Sẽ lắp camera phạt nguội lấn chiếm vỉa hè

Admin
Theo chuyên gia, lắp đặt camera xử phạt nguội lấn chiếm vỉa hè sẽ khiến người vi phạm sợ và thay đổi hành vi, tiến tới có ý thức chấp hành.

Vỉa hè phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm) bị tái chiếm (Ảnh chụp chiều 16/10) - Ảnh: Tạ Tôn
Sau gần một năm ra quân quyết liệt “đòi” lại vỉa hè cho người đi bộ, đến nay vỉa hè ở Hà Nội lại lộn xộn, nhếch nhác không khác gì trước khi ra quân. Để tránh “bắt cóc bỏ đĩa” lãnh đạo TP Hà Nội cho biết, sẽ xem xét đề xuất lắp camera phạt nguội vi phạm này.

Sau ra quân rầm rộ, vỉa hè lại bị chiếm dụng

Trở lại những tuyến phố trước đây được lực lượng chức năng nhiều lần ra quân xử lý vi phạm vỉa hè, PV Báo Giao thông ghi nhận tình trạng tái chiếm vỉa hè lại diễn ra nhan nhản. Đơn cử tuyến đường La Thành, cả hai bên vỉa hè đều bị các hộ gia đình sử dụng làm nơi buôn bán vật liệu xây dựng, hàng ăn, hành nghề cơ khí. Người đi bộ phải đi xuống lòng đường dẫn đến tình trạng lộn xộn, mất ATGT.

Tương tự, đường Lê Văn Lương dù vỉa hè rộng khoảng 7m nhưng cũng bị nhiều hộ kinh doanh lấn chiếm, buộc người đi bộ thường xuyên phải đi xuống lòng đường. Chiều 14/10, PV ghi nhận có đến 4 chợ cóc xuất hiện trên vỉa hè và hàng chục hộ kinh doanh vi phạm trên tuyến đường này. Đoạn gần ngã tư Tố Hữu - Vạn Phúc còn xuất hiện hàng loạt các xe chở hoa quả, người bán hàng chiếm dụng hết vỉa hè. Thậm chí, cửa hàng rửa xe ô tô còn lấn chiếm toàn bộ vỉa hè làm chỗ rửa xe, đỗ đến 5-6 chiếc ô tô cùng lúc.

Điều 12, Nghị định 46/2016 quy định mức xử phạt với một số hành vi lấn chiếm vỉa hè như sau: Phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 - 400.000 đồng với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau: Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng. Phạt tiền từ 2- 3 triệu đồng với cá nhân, từ 4-6 triệu đồng với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau: Sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông...

Cô Nguyễn Thị Nụ đón cháu sau giờ tan học chia sẻ, trước đây, quận và phường ra quân rầm rộ, tình trạng vi phạm có giảm. Nhưng sau một thời gian lại đâu vào đấy, vỉa hè lại bị chiếm dụng làm của riêng. “Ngày nào tôi đi qua đây để đón cháu đều phải đi xuống lòng đường vì chủ cửa hàng rửa xe đỗ tràn ô tô trên vỉa hè, không còn chỗ cho người đi bộ”, cô Nụ bức xúc.

Tương tự, phía sau bến xe Giáp Bát, khu vực nhà xe trả khách cả 2 bên vỉa hè rộng mỗi bên chừng 5m đều bị hộ kinh doanh tận dụng làm nơi trông giữ xe, quán ăn... Tại tuyến đường này thường xuyên xảy ra ùn tắc bởi người đi bộ cũng phải đi xuống lòng đường. Các chủ kinh doanh ngang nhiên bày biện, làm khu trông giữ xe ngay cả khi có biển cấm bán hàng rong, cấm kinh doanh trên vỉa hè.

Trên các tuyến phố cổ còn xuất hiện tình trạng chiếm dụng vỉa hè làm nơi đỗ xe. Có thể kể đến đoạn vỉa hè từ số 51-67 phố Hàng Giấy (P. Đồng Xuân), xe máy được để la liệt thành 3-4 hàng, có khi ra cả lòng đường, gần khu vực đó lại có 2 trường mầm non. Thời điểm tan tầm, phương tiện lưu thông đông, phụ huynh chờ đón con khiến đoạn đường trở nên lộn xộn, mất trật tự. Đoạn vỉa hè trước cửa hàng phụ kiện Đức Hải (28 - 30 Hàng Giấy), nhiều chủ hàng ngang nhiên cho khách đậu xe trên vỉa hè, dù cho cơ sở này gần với trụ sở Công an phường Đồng Xuân.

Trên trục đường Xuân Thủy - Cầu Giấy, cửa hàng điện thoại di động One Way (416 Cầu Giấy) lợi dụng buổi tối xếp xe máy của khách tràn lan ra vỉa hè, thậm chí một số xe còn xếp dưới lòng đường gây ảnh hưởng lớn đến người đi lại và giao thông khu vực đèn tín hiệu ngã tư Cầu Giấy - Trần Thái Tông.

 Hai bên vỉa hè (gần khu vực nhà xe trả khách bến xe Giáp Bát) đều bị chiếm dụng làm khu vực gửi xe, đẩy người đi bộxuống lòng đường - Ảnh: Lê Tươi

Có nên phạt nguội vi phạm vỉa hè?

Trao đổi với Báo Giao thông, Trung tá Nguyễn Anh Sơn, Đội trưởng Đội CSGT- Trật tự - Cơ động (Công an quận Thanh Xuân) thừa nhận, trên địa bàn quận xảy ra tình trạng các hộ kinh doanh tái chiếm vỉa hè. Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng của quận đã ra quân xử lý hàng nghìn trường hợp vi phạm, tình trạng lấn chiếm có giảm nhưng vẫn chưa xử lý dứt điểm.

Ông Sơn cũng cho rằng, nhiều chủ hộ kinh doanh khi có lực lượng chức năng kiểm tra thì dọn vào bên trong, khi lực lượng đi khỏi thì bày bán trở lại, đa số là các vật dụng buôn bán di động nên rất khó xử lý. “Việc kinh doanh, bán hàng rong trên vỉa hè, thậm chí đã trở thành nguồn thu nhập chính của rất nhiều hộ gia đình. Bởi vậy, việc xử lý, dẹp gọn vỉa hè cho người đi bộ gặp rất nhiều khó khăn”, ông Sơn nói.

Trưởng Công an phường Dương Nội Hà Văn Sơn cũng cho biết, Công an phường thường xuyên đi kiểm tra những khu vực vỉa hè bị lấn chiếm, nhất là khu vực đường Lê Văn Lương. Tuy nhiên, mỗi lần xe của lực lượng tới, các hộ kinh doanh đều chạy lên khu vực cầu vượt thuộc địa phận phường Yên Nghĩa nên rất khó xử lý. “Nhiều người ngoài việc kinh doanh chẳng có công việc nào khác nên nhất quyết bám trụ vỉa hè buôn bán. Thành phố nên sắp xếp cho họ chỗ bán hàng riêng, khi đã tạo điều kiện như vậy mà vẫn vi phạm thì phải xử lý nghiêm mới có thể thay đổi, trả vỉa hè cho người đi bộ”, ông Hà đề xuất.

TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, Giảng viên trường Đại học GTVT cho biết, phần lớn ở các nước phát triển đều không có tình trạng vỉa hè bị chiếm dụng. Họ có các hệ thống siêu thị, giá thành rẻ như mua ở ngoài mà lại đảm bảo an toàn vệ sinh nên người dân đều có thói quen mua hàng trong siêu thị. Lực lượng chức năng xử lý quyết liệt. Đặc biệt, ở Mỹ công tác xử phạt nguội rất hiệu quả, trên tuyến đường có lắp camera, người vi phạm buộc phải nộp phạt, không thể thoát được...

Cũng theo TS. Thủy, ở Việt Nam, các TP đều chưa giải quyết được tình trạng buôn bán hàng rong trên vỉa hè, lòng đường. Dư luận cho rằng, nếu không có sự dung túng của một số cán bộ có chức quyền, không thể có tình trạng lấn chiếm vỉa hè ngày càng nghiêm trọng như thời gian vừa qua. “Để lập lại trật tự vỉa hè, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm và có thể áp dụng biện pháp quản lý thông minh như: Lắp đặt camera xử phạt nguội. Làm thế để người vi phạm biết hành vi vi phạm sẽ bị hình ảnh ghi nhận và xử phạt thì họ mới sợ và thay đổi hành vi, tiến tới có ý thức chấp hành”, TS. Thủy nói.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo 197 thành phố cho biết, thời gian qua, thành phố vẫn yêu cầu các quận, huyện thường xuyên kiểm tra xử lý vi phạm vỉa hè. Những hành vi vi phạm đều đã có mức phạt cụ thể, các quận, phường phải xử lý quyết liệt, người đi bộ mới có vỉa hè để đi, tuy nhiên vẫn chưa xử lý được triệt để.

Nói về đề xuất lắp đặt camera để xử phạt nguội các vi phạm vỉa hè, ông Hùng cho rằng, đây là biện pháp sẽ mang lại hiệu quả cao. “Tới đây, nếu các phường, quận đề xuất, Ban Chỉ đạo sẽ họp và đề xuất với Chủ tịch UBND TP để có thể xem xét, triển khai”, ông Hùng nói.