Sau những vụ bê bối mất tiền gửi, cổ đông đòi CEO Eximbank từ chức

Admin
Đại hội cổ đông thường niên Eximbank năm nay có rất nhiều cổ đông đặt câu hỏi liên quan tới 2 vụ khiếu nại khách hàng mất tiền \"cổ tức đã không có, lại còn phải góp thêm tiền\" và đòi Tổng giám đốc từ chức.

Sáng 27/4, cổ đông chất vấn CEO Eximbank có từ chức sau các vụ mất tiền và nói các lỗ hổng quản trị nội bộ thì ban điều hành nên tự trách mình, hơn là dồn trách nhiệm cho cổ đông, nhiều cổ đông mong muốn HĐQT nhận và giải thích rõ ràng về các vụ mất tiền liên tiếp xảy ra.

 

 Đại hội đồng cổ đông Eximbank sáng ngày 27/4 (Ảnh Tuổi trẻ)

 

Cụ thể trong năm 2017, Eximbank phát sinh 2 vụ rủi ro tiền gửi lớn, là vụ khách gửi 50 tỷ đồng tại Eximbank Đô Lương (Nghệ An) và khách hàng Chu Thị Bình mất 245 tỷ đồng tiết kiệm gửi tại Eximbank chi nhánh TP.HCM.

Trong số cổ đông đến tham dự, rất nhiều cổ đông đặt ra câu hỏi: "Tổng Giám đốc Eximbank có nên từ chức hay không?".

"Nếu Eximbank phải đền gần 300 tỷ cho khách hàng thì chính chúng tôi là người chịu thiệt. Cổ tức thì đã không có rồi. Ngân hàng còn rất mất uy tín trong các vụ việc mất tiền vừa qua. Các vị đã tự đánh giá về trách nhiệm của mình trong vụ việc này hay chưa. Anh Quyết tổng giám đốc có từ chức hay không", một nam cổ đông cho biết.

Đồng tình với quan điểm trên, một nữ cổ đông cao tuổi rất bức xúc: "Tôi là một trong những cổ đông sáng lập, từ xưa đến nay vẫn giữ nguyên đầu tư vào ngân hàng, ngay cả giai đoạn khó khăn cũng không rút tiền ra.

Thế nhưng, ngay trong nội bộ ngân hàng, ông Phó giám đốc chi nhánh, rồi nhân viên lại đi rút tiền của ngân hàng và để cho cổ đông phải chịu. Vậy thì trách nhiệm của các ông lãnh đạo là Chủ tịch HĐQT, Phó chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc ở đâu?".

Trả lời về vấn đề này, ông Lê Văn Quyết - Tổng giám đốc Eximbank, cho biết vụ mất 245 tỷ đồng thực sự bắt đầu từ năm 2010 chứ không phải bây giờ. Tuy nhiên, vụ việc bị phát giác trong nhiệm kỳ của HĐQT hiện tại, nên HĐQT có trách nhiệm xử lý để giữ uy tín với khách hàng.

Ngay sau vụ việc phát giác, ngân hàng đã siết quản lý rủi ro, tăng phương án cảnh báo với khách, soi kỹ giao dịch ủy quyền, luân chuyển cán bộ để đảm bảo khách quan… Ông Quyết nói hy vọng mọi chuyện sẽ sớm được làm sáng tỏ, để uy tín ngân hàng được khôi phục.

Trả lời câu hỏi về việc từ chức, ông Quyết cho biết ông về Eximbank theo hợp đồng hai năm, và có cam kết trong vòng 2 năm sẽ giải quyết cơ bản các vấn đề tồn đọng, đưa Eximbank trở lại vạch xuất phát.

"Mới đây, tôi đã chính thức bày tỏ nguyện vọng với HĐQT nên tìm kiếm nhân sự mới phù hợp hơn với mục tiêu của ngân hàng trong giai đoạn mới", CEO Eximbank trả lời câu hỏi của cổ đông.

Theo các báo cáo hoạt động của HĐQT và Ban điều hành gửi tới cổ đông, năm 2017, Eximbank đã vượt qua nhiều khó khăn và đạt các kết quả khả quan. Tổng tài sản đến cuối năm 2017 là hơn 149.000 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2016. Ngân hàng huy động vốn đạt hơn 117.000 tỷ, tăng 14,8%; dư nợ cho vay đạt hơn 101.000 tỷ đồng. Năm nay, ngân hàng cũng tiếp tục không chia cổ tức.