Ngay từ khi lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường nổi lên ở giải U19 Đông Nam Á năm 2013, và có chiến thắng trước đội bóng cùng trang lứa của Thái Lan, ông chủ của họ là bầu Đức đã sớm tuyên bố lứa Công Phượng và các đồng đội sẽ vô địch SEA Games.
Bầu Đức sau đó thậm chí còn nói chắc nịch, rằng cứ gọi ông là “Đức nổ” nếu lứa vừa nêu không thể có bộ HCV môn bóng đá nam tại Đại hội thể thao Đông Nam Á.
SEA Games 29 là cơ hội cuối cùng để những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn thực hiện điều đó, thực hiện điều mà bầu Đức nói riêng và người hâm mộ bóng đá Việt Nam nói chung khao khát từ rất lâu rồi.
SEA Games 29 sẽ là kỳ SEA Games cuối cùng của Công Phượng (ảnh: Gia Hưng) |
Công Phượng cho đến giờ vẫn là ngôi sao chuyên trị các giải đấu trẻ. Và SEA Games cũng là giải đấu cuối cùng anh đá giải trẻ, đá một giải U, nên kỳ vọng vào việc ngôi sao số 1 của bóng đá Việt Nam toả sáng ở sân chơi trẻ tại SEA Games càng lớn.
Kỳ vọng lớn nhất là việc đánh bại Thái Lan. Hơn 20 năm qua, từ sau trận chung kết SEA Games 18 năm 1995 ở Chiang Mai (Thái Lan), khi đội tuyển Việt Nam thua Thái Lan 0-4, bóng đá xứ Chùa Vàng vẫn là đối thủ lớn nhất của bóng đá Việt Nam tại Đông Nam Á.
Đánh bại được Thái Lan gần như sẽ có đến hơn 80% cơ hội để vô địch các giải đấu khu vực. Sở dĩ bầu Đức tin rằng U22 Việt Nam hiện nay có khả năng đoạt HCV SEA Games cũng bởi bầu Đức cho rằng lứa U19 của Công Phượng từng đánh bại lứa U19 Thái Lan, thì lứa U22 Việt Nam hiện tại với Công Phượng và các đồng đội làm nòng cốt cũng sẽ làm được việc tương tự.
Đây cũng là kỳ SEA Games cuối cùng thế hệ của Tuấn Anh, Xuân Trường khoác chung màu áo đội tuyển U22 Việt Nam (ảnh: Trọng Vũ) |
Bản thân đội U22 xứ Chùa Vàng tham dự SEA Games 29 cũng không còn mạnh như các kỳ SEA Games trước. Hiện tại, bóng đá Thái Lan đã có định hướng phát triển khác hẳn với phần còn lại của bóng đá Đông Nam Á nói chung và bóng đá Việt Nam nói riêng.
Các đội tuyển Thái Lan hiện không tập trung dài ngày như các đội tuyển Việt Nam, giải vô địch quốc gia của họ cũng không nghỉ giữa chừng vì một đội tuyển trẻ như giải V-League của Việt Nam (Thai-League vẫn diễn ra song song khi đội U22 Thái Lan tập trung chuẩn bị cho SEA Games).
Đồng thời, Thái Lan không gom chung 2 đội tuyển quốc gia và U22 quốc gia theo kiểu tập trung “2 trong 1 “ như đội tuyển Việt Nam. Họ càng không xài chung HLV đội tuyển quốc gia (Milovan Rajevic) với HLV đội tuyển U22 (Worrawoot Srimaka) như đội tuyển Việt Nam.
Tức là, với người Thái bây giờ, đội tuyển U22 Thái Lan chỉ đơn thuần là một đội trẻ, không phải là hình ảnh của toàn bộ nền bóng đá. Thành ra, chuyện U22 Thái Lan nếu vô địch SEA Games thì đấy dĩ nhiên là điều rất đáng mừng, nhưng nếu không vô địch, thì cũng chẳng phải là thảm hoạ cho bóng đá xứ Chùa Vàng.
Và một khi U22 Thái Lan không còn mạnh và không nhất thiết phải đoạt HCV SEA Games bằng mọi giá, đấy là cơ hội rất lớn cho U22 Việt Nam trong việc tìm đường đăng quang.
Cái duyên của Công Phượng ở các giải trẻ, tính chất tập trung đội tuyển U22 của người Thái, cùng khát khao của một thế hệ muốn được chính thức bước lên ngôi đầu khu vực (kỳ thực từ khi nổi tiếng ở giải U19 Đông Nam Á 2013 đến nay, Công Phượng và các đồng đội chưa bao giờ vô địch Đông Nam Á ở các nhóm tuổi) sẽ chắp cánh cho giấc mơ vàng SEA Games của bầu Đức và của bóng đá Việt Nam!