Sinh viên có thu nhập 300 triệu khi thực tập tại doanh nghiệp logistics

Admin
Sinh viên khi thực tập tại các doanh nghiệp logistics của Nhật Bản có thu nhập lên đến 300 triệu trong 1 năm.

 Mô hình tàu thủy của sinh viên ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM trưng bày tại các gian hàng trong khuôn khổ Hội nghị khoa học. Ảnh: Hà Thế An.

Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM hiện đang thực hiện rất nhiều chương trình hợp tác với các hiệp hội, doanh nghiệp logistics quốc tế, đưa sinh viên đi thực tập. Ở chiều ngược lại, nhiều chuyên gia về logistics đã đến Việt Nam tổ chức các hội thảo khoa học về lĩnh vực này nhằm nâng cao kiến thức của sinh viên.

Chia sẻ này là của PGS.TS Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM tại Hội nghị khoa học và công nghệ lần thứ 4 của trường tổ chức sáng 17/05.

PGS. TS Nguyễn Văn Thư cho biết, logistics là một trong những ngành tiềm năng và mũi nhọn trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của nhà trường. Hiện nay, theo nghiên cứu, tổng tỉ trọng dịch vụ logistics trong giá thành sản phẩm tại Việt Nam chiếm 15%-20%. Con số này ở nước ngoài chỉ vào khoảng 7-8%.

Trong khi đó, tổng sản phẩm của dịch vụ logistics tại Việt Nam khoảng 35 tỉ USD/năm và hầu hết là của doanh nghiệp nước ngoài. Logistics ở VN đang ở trong giai đoạn non trẻ vì hạn chế về kết cấu hạ tầng, sự kết nối các phương tiện, người quản trị.

“10 năm đào tạo lĩnh vực logistics chúng tôi đã xây dựng mối quan hệ với các hiệp hội logistics ở Nhật Bản, Đức, Singapore… để thúc đẩy hoạt động đào tạo, nghiên cứu lĩnh vực này.

Hằng năm chuyên gia Nhật Bản đều dạy cho sinh viên nhà trường trong 2 tuần. Hiệp hội nghề nghiệp logistics của Đức đã mở rộng cửa cho sinh viên thực tập và có 2 ngày làm việc trong 1 tuần tại doanh nghiệp của Đức. Sinh viên khi thực tập tại các doanh nghiệp logistics của Nhật Bản có thể tích lũy thu nhập lên đến 300 triệu trong 1 năm” - PGS.TS Nguyễn Văn Thư chia sẻ.

Với các ngành nghề khác, ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM định hướng gắn kết với các doanh nghiệp bên ngoài bằng các hoạt động ký kết hỗ trợ xây dựng chương tình đào tạo, đặt hàng xử lý công nghệ, tiếp nhận sinh viên thực tập…

“Chúng tôi luôn đặt tâm thế hỗ trợ doanh nghiệp ở mức cao nhất. Có những giải pháp nghiên cứu thành công, chúng tôi sẵn sàng chào hàng đến doanh nghiệp và lắng nghe nhu cầu của họ”- PGS.TS Thư chia sẻ.

Mô hình giao thông của sinh viên trưng bày tại hội nghị. Ảnh: Hà Thế An.

Tại hội nghị khoa học và công nghệ lần 4, ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM đã nhận được 224 bài viết từ các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Hội nghị còn nhận được 17 bài báo khoa học của sinh viên.

Hội nghị là nơi để nhà khoa học chia sẻ các vấn đề quan trọng về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực giao thông vận tải, vì sự phát triển bền vững của ngành.

Ông Hoàng Nam, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải đánh giá cao những kết quả trong nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực giao thông của nhà trường.

Ông Nam nhìn nhận, giao thông đang được quan tâm bởi các công trình đường sắt cao tốc, giao thông công cộng, giao thông thông minh, sân bay…

“Với những công trình đang được quan tâm như vậy, nhà trường sẽ có những hợp tác với các ĐH, nhà khoa học trong nước và quốc tế tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, có những đóng góp trong xây dựng và phát triển hạ tầng, công trình giao thông hiện đại đáp ứng nhu cầu xã hội, bảo vệ môi trường”- ông Nam chia sẻ.