Sẽ không còn phân biệt công an và cảnh sát

Admin
Dự thảo Luật Công an nhân dân sửa đổi theo hướng tinh gọn, bám cơ sở.

Chiều 7-6, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Công an nhân dân (CAND) sửa đổi. Hai nội dung được bàn thảo nhiều nhất là tinh gọn bộ máy và giám đốc công an cấp tỉnh có cần phải mang hàm cấp tướng không.
Giám đốc công an đều là tướng?

Tại phiên thảo luận tổ, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Xuân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, băn khoăn khi dự thảo quy định bậc hàm cao nhất là thiếu tướng chỉ áp dụng đối với giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I. “Sau khi ngành công an tinh gọn bộ máy sẽ loại bỏ cấp tổng cục và giảm số lượng cục. Như vậy chỉ còn cục trưởng và giám đốc công an là cấp liền kề với cấp lãnh đạo Bộ Công an, tương đương nhưng cục trưởng cấp hàm lên đến thiếu tướng, trung tướng trong khi giám đốc công an chỉ là đại tá là không hợp lý” - ĐB Xuân nói. Bà dẫn chứng là cấp cục trưởng chỉ quản lý 200-300 quân trong khi giám đốc công an tỉnh quản lý 3.000-4.000 quân.

ĐB Xuân đề nghị nên quy định cấp hàm cao nhất là thiếu tướng đối với toàn bộ giám đốc công an các tỉnh, thành.

ĐB Lê Ngọc Hải, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam, cho hay: Theo quy định hiện nay, ngành công an là 205 tướng, còn quân đội là 401 tướng. “Trước đây khi thông qua Luật Sĩ quan quân đội nhân dân, bên quân đội cũng đề nghị cấp thiếu tướng cho chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh là đơn vị hành chính cấp I trở lên nhưng không được. Nên trần quân hàm giám đốc công an tỉnh cũng như chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự hàm đại tá là vừa. Khi có tình huống xảy ra thì chỉ huy trưởng quân sự tỉnh là chỉ huy thống nhất lực lượng vũ trang… Nếu công an lên thiếu tướng thì chắc chắn tôi cũng đề nghị bên quân đội sửa Luật Sĩ quan quân đội nhân dân cho ngang bằng với nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ” - ĐB Hải nói.

 Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: TP

ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng chỉ nên thực hiện ở hai TP lớn là Hà Nội và TP.HCM. Các tỉnh khác thì dừng ở cấp đại tá, như vậy phù hợp với quân đội. “Sắp tới nhiều tỉnh sẽ trở thành đơn vị loại I, như vậy cấp tướng sẽ tăng lên, sẽ loạn cấp tướng…” - ông Vượt nêu ý kiến.

Ngược lại, ĐB Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, lại tán thành quy định phong tướng cho giám đốc công an tỉnh nhưng nên “chọn địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự và để tránh số lượng tướng tăng lên vì công an một địa phương rất đông, tính chất phức tạp hơn nhiều” - ông Chính nói.

Sắp xếp lại bộ máy công an

Tại phiên thảo luận tổ, nhiều ĐB tán thành việc sắp xếp bộ máy công an theo hướng không còn Tổng cục Cảnh sát, Tổng cục An ninh, sáp nhập lực lượng cảnh sát PCCC, bố trí công an chính quy tại cấp xã…

“Bỏ tổng cục sẽ giảm tối đa cấp trung gian, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ… Giảm sáu tổng cục, 70 đầu mối cấp cục thì bộ máy sẽ tinh gọn hơn, chỉ huy chỉ đạo sẽ nhanh chóng hơn…” - ĐB Đào Thanh Hải (Hà Nội) nói.

Liên quan đến việc bố trí lại lực lượng công an xã, các ĐB cũng lưu ý cần có lộ trình, phối hợp với chính quyền cơ sở. “TP.HCM đã bố trí công an chính quy ở nhiều xã, nhất là các xã phức tạp và điều này là cần thiết nhưng cần có lộ trình cụ thể, hài hòa với cấp ủy, chính quyền cơ sở” - ĐB Ngô Minh Châu (TP.HCM) nói.

85% lực lượng công an là ở cơ sở, ở bộ chỉ còn 15% theo dự luật CAND sửa đổi.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định việc sửa Luật CAND là cần thiết trong tình hình mới.

Ông nhấn mạnh: “Vừa qua nghị quyết trung ương cũng nêu rõ là phải tạo “sự chuyển biến quan trọng trong bộ máy tổ chức của lực lượng công an”. Theo đó, ngành công an đã đưa ra khẩu hiệu “bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, tức là bám vào dân. Luật kỳ này đặt ra cũng nhằm vào mục tiêu này”.

Bộ trưởng cho hay ngành công an sẽ bố trí lại theo hướng không phân biệt giữa lực lượng công an và cảnh sát mà dùng chung là lực lượng công an.

“Trước đây muốn tách thành hai bộ Công an và An ninh. Bây giờ không còn nữa mà công an là dùng chung, không phân biệt giữa các lực lượng” - ông nói.

Cũng theo Bộ trưởng, ngành công an dự kiến sẽ bố trí khoảng 25.000 công an chính quy xuống cấp xã, tập trung vào các xã dân cư đông đúc, địa bàn rộng, phức tạp. “Có những xã còn phức tạp hơn phường nhiều. Chúng tôi nghe những tiếng kêu thấu lòng từ người dân, có những việc không được giải quyết một cách căn cơ. Nên bố trí công an chính quy xuống xã là để giải quyết vấn đề này” - ông chia sẻ.

Nhiệm vụ của Bộ hướng dẫn, kiểm tra là chính, giảm làm trực tiếp. Hiện xảy ra tình trạng Bộ điều tra rồi TAND cấp tỉnh xử lý, rất bất cập trong cải cách tư pháp, đòi hỏi cần đồng bộ hơn.

Thủ tướng: “Đừng để dân sợ công an”

Cho ý kiến dự luật CAND sửa đổi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Tôi phải nói rất chân thành rằng công an chúng ta phải công khai, minh bạch, tốt hơn, sát dân, sát cơ sở để phục vụ nhân dân tốt hơn. Đây là nguyên tắc quan trọng vì công an vừa là hành pháp vừa là tư pháp”.

Đánh giá cao những thành tích mà lực lượng CAND đạt được trong thời gian qua nhưng Thủ tướng lưu ý: “Đừng để dân sợ công an, dân hiện nay còn sợ lắm. Cái này chúng ta phải sửa từ phong cách, cách làm nhưng điều quan trọng đặc biệt là từ luật pháp phải yêu cầu người chiến sĩ CAND phải sát dân, sát cơ sở, gần dân, phục vụ nhân dân. Công khai, minh bạch, sát dân, gần cơ sở để người dân yêu mến là điều rất quan trọng trong tổ chức quản lý, trong xây dựng lực lượng vững mạnh toàn diện”.

Theo Thủ tướng, thời nào cũng có vai trò quan trọng của bộ đội cụ Hồ trong nhân dân nhưng hiện trụ cột trong an ninh, an toàn xã hội là ngành công an. “Để xã hội an toàn hơn, chúng ta phải nhận thấy có trách nhiệm, có khuyết điểm, có cái chưa được, từ điều tra đến an toàn giao thông... Phát triển kinh tế-xã hội phải song hành với an toàn của người dân, chia sẻ, đồng hành với lo lắng của người dân” - Thủ tướng nói.