Siêu thị hốt bạc trong mùa bán Tết, doanh thu cao kỷ lục

Admin
Tổng doanh thu thị trường Tết tại TP HCM ước đạt gần 20.000 tỉ đồng

Báo cáo với Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Liêm về sức mua Tết, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM – Saigon Co.op, cho hay đơn vị này đã đạt doanh thu cao kỷ lục trong mùa Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

"Với công tác chuẩn bị hàng hóa tốt, kết hợp với việc tổ chức bán hàng khoa học, phù hợp với thói quen tiêu dùng hiện đại, Tết Kỷ Hợi ghi nhận doanh số cao kỷ lục với gần 1.000 tỉ đồng mỗi tuần, tương đương tổng doanh thu trong 8 tuần kinh doanh tết của Saigon Co.op đạt gần 8.000 tỉ đồng" – ông Đức cho biết.

Hiện hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op gồm hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.opSmile, Cheers… đã hoạt động lại bình thường từ mùng 6 tết và triển khai nhiều chương trình hoạt náo, tặng bao lì xì, giảm giá hàng ngàn mặt hàng nhu yếu phẩm để tiếp tục thu hút người tiêu dùng mua sắm từ đầu năm.

Tương tự Saigon Co.op, các hệ thống bán lẻ hiện đại khác như Big C, LOTTE Mart, Aeon, Vinmart, Emart… cũng thắng lớn trong mùa kinh doanh Tết 2019.

Đánh giá chung về thị trường Tết Kỷ Hợi 2019, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết tổng doanh thu thị trường ước đạt 19.822 tỉ đồng, tăng 1.143 tỉ đồng (6,12%) so với kết quả thực hiện Tết Mậu Tuất 2018 (18.679 tỉ đồng). Trong đó, doanh thu hàng bình ổn thị trường ước đạt 8.450,8 tỉ đồng, tăng 882,1 tỉ đồng (11,65%) so với Tết Mậu Tuất 2018 (7.568,8 tỉ đồng).

 Ngày càng nhiều khách hàng chọn mua sắm Tết tại siêu thị thay vì ra chợ

"Sức mua thị trường Tết năm nay tăng 12%-15% so với Tết Mậu Tuất 2018, trong đó mãi lực tại các hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi...) tăng 15% – 25%. Người tiêu dùng tiếp tục có xu hướng thay đổi dần tập quán mua sắm, tiêu dùng, thay cho "ăn Tết" bằng "vui Tết", "chơi Tết", chuyển từ kênh mua sắm truyền thống sang kênh mua sắm hiện đại, mua sắm online và giảm bớt thói quen mua dự trữ hàng hóa" - bà Trang đánh giá.

Tuy nhiên, nhờ các DN đã chuẩn bị nguồn hàng Tết từ quý II/2018 nên trước, trong và sau Tết luôn bảo đảm lượng hàng dồi dào, cân đối được cung – cầu.

Tính trung bình, trong thời gian cận Tết, lượng hàng nhập về các chợ ở TP HCM bình quân 9.201 tấn/đêm, gồm các mặt hàng trái cây, rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản và hoa. Thời gian cao điểm từ ngày 27, 28, 29 tháng Chạp, lượng hàng hóa về chợ tăng khoảng 50% - 80% so với ngày thường, sản lượng từ 13.000 -16.500 tấn/đêm.

Riêng các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nhóm DN bình ổn thị trường đã chuẩn bị nguồn hàng trị giá 18.424,8 tỉ đồng để cung ứng trong 2 tháng tết. Lượng hàng chuẩn bị tăng 13,2% - 16,9% so kế hoạch TP giao và tăng 23% - 36% so kết quả thực hiện Tết Mậu Tuất 2018. Trong đó, nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 32% – 58% nhu cầu thị trường như: thịt gia cầm (chiếm 55,2%), trứng gia cầm (51,1%), thực phẩm chế biến (33,6%), thịt gia súc (31,7%), dầu ăn (34,5%), gạo (29,3%)...

Trên phạm vi cả nước, theo ghi nhận của Bộ Công Thương, sức mua các nhóm hàng lương thực, thực phẩm hàng tiêu dùng tăng khoảng 15%-20% so với các tháng thường và tăng khoảng 10%-12% so với Tết năm 2018.

Cùng với việc chuẩn bị nguồn hàng, các địa phương cũng quan tâm tới việc tổ chức tốt hệ thống phân phối để đưa hàng Tết đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là hàng bình ổn thông qua việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các điểm bán hàng Tết, các Hội chợ, phiên chợ Tết, kết hợp Chương trình bình ổn thị trường với các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp... Ngoài ra, các địa phương cũng đã tổ chức các hoạt động đưa hàng hóa phục vụ bà con đón Tết tại các xã huyện vùng sâu, vùng xa, các xã đảo cách xa đất liền.