Sạt lở nghiêm trọng chia cắt Đà Lạt – Nha Trang

Lợi Trần
Sáng ngày 3-11, thông tin từ nhiều du khách và nhà xe chạy tuyến Đà Lạt – Nha Trang cho biết, họ buộc phải quay trở lại bởi QL27C, đoạn qua đèo Khánh Vĩnh dài trên 30km nối liền hai tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa nhiều đoạn đã bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng.
Thông tin ban đầu cho biết, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nhiệt đới mới trên biển Đông, những trận mưa lớn xuất hiện từ chiều tối ngày 2-11 kéo dài tới sáng ngày 3-11 đã khiến truyến đường đèo Khánh Vĩnh – Khánh Lê thuộc địa phận hai tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa xuất hiện nhiều dòng suối lớn.

Nước từ đỉnh núi đổ ập xuống đường đèo kéo theo một lượng đất đá rất lớn. Mưa lớn kéo dài cũng đã làm cho đất đá tại nhiều vị trí từ các sườn núi mất liên kết đổ tràn ra đường.

 
QL27C đoạn qua đèo Khánh Vĩnh bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng. Ảnh du khách chụp

Theo phản ánh của một số hành khách, vị trí sạt lở nghiêm trọng nhất bắt đầu từ điểm cách đỉnh Hòn Giao khoảng 1,5km. Các phương tiện tham gia giao thông trên QL27C không thể vượt qua được.

Chị Mai Thư, một hành khách tại hiện trường cho biết, hiện hàng trăm xe ô tô, gắn máy ở cả hai chiều (Lâm Đồng và Khánh Hòa) đã buộc phải quay đầu lại vì không thể tiếp tục cuộc hành trình. Tuyến đèo này cũng đang chìm trong sương mù dày đặc che khuất tầm nhìn.

Nước lũ từ đỉnh núi, đất đá tiếp tục đổ xuống, nhiều vị trí khác đang có nguy cơ sạt lở đe dọa trực tiếp tới người tham gia giao thông.

 
Hàng trăm phương tiện tham gia giao thông ở cả hai chiều buộc phải quay trở lại. Ảnh du khách chụp

Hiện lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường tại những vị trí xảy ra sạt lở nghiêm trọng trên đèo Khánh Vĩnh để phân luồng giao thông, cảnh báo nguy hiểm và huy động lực lượng để khắc phục sự cố.

Để đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện, trong thời gian này, mọi người không nên đi Đà Lạt – Nha Trang và chiều ngược lại bằng QL27C mà di chuyển theo QL20, từ Đà Lạt xuống Phan Rang rồi ra Nha Trang bằng QL1, chấp nhận xa hơn khoảng 100km.

Tác giả bài viết: Kim Ngân

Nguồn tin: