu vực ASEAN".

Theo đó, việc ban hành khung trình độ quốc gia sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc dịch chuyển sinh viên ĐH cũng như lao động trong khối ASEAN trở nên dễ dàng hơn.

Với vấn đề tăng cường dịch chuyển sinh viên giữa Việt Nam và khu vực ASEAN, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, hiện tại, số lượng sinh viên Việt Nam đang học tại nước ngoài 130 ngàn nhưng số lượng sinh nước ngoài học học tại Việt Nam 20 ngàn.

"Như vậy có sự mất cân bằng dịch chuyển sinh viên nước ta ra nước ngoài cũng như nước ngoài vào trong nước" - ông Ga nhận định. Hiện, chính phủ Việt Nam đang có nhiều nỗ lực thu hút sinh viên các nước đến học tại Việt Nam, đặc biệt là các nước trong ASEAN.

Việt Nam hiện đang áp dụng các chương trình đào tạo tiên tiến với các khóa đào tạo bằng tiếng Anh đồng thời mở nhiều trường ĐH Quốc tế như ĐH Việt Đức, Việt Pháp, Việt Nhật… với mục tiêu thu hút ngày càng nhiều sinh viên nước ngoài đến Việt Nam học hơn.

Trong khi đó, trước câu hỏi về nguy cơ lao động Việt Nam có thể thua ngay trên sân nhà sau khi cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, Bộ GD-ĐT đã thấy từ rất lâu và có sự chuẩn bị.

"Chúng ta đã đưa việc dạy tiếng Anh vào tất cả trình độ của hệ thống giáo dục quốc dân. Đây là điều kiện để hội nhập quốc tế đặc biệt là với các quốc gia ASEAN" - ông Ga thông tin. Ông Ga cũng cho biết, Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo đổi mới chương trình đào tạo để phù hợp với chuẩn đào tạo ở nước ngoài.

"Mặc dù khung trình độ chưa được công bố nhưng Bộ từ lâu đã ban hành thông tư về chuẩn kiến thức đại học dựa vào khung tham chiếu của ASEAN. Đảm bảo chuẩn đầu ra của Việt Nam phù hợp thước đo trình độ khu vực, sao cho lao động của chúng ta được thừa nhận trong khu vực" - ông Ga khẳng định.

Diễn đàn đối thoại chính sách ASEAN và Việt Nam tăng cường sự dịch chuyển sinh viên quốc tế là diễn đàn đối thoại chính sách lần thứ 3 thuộc Dự án Hỗ trợ Giáo dục Đại học tại khu vực Đông Nam Á (gọi tắt là SHARE) thuộc Liên minh Châu Âu (EU). Diễn đàn có sự tham gia của Cộng đồng các quốc gia ASEAN cùng sự hỗ trợ của Bộ GD-ĐT Việt Nam.

SHARE là một dự án 10 triệu Euro do EU tài trợ với một mục tiêu chính là tăng cường sự hợp tác trong khu vực, nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh và quốc tế hóa của các cơ sở giáo dục đại học và sinh viên ASEAN đồng thời đóng góp cho cộng đồng ASEAN. Từ năm 2016 trở đi, Dự án sẽ cung cấp khoảng 500 suất học bổng dành cho sinh viên ASEAN để nhằm đưa vào thử nghiệm các hệ thống mới cải thiện, chủ yếu bằng cách hỗ trợ trao đổi sinh viên và công nhận tín chỉ trong khu vực ASEAN.

Nhiều thách thức

Phát biểu tại diễn đàn, bà Rodora T. Babaran, Giám đốc Phát triển Con người, Ban Thư ký ASEAN cho biết, việc dịch chuyển sinh viên giữa các quốc gia ASEAN phải đối mặt với nhiều thách thức.

Đầu tiên là sự đa dạng của hệ thống giáo dục ASEAN. "Trong 12 triệu sinh viên đại học của ASEAN có một nửa đến từ Indonsia và Philippines. Trong số 7.400 cơ sở giáo dục đại học tại ASEAN, 50% là các trường của Indonesia. Thái Lan chỉ chiếm 2% (141 trường) và Lào chiếm 1% (45 trường)" - bà Babaran dẫn chứng.

Thứ hai là cơ chế chia sẻ thông tin và xây dựng niềm tin với trung tâm là cơ chế bảo đảm chất lượng mạnh và hiệu quả.

Cuối cùng, bà Babaran cho rằng, nhiều quốc gia ASEAN vẫn gặp khó khăn và cần hỗ trợ để phát triển năng lực tiếng Anh. Một lựa chọn khác là sử dụng một hoặc một số ngôn ngữ chung của ASEAN nhưng đây vẫn là một câu hỏi đang bỏ ngỏ.

Tác giả bài viết: Lê Văn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP