Số phận Khách sạn Daewoo: Từ tỷ phú Hàn Kim Woo-choong đến 'bà trùm' Trương Mỹ Lan

Hậu Nguyễn
Khách sạn Daewoo Hà Nội trải qua nhiều phen lao đao vì khủng hoảng kinh tế và đã 4 lần đổi chủ. Mới đây, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đề nghị bán khách sạn này để nộp tiền khắc phục hậu quả cho vụ án.

khach-san-daewoo-1710555233.jpg

 

Khách sạn nổi danh của thời đổi mới

Trong phiên xét xử ngày 15/3, bà Trương Mỹ Lan đề nghị bán Khách sạn Daewoo và nhiều tài sản khác để khắc phục hậu quả trong vụ án Vạn Thịnh Phát.

Bà Lan cho biết, CTCP Bông Sen của gia đình bà chiếm 93,6 % cổ phần tại Khách sạn Daewoo Hà Nội. Gia đình bà Lan có cổ phần chi phối tại CTCP Bông Sen.

Daewoo Hà Nội là một trong những khách sạn 5 sao nổi tiếng ở Hà Nội. Khách sạn này được xây dựng vào năm 1996, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cựu Chủ tịch Daewoo Kim Woo-choong. Sau khi hoàn thành, khách sạn Dewoo Hanoi đã trở thành một biểu tượng của Thủ đô bởi quy mô hoành tráng bậc nhất thời bấy giờ.

Khách sạn Daewoo Hà Nội nằm ở vị trí đắc địa, là điểm kết nối giữa trung tâm chính trị Ba Đình với khu hành chính, đô thị cực lớn phía Tây Hà Nội.

Tọa lạc tại "đất vàng" nơi trung tâm cửa ngõ phía tây TP.Hà Nội với 411 phòng, Dewoo Hanoi không chỉ là khách sạn lớn nhất tại Thủ đô mà còn thu hút giới doanh nhân và chính khách trong và ngoài nước bởi một lối kiến trúc cổ điển mang nét đẹp sang trọng, tinh tế. Khách sạn Daewoo từng đón tiếp các chính trị gia lớn như cựu Tổng thống Mỹ Clinton, Tổng thống Nga Putin, cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào...

Daewoo Hà Nội nằm trong tổ hợp Trung tâm Thương mại Daeha (gồm khách sạn và tòa nhà văn phòng) với tổng diện tích gần 3ha. Tổ hợp này bao gồm 3 tòa nhà: Khách sạn Daewoo Hà Nội 5 sao, khu văn phòng Daeha Bussiness Center và khu căn hộ cho thuê Daeha Serviced Aparment bên cạnh hồ Thủ Lệ.

Giá trị tài sản của tổ hợp không ngừng tăng qua các năm. Năm 2012, giá trị ước tính của tổ hợp này đã đạt trên 430 triệu USD.

Ông chủ của Khách sạn Daewoo Hà Nội là Công ty TNHH Daeha, có vốn điều lệ 43,61 triệu USD. Đây là công ty liên doanh được thành lập dựa trên sự hợp tác giữa phía Việt Nam (đại diện là Hanel - tên ngày nay là Công ty cổ phần Hanel) và Hàn Quốc (Daewoo).

Trong đó, Hanel nắm giữ 30% vốn (tương đương 13,083 triệu USD), còn Daewoo góp 30,527 triệu USD (chiếm 70% vốn điều lệ). Hanel góp vốn bằng quyền sử dụng đất, Daewoo góp tiền cho dự án.

Nhưng do Daewoo gặp khó khăn nên khách sạn phải mất rất nhiều thời gian mới đi vào hoạt động. Nhưng sau đó lại thua lỗ triền miên. Tới năm 2009, Công ty TNHH Daeha lỗ lũy kế hơn 3,167 triệu USD.

Đúng vào thời điểm khủng hoảng toàn cầu nổ ra, Daewoo gánh chịu khoản nợ khổng lồ. Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc yêu cầu Daewoo bán bớt tài sản ngoài cốt lõi của mình để giảm tỷ lệ nợ.

Lúc đầu, Hanel đã từ bỏ quyền mua của mình nên Daewoo muốn chuyển nhượng cho “đồng hương” Hàn Quốc là Lotte. Daewoo thông báo sẽ bán toàn bộ 70% vốn tại liên doanh Daeha cho Lotte với giá 111 triệu USD. Khi đó, Lotte và Daewoo đã ký một biên bản ghi nhớ mà theo đó Lotte sẽ sở hữu 100% cổ phần của Daewoo tại Daeha để xây dựng kết hợp với khu lân cận tạo thành Lotte Town.

Nhưng sau đó, Hanel lại quyết thực hiện “quyền ưu tiên” trong liên doanh nên cái "bắt tay" của Daewoo và Lotte bất thành. Hanel trở thành người nắm giữ 100% khách sạn Daewoo Hà Nội.

Đầu tháng 4/2012, lãnh đạo Daewoo Hàn Quốc chính thức thông báo: "Hanel, hiện nắm giữ 30% cổ phần tại Khách sạn Daewoo Hà Nội, đã đồng ý mua lại 70% cổ phần còn lại từ Daeha, chủ sở hữu và nhà điều hành khách sạn và công ty con địa phương của Daewoo E&C có trụ sở tại Việt Nam".

Giá trị thương vụ không được tiết lộ nhưng nhiều nguồn tin trong nước cho rằng Hanel phải chi 100 triệu USD để trở thành chủ nhân duy nhất của Daewoo. Còn một tờ báo Hàn Quốc khẳng định, giá trị sổ sách của Daewoo là 17,1 tỷ won. Số tiền Daewoo thu được từ việc bán khách sạn để cơ cấu lại nợ khoảng 60 triệu USD (tương đương 1.250 tỷ đồng).

khach-san-daewoo1-1710555253.jpg

 

Vào tay Vạn Thịnh Phát

Câu chuyện trở nên ly kỳ hơn khi Hanel giành quyền mua 70% vốn nhưng lại nhanh tay chuyển nhượng tất cả cho 2 công ty trong nước nhưng sau đó 2 công ty này đều không thanh toán một lần cho thượng vụ trên.

Hai ông chủ mới của Daewoo Hà Nội được hé lộ là CTCP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành và CTCP Đầu tư Hợp Thành 1. Giá trị thương vụ không được tiết lộ nhưng tại thời điểm cuối năm 2012, Hợp Thành 1 và Hợp Thành lần lượt nợ Hanel 331 tỷ đồng và 181 tỷ đồng. Phải mất tới 2 năm, hai chủ Hợp Thành mới thanh toán hết thương vụ.

Đến năm 2015, khi 2 công ty trên vừa hoàn thành nghĩa vụ tài chính cho thương vụ thâu tóm khách sạn Daewoo Hà Nội, "chủ nhân mới" lại bất ngờ xuất hiện.

CTCP Bông Sen (tên giao dịch là Bông Sen Corp) - một công ty con của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn TNHH MTV (Saigontourist) - công bố tại đại hội cổ đông năm 2015 có kế hoạch đầu tư 3.650 tỷ đồng để sở hữu 51% vốn khách sạn Daewoo Hà Nội. Như vậy, tổ hợp khách sạn Daewoo được định giá lên tới gần 7.160 tỷ đồng.

Tới năm 2016, Bông Sen Corp cho biết công ty mới mua được 34,83% vốn. Từ đó tới nay, Bông Sen Corp không công khai tiến độ thương vụ này. Nhưng tại ngày 30/6/2019, Bông Sen Corp đang sở hữu 73,04% cổ phần của Hợp Thành 1, từ đó gián tiếp sở hữu 51,05% cổ phần của CTCP Daeha - chủ đầu tư khu phức hợp Trung tâm thương mại Daeha (bao gồm cả khách sạn Daewoo).

Ngoài cổ phần tại công ty sở hữu khách sạn Daewoo, Bông Sen Corp cũng tính chuyển nhượng hai khách sạn Saigon Place, Bông Sen và 3 bất động sản trên đất vàng tại TP.HCM.

Bông Sen Corp là một cái tên có tiếng trên thị trường bất động sản phía Nam khi sở hữu hàng loạt nhà hàng, khách sạn ở những khu vực “đất vàng” tại trung tâm TP.HCM như Khách sạn Bông Sen Sài Gòn, Khách sạn Palace Saigon, Khách sạn Bông Sen Annex, nhà hàng Lemongrass, Calibre, Bier Garden, Vietnam House, Buffet Gánh Bông Sen,...

Ngày 27/12/2004, doanh nghiệp này chính thức chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu 130 tỷ đồng.

Sau khi được tư nhân hóa, công ty đã nhanh chóng tạo dựng dấu ấn trong lĩnh vực bất động sản nhờ một loạt thương vụ thâu tóm với quy mô lên tới hàng nghìn tỷ đồng như nắm cổ phần lớn tại CTCP Khách sạn Sài Gòn, sở hữu CTCP Sài Gòn One Tower.

Dù sở hữu nhiều đất vàng nhưng Bông Sen có kết quả kinh doanh không tốt. Báo cáo tình hình thanh toán gốc và lãi trái phiếu trong nửa đầu năm 2023 của Bông Sen cho thấy, doanh nghiệp phải tất toán toàn bộ gốc, lãi của lô trái phiếu này cho các trái chủ vào 30/6/2023. Nhưng đến thời điểm 30/6/2023, công ty chưa thanh toán 4.800 tỷ đồng tiền gốc và hơn 668 tỷ đồng lãi của lô trái phiếu. Lý do mà công ty đưa ra là do “tài khoản bị phong tỏa”.

6 tháng đầu năm 2023, Bông Sen lỗ sau thuế 280 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 82 tỷ đồng. Trước đó, trong hai năm 2021 và 2022, công ty này cũng lỗ lần lượt là 186 tỷ đồng và 443 tỷ đồng.

Tới giữa năm 2023, vốn chủ sở hữu của Bông Sen giảm khoảng 700 tỷ đồng so với cùng kỳ, xuống còn dưới 7.000 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu là 0,69 lần, tương đương khoảng 4.811 tỷ đồng.

Bông Sen trong năm 2023 chậm thanh toán lãi và gốc lô trái phiếu trị giá 4.800 tỷ đồng. Doanh nghiệp này nằm trong danh sách các doanh nghiệp liên quan Vạn Thịnh Phát.