Giáo dục

Sau chuyến thăm của Tổng thống Obama, hơn 20 giảng viên Việt Nam sang Mỹ học giáo học pháp

Hiện nay hơn 20 giảng viên đại học đến từ Việt Nam đang tham gia khóa học mùa hè kéo dài 6 tuần tại Trường Đại học bang Arizona (Mỹ) để học phương pháp giảng dạy. Khóa học mà các giảng viên Việt Nam đang tham gia nằm trong chương trình tại Đại học bang Arizona mà Tổng thống Mỹ Obama từng nhấn mạnh khi nói về hợp tác quốc tế trong chuyến thăm Việt Nam mới đây.

Theo đó, Trường Đại học bang Arizona (ASU) sẽ dạy các giảng viên Việt Nam những cách thức mới trong giảng dạy các môn kỹ thuật, công nghệ...

Tổng thống Obama nhận định: “Những cơ sở hàng đầu về học thuật và công nghệ của Mỹ, trong đó có tập đoàn Intel, Oracle, Trường đại học bang Arizona, và những tổ chức khác, sẽ giúp các trường đại học Việt Nam nâng cao đào tạo về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán.”

Sau chuyến thăm của Tổng thống Obama, hơn 20 giáo sư Việt Nam sang Mỹ học phương pháp giảng dạy

David Benson, giám đốc học thuật của chương trình nói rằng, chương trình tạo điều kiện cho các giảng viên thỉnh giảng đến từ Việt Nam những cách thức mới để giảng dạy cho sinh viên.

Chương trình Hợp tác Giáo dục Đại học ngành Kỹ thuật (gọi tắt là dự án HEEAP) cho các giảng viên Việt Nam thấy được giá trị của việc dạy kỹ năng thực tế. Mục đích của chương trình là giúp sinh viên học theo nhiều cách khác nhau hơn là chỉ dựa vào việc ghi nhớ kiến thức.

Được biết, ASU và Intel phối hợp đưa ra chương trình này hơn 5 năm trước, với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

Jeffrey Goss, giám đốc điều hành của chương trình, cho biết: “Khi chương trình HEEAP được đưa ra, lý do là Intel đã nhìn nhận được sự dịch chuyển trong việc giảng dạy kỹ thuật ở Việt Nam. Mục đích cao nhất là giúp “chuẩn bị cho các kỹ sư Việt Nam có thể cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu".

Còn giám đốc Benson thì nói rằng chương trình này nhằm hỗ trợ các giảng viên Việt Nam khi họ trở lại giảng dạy ở các trường đại học ở Việt Nam.

Benson cho biết: “Chúng tôi muốn họ thực sự vào cuộc như là những học viên và sau đó đặt ra những câu hỏi như “Tôi học gì? Tôi học như thế nào? Làm cách nào tôi có thể áp dụng điều này vào trong lớp học để sinh viên của tôi có được trải nghiệm này?”.

Minh Lam, một giảng viên của Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, nói rằng khóa học mùa hè 6 tuần này sẽ thay đổi cách thức cô giảng dạy.

Cô Lam cho biết: “Chương trình đã thực sự gợi cảm hứng cho tôi để thay đổi khóa học tôi giảng dạy. Sau chương trình này, tôi hy vọng rằng mình cũng có thể truyền cảm hứng cho sinh viên nữa.

Tôi đã học được rằng mọi thứ đều có thể, kể cả với sinh viên năm thứ nhất. Điều tốt ở đây là, nếu chúng ta thay đổi cách giảng dạy, sinh viên có thể học được nhiều hơn. Cuối cùng thì sinh viên có thể tạo ra một số thứ mới mẻ.”

Các giảng viên tham gia chương trình này không chỉ học ở Trường đại học bang Arizona. Họ còn dạy lẫn nhau nữa.

Benson nói: “Khi bạn làm gì đó với sự kết hợp của các nền văn hóa, bạn đang tìm kiếm cách thức để hiểu người khác cũng nhiều như là họ đang tìm cách hiểu bạn””.

Tác giả bài viết: Xuân Vũ (Theo Cronkite News)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP