Theo quy định mới nhất của thành phố Hà Nội, năm học 2019-2020, Hà Nội sẽ tuyển sinh học sinh vào lớp 1 và lớp 6 các trường công lập theo phương thức xét tuyển theo tuyến tuyển sinh do UBND quận, huyện, thị xã quy định.
Đây là phương thức đã được thực hiện ổn định từ nhiều năm nay. Các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã có trách nhiệm phân tuyến tuyển sinh hợp lý để huy động được số trẻ đến trường với tỷ lệ cao nhất, không để xảy ra hiện tượng quá tải ở các nhà trường trên địa bàn.
|
Năm học 2019-2020, Hà Nội vẫn áp dụng song song hai hình thức tuyển sinh: Trực tiếp hoặc trực tuyến. Thời gian tuyển sinh bằng hình thức trực tiếp từ ngày 13 đến hết ngày 18/7/2019. Thời gian tổ chức tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến được phân theo từng cấp học, cụ thể: Tuyển sinh vào lớp 1 từ ngày 1 đến hết ngày 3/7/2019; tuyển sinh vào lớp 6 từ ngày 7 đến hết ngày 9/7/2019.
Riêng đối với các trường trung học cơ sở được UBND thành phố Hà Nội công nhận là trường chất lượng cao, tuyển sinh vào lớp 6 không theo tuyến và có số học sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu thì được lựa chọn một trong hai phương thức: Xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực. Điểm tuyển sinh là tổng của điểm xét tuyển và điểm kiểm tra, đánh giá năng lực (tính hệ số 2).
Riêng kiểm tra, đánh giá năng lực, thành phố Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã quy định bài kiểm tra, đánh giá năng lực. Điểm kiểm tra là tổng điểm các bài kiểm tra, đánh giá năng lực được tính theo thang điểm 10. Trong đó nội dung kiểm tra thuộc chương trình giáo dục tiểu học, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 5 hiện hành. Hình thức kiểm tra là làm bài trắc nghiệm khách quan hoặc trắc nghiệm khách quan kết hợp tự luận, trong đó đảm bảo yêu cầu 4 cấp độ nhận thức bao gồm: nhận biết, thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp và vận dụng cấp độ cao. Thời gian làm bài tối đa 60 phút/ bài. Các trường lựa chọn thời gian kiểm tra, đánh giá năng lực hợp lý, sau đó báo cáo phòng GD&ĐT trình UBND quận, huyện, thị xã phê duyệt.
Trước đó, từ năm học 2016-2017, Hà Nội “tuyệt đối” không cho phép các trường tổ chức thi tuyển vào lớp 6 với lý do tránh việc chạy đua ôn thi, luyện lò…, giảm tải cho học sinh. Tuy nhiên sau đó, một số thông tin cho rằng, các trường có truyền thống thi tuyển để chọn học sinh có năng lực tốt như Armsterdam hay Chu Văn An, Đoàn Thị Điểm, Marie Curie… cho rằng, việc chỉ xét tuyển mà không thi sẽ khiến các trường khó chọn học sinh có thực lực, thậm chí lại nảy sinh việc luyện thi để có các giải, các chứng chỉ, chứng nhận... nhằm tăng số điểm khi tuyển chọn.
Đến năm học 2018-2019, Hà Nội đã cho phép một số trường “đặc thù” được phép tuyển sinh kết hợp “kiểm tra năng lực”.
Thi tuyển vào lớp 10 hoàn toàn không cộng điểm
Về những quy định liên quan đến công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020, năm học 2019-2020 là năm đầu tiên thành phố Hà Nội áp dụng phương thức thi tuyển để tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT công lập thay cho phương thức thi tuyển kết hợp với xét tuyển đã được thực hiện nhiều năm qua (các năm trước, việc xét tuyển dựa vào quy đổi điểm tổng kết các năm học, ví dụ học sinh giỏi được cộng 5 điểm/1 năm học, học sinh tiên tiến cộng 4 điểm/năm học, ngoài ra còn cộng điểm nghề..., còn điểm thi sẽ nhân hệ số 2).
Để dự tuyển vào lớp 10 công lập, mỗi học sinh phải làm 4 bài thi, gồm: Toán, ngữ văn, ngoại ngữ; bài thi thứ tư sẽ được công bố vào tháng 3/2019.
Ngoài ra, học sinh có thể đăng ký dự tuyển vào lớp 10 các trường trung học phổ thông ngoài công lập hoặc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Theo dự kiến, hầu hết các đơn vị này đều tổ chức tuyển sinh theo phương thức xét tuyển học bạ cấp THCS.
Cũng như mọi năm, mỗi học sinh tốt nghiệp THCS được đăng ký hai nguyện vọng vào lớp 10 THPT công lập. Tuy nhiên, hai nguyện vọng này phải nằm trong cùng một khu vực tuyển sinh.
Đồng thời, học sinh có thể đăng ký nguyện vọng vào lớp chuyên của các trường THPT: Chuyên Hà Nội - Amsterdam, chuyên Nguyễn Huệ, Chu Văn An và Sơn Tây cũng như các trường dân lập khác.