Giáo dục

Sau 19/8, các trường công bố chỉ tiêu xét tuyển bổ sung

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, sau 19/8, các trường thống kê lượng thí sinh chính thức nộp Giấy chứng nhận kết quả thi để công bố chỉ tiêu xét tuyển bổ sung và các ngành cũng như điều kiện nhận đăng ký xét tuyển.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga. Ảnh: Lê Văn


Các thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1 hoặc trúng tuyển nhưng không nộp Giấy chứng nhận kết quả thi cho trường cần theo dõi thông tin tuyển sinh bổ sung trên các trang thông tin điện tử của trường để biết chi tiết.

Theo Thứ trưởng Ga, do thí sinh ảo nên nhiều ngành của các trường tuy có số lượng thí sinh đăng ký nhiều trong đợt 1 vẫn có thể tuyển chưa đủ chỉ tiêu. Do vậy, thí sinh chưa trúng tuyển vẫn còn nhiều cơ hội xét tuyển vào các ngành/ trường mà mình yêu thích.

Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường công khai, minh bạch thông tin xét tuyển, thực hiện nghiêm quy chế và hướng dẫn công tác tuyển sinh, đảm bảo đúng thời gian và lịch trình các đợt xét tuyển, không đặt ra bất kỳ quy định ngoại lệ nào gây khó khăn cho thí sinh.

Đối với những thí sinh đã trúng tuyển, Thứ trưởng Ga lưu ý phải nhanh chóng nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi cho trường mình quyết định nhập học trước ngày 19/8.

Sau thời hạn trên, thí sinh nào không nộp Giấy chứng nhận kết quả thi thì xem như không chấp nhận vào học tại trường và nhà trường sẽ gọi thí sinh bổ sung – Thứ trưởng Ga cho biết.

Trường phải chấp nhận ảo để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh

Trước thực tế các trường phản ánh gặp nhiều khó khăn trong việc tiên lượng số thí sinh ảo để xác định điểm chuẩn phù hợp để không tuyển vượt chỉ tiêu, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, để đảm bảo quyền lợi thí sinh thì các trường phải chấp nhận ảo.

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển ĐH tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Lê Văn


Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tại thời điểm chốt cơ sở dữ liệu, đã có 396.496 thí sinh đăng ký vào 6.02.747 lượt trường.

“Như vậy, có khoảng 75% thí sinh đăng ký xét tuyển cùng lúc vào hai trường trong đợt 1. Thí sinh ảo là tất yếu” – Thứ trưởng Ga cho hay.

Tuy nhiên, để hỗ trợ các trường loại trừ ảo như khuyến khích tuyển sinh theo nhóm, cung cấp dữ liệ thí sinh đăng ký vào các trườngngành cùng đợt xét tuyển để tham khảo, phân tích, không quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải bằng hoặc cao hơn đợt trước…

Về vấn đề tuyển vượt chỉ tiêu, theo Thứ trưởng Ga, Bộ đã khuyến khích các trường thống nhất với nhau để tổ chức xét tyển chung trong cả nước hay tham gia các nhóm xét tuyển các vùng miền để giảm thiểu thí sinh ảo song phương án này không được các trường chấp nhận.

Vì vậy, khi các trường tự chủ lựa chọn phương án xét tuyển thì phải có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của quy chế tuyển sinh.

“Bộ yêu cầu các trường không được tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu đã công bố để một mặt đảm bảo chất lượng đào tạo và mặt khác không gây khó khăn về nguồn tuyển đối với các trường khác” – Thứ trưởng Ga nhấn mạnh.

Đang xây dựng phương án tuyển sinh năm 2017

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: Lê Văn


Theo Thứ trưởng Ga, trong hai năm qua, mặc dù đã nỗ lực đổi mới thi tuyển sinh tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ song dư luận xã hội vẫn còn nhiều ý kiến băng khoăn.

Băn khoăn là khó có thể đạt được hai mục đích một cách trọn vẹn với một kỳ thi như hiện nay vì yêu cầu của xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ khác nhau.

Thứ hai, xã hội băn khoăn rằng trên thực tế chỉ có khoảng 60-70 trường ĐH có tính cạnh tranh cao trong tổng số gần 450 trường ĐH, CĐ, vậy có cần thiết tổ chức thi chung để phục vụ tuyển sinh cho tất cả các trường?

Thứ ba, nhiều người cũng đặt vấn đề có nên tiếp tục tổ chức thi theo kiểu truyền thống như hiện nay hay chuyển sang phương thức thi hiện đại hơn theo hướng tiếp cận đánh giá năng lực của thí sinh với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin?

Đến thời điểm hiện tại, Bộ đã nhận được văn bản của các Sở GD-ĐT và các trường ĐH, CĐ đề xuất phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2017 và các năm tiép theo.

“Thống kê sơ bộ thì nhiều Sở GD&ĐT muốn được chủ động tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT. Trong khi đó các trường ĐH muốn được tự chủ trong tuyển sinh vào trường mình” – Thứ trưởng Ga cho biết.

Hiện tại, Bộ đã thành lập Tổ công tác để nghiên cứu, đánh giá, xây dựng phương án tối ưu nhất và sẽ sớm công bố vào đầu năm học tới.

Tác giả bài viết: Lê Văn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP