Hệ thống này bao gồm 3 thành phần: website thực hiện chức năng quản lý, ứng dụng chạy trên hệ điều hành Android của điện thoại, và phần cứng nhúng. Ba thành phần này được liên kết với nhau bằng Internet và chức năng SMS. Internet được dùng cho việc kết nối giữa website và ứng dụng Android, còn SMS được dùng để điều khiển hệ thống.
Nhóm sinh viên FPT đang thực hiện demo hệ thống. |
Theo đó, website quản lý sẽ có chức năng tổ chức các điểm đặt thiết bị và hiển thị chúng; cũng như quản lý các tài khoản sử dụng hệ thống. Nhóm đã cho ra đời đến bản cải tiến thứ 2 sau nhiều vòng kiểm thử và vá lỗi.
Chia sẻ về cách vận hành hệ thống, Lê Anh Tuyên (sinh viên phụ trách phần cứng) nói: “Thao tác điều khiển được thực hiện thông qua một ứng dụng cài đặt trên điện thoại sử dụng hệ điều hành Android và phần cứng nhúng. Người sử dụng chỉ cần thao tác trên ứng dụng Android, sau đó ứng dụng sẽ tự động xuất ra nội dung điều khiển và gửi cho phần cứng bằng tin nhắn SMS”.
Ứng dụng có thể được cài đặt trên các thiết bị sử dụng hệ điều hành Android. |
Phần cứng sau khi nhận được tin nhắn SMS sẽ thực hiện phân tích và bóc tách nội dung, sau đó đưa ra tín hiệu điều khiển tương ứng cho thiết bị. Đặc biệt, nhờ tính năng đồng bộ hoá (thêm/xóa/thay đổi điểm đặt thiết bị), người sử dụng còn có thể cập nhật lên ứng dụng chạy trên điện thoại dùng hệ điều hành Android những thay đổi của hệ thống từ web server.
Ngoài ra, ứng dụng này còn có chức năng phụ là cung cấp thông tin thời tiết tại khu vực được chọn theo các khung giờ trong 3 ngày tới (thử nghiệm với trụ sở của Tổ chức Giáo dục FPT là khu vực Sơn Tây). Để thực hiện chức năng này, phần cứng nhúng sẽ tập trung cho việc xử lý tập lệnh qua SMS để thực hiện điều khiển.
Nhóm sinh viên FPT đã xây dựng các chế độ điều khiển bằng tay, điều khiển tự động thông qua việc đặt lịch. Chế độ đặt lịch bao gồm đặt lịch một ngày, hàng ngày, hàng tuần, huỷ đặt lịch để thuận tiện cho người dùng.
Ngoài ra, nhóm còn phát triển thêm một số tính năng tự động kiểm soát lỗi và cảnh báo sớm cho người dùng để đảm bảo an toàn cho hệ thống và thiết bị trong quá trình sử dụng.
Chia sẻ điểm nổi bật của mô hình này, trưởng nhóm phát triển hệ thống - Phạm Quang Khang cho biết: “Hệ thống này có thể triển khai ở hầu khắp các khu vực mà sóng điện thoại phủ tới. Ngoài lần đầu tiên đăng nhập để lấy thông tin thiết bị và các lần cần đồng bộ hoá dữ liệu; hệ thống có thể hoạt động mà không cần tới kết nối Internet. Hệ thống cũng giúp người dùng tiết kiệm công sức và nâng cao năng suất lao động khi phát triển chức năng tưới cây theo hẹn giờ. Người dùng có thể đặt tới 5 lịch tưới khác nhau trong một ngày và để hệ thống triển khai hoàn toàn tự động.”
Hiện tại, mô hình mới được thử nghiệm tại Tổ chức Giáo dục FPT tại Hòa Lạc, và được trông đợi có thể áp dụng cho các hộ nông dân có nhà vườn quy mô nhỏ và vừa, đặc biệt là những nơi khó có thể tiếp cận bằng phương pháp tưới tắm thủ công.
Theo ước tính của nhóm, nếu mô hình này được áp dụng vào thực tế thì chi phí sẽ rất rẻ, phù hợp với mức thu nhập của đa số người làm nông ở Việt Nam. “Phần cứng đưa ra thị trường dự kiến là 1 triệu đồng/một thiết bị”, một thành viên trong nhóm cho biết.
Được biết, hệ thống quản lý và điều khiển tưới tiêu từ xa thông qua thiết bị di động - GreenHola là một trong các đồ án tốt nghiệp được đánh giá cao tại đợt bảo vệ đồ án của Trường Đại học FPT, diễn ra từ 28/8-1/9 vừa qua.